Khởi đầu tồi tệ của cổ phiếu công nghệ Mỹ
Cổ phiếu của các công ty công nghệ Hoa Kỳ đang chứng kiến sự khởi đầu năm tồi tệ nhất, kể từ năm 2016 do lo ngại về lạm phát tăng cao có thể khiến Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sớm tăng lãi suất ngay trong năm nay.
Chỉ số Nasdaq 100, bao gồm một số công ty khổng lồ về công nghệ của quốc gia, đã giảm hơn 4% kể từ đầu năm, ngay cả khi sự phục hồi trong phiên giao dịch cuối tuần trước đã lấy lại những gì đã mất trong những phiên đầu tuần. Chỉ số Nasdaq Composite cũng đã giảm tuần thứ ba liên tiếp. Trong đó các cổ phiếu có mức tăng trưởng cao thời gian trước chịu ảnh hưởng lớn hơn bởi niềm tin ngày càng tăng rằng Fed sẽ sớm rút lại biện pháp kích thích tiền tệ khổng lồ đã khiến hệ thống tài chính ngập trong tiền mặt kể từ khi đại dịch xảy ra.
Mối quan ngại về việc Fed tăng lãi suất càng được củng cố khi mà dữ liệu được công bố tuần trước cho thấy, giá tiêu dùng năm 2021 tại Mỹ tăng mạnh nhất kể từ tháng 6 năm 1982; trong khi doanh số bán lẻ giảm mạnh nhất 10 tháng trong tháng cuối năm, cho thấy việc giá cả tăng cao có thể khiến chi tiêu tiêu dùng sụt giảm. Điều đó có nguy cơ gây thêm áp lực lên các cổ phiếu công nghệ có định giá dựa trên tăng trưởng lợi nhuận trong tương lai, vì lãi suất cao hơn làm giảm giá trị hiện tại của thu nhập kỳ vọng đó.
“Lạm phát đã thực sự tăng cao, lên mức cao nhất trong nhiều thập kỷ và đó thực sự trở thành một vấn đề đối với thị trường”, Randy Frederick - Phó chủ tịch giao dịch và phái sinh của Charles Schwab & Co. cho biết.
“Nasdaq đã vấp ngã khi bước vào năm 2022”, Douglas Porter - Nhà kinh tế trưởng của BMO Capital Markets lưu ý khách hàng. Mặc dù theo ông, không ít công ty có tiềm năng dài hạn to lớn, nhưng những triển vọng thu nhập trong tương lai xa đó đang phải đối mặt với “tính toán lạnh lùng khi được chiết khấu bởi lợi suất hiện tại, vì vậy sự quay đầu đột ngột của Fed là một làn gió ngược đối với việc định giá cao”.
Hiện thị trường đang kỳ vọng Fed sẽ bắt đầu tăng lãi suất ngay trong tháng 3/2022 tới và bắt đầu giảm lượng trái phiếu dự trữ trong nửa cuối năm, loại bỏ nguồn hỗ trợ cho thị trường trái phiếu kho bạc. Chủ tịch Fed Jerome Powell tuần trước đã phát biểu với Ủy ban Ngân hàng Thượng viện rằng ông đã chuẩn bị để tăng lãi suất hơn dự kiến nếu cần để kiểm soát lạm phát.
Tuy nhiên bất chấp những biến động gần đây, công nghệ vẫn là lĩnh vực hoạt động tốt hơn trong dài hạn so với thị trường tổng thể. Chỉ số bán dẫn của Sở giao dịch chứng khoán Philadelphia tăng gần 40% kể từ đầu năm 2021, trong khi chỉ số công nghệ thông tin S&P 500 tăng 27%. Chỉ số S&P 500 tổng thể tăng khoảng 24% so với cùng kỳ, với những cái tên như Apple Inc., Microsoft Corp. và Alphabet Inc. đều vượt trội so với chỉ số chuẩn.
Một ngoại lệ là ngành công nghiệp phần mềm- ngành đã chịu áp lực nặng nề nhất khi các nhà đầu tư chuyển hướng khỏi các cổ phiếu tăng trưởng được định giá cao. Kể từ khi đạt đỉnh vào tháng 11/2021, quỹ ETF công nghệ và phần mềm mở rộng iShares đã có xu hướng giảm rõ rệt, với mức giảm trong ba tuần qua đã khiến nó trở lại với vị trí như cuối năm 2020.
Mặc dù theo Frederick, các cổ phiếu công nghệ lớn như Apple và Microsoft, vốn có bảng cân đối kế toán mạnh mẽ và có mức chi trả cổ tức lớn hơn, có thể duy trì đà tăng nếu các nhà đầu tư chuyển hướng sang cổ phiếu chất lượng. Nhưng điều đó không có khả năng xảy ra đối với các cổ phiếu vốn hóa siêu nhỏ, thường biến động hơn và kém thanh khoản hơn so với cổ phiếu của các công ty lớn.
“Chúng ta phải chứng kiến sự ổn định về lãi suất và chắc chắn hơn về dữ liệu kinh tế, trước khi bạn thấy mọi người quay trở lại với những cái tên phát triển hơn này”, Frederick nói thêm. “Định giá đã giảm rất nhiều, nhưng có thể mất một chút thời gian trước khi chúng quay trở lại”.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận