Khởi công 3 dự án cao tốc Bắc - Nam: Không làm ẩu, làm dối...
'Không được làm ẩu, làm dối để công trình tai tiếng sau khi khánh thành. Nếu đơn vị nào làm sai sẽ bị xử lý nghiêm' - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định như vậy tại lễ khởi công xây dựng 3 dự án thành phần đường cao tốc Bắc - Nam.
Ngày 30-9, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình và Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã đồng loạt phát lệnh khởi công xây dựng 3 dự án thành phần của đường cao tốc Bắc - Nam gồm đoạn Mai Sơn - quốc lộ 45, Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Phan Thiết - Dầu Giây bằng vốn công.
Cũng trong ngày 30-9, mỗi dự án đã khởi công 1 gói thầu xây lắp để triển khai thi công trước. Từ cuối tháng 10-2020, khi chọn xong nhà thầu của 10 gói thầu xây lắp còn lại, sẽ triển khai thi công đồng loạt các gói thầu nhằm đảm bảo tiến độ hoàn thành vào cuối năm 2022.
Không được làm ẩu, làm dối để công trình tai tiếng sau khi khánh thành. Muốn vậy thì không được bán thầu, chia nhỏ gói thầu cho nhiều thầu phụ để ăn chênh lệch, phải đảm bảo chất lượng vật liệu, không làm sai tiêu chuẩn thiết kế để các đường cao tốc là công trình kiểu mẫu... Thủ tướng NGUYỄN XUÂN PHÚC
Phải đảm bảo tiến độ, chất lượng công trình
Phát biểu trong lễ khởi công dự án Mai Sơn - quốc lộ 45 tại Thanh Hóa, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói: "Để có được 93% mặt bằng sạch cho toàn bộ dự án đường cao tốc Bắc - Nam là sự lao tâm khổ tứ vận động nhân dân bàn giao mặt bằng. Thay mặt Chính phủ, tôi biểu dương và đánh giá cao, biết ơn nhân dân đã bàn giao mặt bằng cho công trình trọng điểm quốc gia".
Thủ tướng lưu ý phải rút kinh nghiệm sai sót trong dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi để đảm bảo các dự án đường cao tốc Bắc - Nam có chất lượng và tiến độ tốt.
"Không được làm ẩu, làm dối để công trình tai tiếng sau khi khánh thành. Muốn vậy không được bán thầu, chia nhỏ gói thầu cho nhiều thầu phụ để ăn chênh lệch, phải đảm bảo chất lượng vật liệu, không làm sai tiêu chuẩn thiết kế để các đường cao tốc là công trình kiểu mẫu.
Như vậy, danh tiếng, uy tín của nhà thầu thi công được khẳng định trên thương trường. Nếu đơn vị nào làm sai thì bị xử lý nghiêm" - Thủ tướng lưu ý.
Cũng theo Thủ tướng, nếu thực hiện được các dự án đường cao tốc Bắc - Nam, trong nhiệm kỳ này cả nước sẽ có gần 2.000km đường cao tốc, đồng thời yêu cầu các bộ phải nghiên cứu, chuẩn bị các điều kiện đầu tư để trong nhiệm kỳ tới đường cao tốc phải thông suốt từ Lạng Sơn đến Cà Mau, cả nước có ít nhất 5.000km đường cao tốc.
"Nghèo cũng phải làm giao thông, khá cũng phải làm giao thông, giàu càng phải làm giao thông. Đại lộ đại phú, trung lộ trung phú, tiểu lộ tiểu phú, phi lộ phi phú. Không có giao thông, khó có thể phát triển được" - Thủ tướng nhấn mạnh ý nghĩa của công trình giao thông phải đi trước một bước.
Hoàn chỉnh pháp lý để thu phí
Thông tin từ Bộ GTVT cho biết đang phối hợp với Bộ Tài chính xây dựng đề án thu phí các đường cao tốc đầu tư bằng 100% vốn nhà nước, nhằm có nguồn tiền bảo trì đường cao tốc và có nguồn vốn tiếp tục đầu tư các tuyến đường cao tốc khác.
Việc thu phí đường cao tốc làm bằng vốn ngân sách cũng tránh tình trạng đường quá tải vì miễn phí, biến cao tốc thành đường phố như đang xảy ra ở đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương.
Nếu đường cao tốc do Nhà nước đầu tư là tài sản công, Luật quản lý, sử dụng tài sản công cho phép cho thuê, chuyển nhượng quyền khai thác tài sản kết cấu hạ tầng và người nhận chuyển nhượng được quyền thu giá, phí dịch vụ.
Cũng theo Bộ Tài chính, nếu thu phí đường cao tốc do Nhà nước đầu tư sẽ không khuyến khích đầu tư xây dựng đường bộ vì cùng sử dụng dịch vụ đường cao tốc như nhau, chủ xe sẽ trả mức phí thấp hơn mức giá dịch vụ.
Các đoạn đường cao tốc Bắc - Nam xen kẽ đoạn do Nhà nước đầu tư, đoạn do doanh nghiệp đầu tư nên mức phí/giá khác nhau sẽ dẫn tới phản ứng của các chủ xe. Trong khi đó, Luật giá chưa quy định giá dịch vụ sử dụng đường cao tốc do Nhà nước đầu tư, nên Chính phủ phải trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội bổ sung dịch vụ sử dụng đường cao tốc vào danh mục do Nhà nước định giá.
Theo Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông, vẫn cần những quy định pháp lý rõ ràng hơn để thực hiện việc thu phí các đường cao tốc đầu tư bằng vốn nhà nước. Trong Luật giao thông đường bộ sửa đổi, Bộ GTVT cũng đề xuất đường cao tốc đầu tư công vẫn thu phí nhằm tạo hành lang pháp lý cho việc thu phí đường cao tốc do Nhà nước đầu tư.
Đường do ngân sách đầu tư vẫn thu phí
Theo Bộ Tài chính, Luật phí và lệ phí chỉ quy định phí sử dụng đường bộ thu theo đầu xe để bảo trì đường. Còn phí thu qua trạm thu phí của các dự án BOT đã chuyển sang phí dịch vụ và chưa có danh mục phí sử dụng dịch vụ đường cao tốc do Nhà nước đầu tư.
Với đường bộ, Nhà nước đang thu phí sử dụng đường bộ qua đầu ôtô để bảo trì hệ thống đường do Nhà nước quản lý. Trên quốc lộ, cao tốc đầu tư bằng BOT (có một phần vốn nhà nước hỗ trợ) đang thu phí hoàn vốn.
Với đường cao tốc đầu tư bằng vốn nhà nước hoàn toàn, trước đây cũng thực hiện bán quyền thu phí để thu phí đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương.
Các đường cao tốc có vốn nhà nước do Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc VN đầu tư và khai thác cũng đang thực hiện thu phí theo mô hình thí điểm của Chính phủ.
Nhà thầu bị loại nếu bị phạt lần thứ 3
Bộ GTVT đã quy định nhiều điều kiện trong hồ sơ mời thầu để chọn nhà thầu có năng lực như kinh nghiệm thi công dự án tương tự, chứng minh được có tiền tối thiểu tương ứng quy mô gói thầu, phân chia số lượng liên danh thầu chính, thầu phụ và tỉ lệ công việc cụ thể từng nhà thầu...
Bộ GTVT cũng phê duyệt kế hoạch tiến độ của nhà thầu và áp quy định phạt tiến độ theo các mức chậm. Nhà thầu vi phạm tiến độ bị nhắc nhở, phạt đến lần thứ 3 sẽ chấm dứt hợp đồng và chịu phạt.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận