Khởi đầu mới của doanh nghiệp SME
Liên minh doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) Việt Nam vừa được ra mắt sẽ có các chương trình hành động xoay quanh năm trụ cột vốn có ảnh hưởng nhiều đến hoạt động của doanh nghiệp SME gồm: nguồn vốn, chính sách, hợp tác kinh doanh, nâng cao năng lực quản trị và chuyển đổi số.
Liên minh doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) vừa chính thức ra mắt cộng đồng doanh nghiệp SME Việt Nam. Đây là tổ chức được hình thành trong bối cảnh cộng đồng doanh nghiệp SME gặp rất nhiều khó khăn trong giai đoạn giãn cách xã hội ở TP.HCM và các tỉnh lân cận kéo dài từ tháng 6/2021 đến hết tháng 9/2021.
Ông Dominic Vũ, Chủ tịch lâm thời Liên minh SME cho biết, cộng đồng doanh nghiệp SME có số lượng rất đông nhưng phân tán, tính hiệu quả chưa cao, khả năng đoàn kết hạn chế.
Rất nhiều doanh nghiệp SME đã chịu “tổn thương” nặng nề trong đợt giãn cách xã hội và hơn lúc nào hết, cộng đồng này cần nhiều chương trình cụ thể để có thể hồi phục. Liên minh SME đã khởi xướng xây dựng các chương trình hành động xoay quanh năm trụ cột vốn có ảnh hưởng nhiều đến hoạt động của doanh nghiệp SME gồm: nguồn vốn, chính sách, hợp tác kinh doanh, nâng cao năng lực quản trị, chuyển đổi số.
Liên minh SME nhận được sự ủng hộ của nhiều doanh nghiệp lớn, đối tác đồng hành, với cùng quan điểm và chí hướng để gầy dựng nên các chương trình hành động mang tính thực tiễn, thực tế, góp phần thúc đẩy quá trình hồi phục sau dịch như Sacombank, Younet Media, Beta Group, G Group...
Bà Thục Lê, CEO chuỗi Guardian Việt Nam với hơn 100 cửa hàng chia sẻ : “Cái khó nhất của các doanh nghiệp SME là họ không biết đoàn kết lại, khi họ đoàn kết lại được thì sẽ không thua kém các tập đoàn đa quốc gia nào”.
Nói về kế hoạch hoạt động trong ba tháng cuối năm của, ông Vũ cho biết, liên minh sẽ phát triển đối tác đồng hành để trợ lực cho quá trình hồi phục của các thành viên; liên kết theo chuỗi cung ứng, chia sẻ cơ hội kinh doanh, hợp tác cùng phát triển; kêu gọi sự ủng hộ của các doanh nghiệp lớn.
Đáng chú ý, Liên minh SME sẽ tiếp tục tập hợp ý kiến về những khó khăn, vướng mắc trong quá trình hồi phục kinh tế, đồng kiến nghị giải pháp mang tính thực tiễn để hỗ trợ doanh nghiệp SME.
Hiện nay, rất nhiều doanh nghiệp SME vẫn đang ở trong tình thế hết sức khó khăn. Mặc dù Chính phủ đã có nhiều giải pháp trong chiến dịch đẩy lùi Covid-19 nhằm bảo vệ an toàn sức khỏe người dân, hỗ trợ cho các doanh nghiệp SME trong giai đoạn giãn cách xã hội, nhiều chính sách, biện pháp hành chính chưa thực sự phù hợp thực tiễn hoặc chưa quan tâm đúng mức.
Liên minh SME khởi xướng việc thảo luận, đề xuất và chung tay đóng góp ý kiến từ hàng ngàn doanh nghiệp gửi Chính phủ, lãnh đạo Tp.HCM để đề xuất nhiều giải pháp cụ thể theo nhu cầu thực tiễn của cộng đồng doanh nghiệp SME. Đóng góp tích cực này đã giúp tiếng nói góp ý của Liên minh SME được lắng nghe và ghi nhận, phản ánh qua những điều chỉnh, bổ sung trong chính sách hồi phục kinh tế sau đại dịch.
Trong đó, thư kiến nghị gửi Thủ tướng Phạm Minh Chính ngày 9/9 của Liên minh SME nêu rõ việc triển khai các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đang và sẽ gặp nhiều thách thức. Cụ thể, các cơ chế chưa có tiền lệ trước đây về điều kiện cho vay đối với doanh nghiệp SME dẫn đến các ngân hàng vẫn e dè, hạn chế hoặc né tránh.
Bên cạnh đó, tổ chức này chỉ ra, các chính sách đúng đắn từ Chính phủ chưa hoặc rất chậm triển khai ở các địa phương, gây ra sự không đồng bộ, e dè, hoài nghi cho việc hồi phục kinh doanh.
Để vượt qua đại dịch song song với việc ổn định nền kinh tế, tổ chức này đã đề xuất lập quỹ bảo lãnh cho vay doanh nghiệp SME với mức 100.000 tỷ đồng để hỗ trợ bảo lãnh tín dụng cho các doanh nghiệp SME đáp ứng hồi phục kinh doanh.
Liên minh doanh nghiệp SME cũng đã đề xuất lập tổ công tác đặc biệt để phối hợp với UBND từng địa phương trong việc rà soát, giám sát việc triển khai chính sách, đưa ra các tiêu chí về chỉ tiêu mở cửa hoạt động kinh doanh như là một tiêu chí quan trọng trong bộ tiêu chí đánh giá kết quả phòng chống dịch và hồi phục kinh tế.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận