Khởi công xây dựng nhà máy đốt rác phát điện công suất 2.000 tấn/ngày
Sáng 16/10, Công ty cổ phần Đầu tư phát triển Tâm Sinh Nghĩa đã khởi công xây dựng nhà máy đốt rác phát điện Tâm Sinh Nghĩa công suất xử lý 2.000 tấn rác/ngày, công suất phát điện 40MW.
Sáng 16/10, tại Khu Liên hợp xử lý chất thải rắn Tây Bắc (huyện Củ Chi, Tp. Hồ Chí Minh), Công ty cổ phần Đầu tư phát triển Tâm Sinh Nghĩa đã khởi công xây dựng nhà máy đốt rác phát điện Tâm Sinh Nghĩa công suất xử lý 2.000 tấn rác/ngày, công suất phát điện 40MW với tổng mức đầu tư 5.000 tỷ đồng. Đây là nhà máy xử lý rác thải thứ 2 áp dụng công nghệ đốt phát điện được xây dựng tại Tp.Hồ Chí Minh.
Ông Ngô Xuân Tiệc, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư phát triển Tâm Sinh Nghĩa (chủ đầu tư) cho biết, Nhà máy đốt rác phát điện Tâm Sinh Nghĩa sử dụng công nghệ đốt rác phát điện Martin Grade của Đức, đang được sử dụng tại 40 quốc gia trên thế giới. Ưu điểm của công nghệ là khép kín từ khâu tiếp nhận đến khâu xả thải cuối cùng, không phát tán mùi hôi, đồng thời có nhiều đặc điểm phù hợp với điều kiện rác chưa qua phân loại tại đầu nguồn tại Việt Nam hiện nay.
Dự án nhà máy được xây dựng trên diện tích 8ha thuộc khuôn viên nhà máy xử lý và tái chế rác thải sinh hoạt Củ Chi hiện hữu (20ha). Sau khi hoàn thành giai đoạn 1, hoạt động ổn định, nếu được UBND thành phố cho phép, Công ty cổ phần Đầu tư phát triển Tâm Sinh Nghĩa sẽ thực hiện giai đoạn 2 với công suất 3.000 tấn rác/ngày cùng trên diện tích hiện hữu 20ha, qua đó nâng tổng công suất đốt rác phát điện lên 5.000 tấn rác/ngày. Thời gian xây dựng nhà máy trong 18 tháng và 4 tháng hiệu chỉnh, vận hành thử.
Tại lễ khởi công, ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND Tp. Hồ Chí Minh cho biết, cùng với việc khởi công 2 nhà máy chuyển đổi công nghệ xử lý rác (nhà máy Tâm Sinh Nghĩa và Vietstar), thành phố cũng đang triển khai giải pháp nhằm đạt mục tiêu xử lý rác thải thải sinh hoạt bằng công nghệ hiện đại, đảm bảo vệ sinh môi trường, tận dụng tài nguyên.
Hiện tại, dự án nhà máy xử lý rác thải bằng công nghệ chôn lấp đã không còn thích hợp, thay vào đó là sử dụng công nghệ đốt rác phát điện. Công nghệ này có ưu điểm là tiêu huỷ được 90 - 95% thể tích và khối lượng rác thải, xử lý triệt để tình trạng mùi hôi và nguy cơ ô nhiễm nguồn nước, tận dụng nguồn nhiệt lượng phát sinh để phát điện, tiết kiệm diện tích sử dụng đất, qua đó góp phần giảm phát thải khí thải nhà kính.
“Mỗi ngày thành phố phải xử lý hơn 9.000 tấn rác thải sinh hoạt chưa kể rác thải công nghiệp, y tế. Sắp tới đây, thành phố sẽ khởi công dự án nhà máy đốt rác phát điện khác, nâng tổng công suất các nhà máy đã và đang được xây dựng (nhà máy Đa Phước, Tâm Sinh Nghĩa, Vietstar và dự án của Công ty Môi trường đô thị thành phố) lên hơn 7.000 tấn/ngày.
Ngoài ra, từ nay đến năm 2020, thành phố sẽ đấu thầu lựa chọn thêm 2 nhà máy đốt phát điện với tổng công suất 2.000 tấn ngày, từ đó nâng tổng công suất xử lý rác 9.000 tấn/ngày. Như vậy đến năm 2020 sẽ có hơn 50% khối lượng rác thải sinh hoạt tại thành phố được xử lý bằng công nghệ đốt phát điện”, Chủ tịch UBND Tp. Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong cho biết thêm.
Trước đó, ngày 28/8, cũng tại Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Tây Bắc, huyện Củ Chi, Tp. Hồ Chí Minh, Công ty cổ phần Vietstar cũng đã khởi công xây dựng Nhà máy đốt rác phát điện Vietstar với kinh phí khoảng 400 triệu USD. Công suất giai đoạn 1 của nhà máy đạt 2.000 tấn/ngày, giai đoạn 2 là 4.000 tấn/ngày./.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận