Khoanh vùng cấm xây nhà cao tầng trong nội đô
Theo các chuyên gia xây dựng, cần thêm các tiêu chuẩn để siết tình trạng loạn xây nhà cao tầng trong nội đô.
Trước tình trạng quá tải về hạ tầng xã hội và ùn tắc giao thông, cử tri tiếp tục đề nghị UBND TP Hà Nội không cấp phép xây dựng chung cư cao tầng trong khu vực nội đô. Cử tri cũng kiến nghị TP Hà Nội nghiên cứu, kiến nghị các cấp có thẩm quyền điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Thủ đô cho phù hợp.
Trả lời cử tri, UBND TP Hà Nội cho biết về nghiên cứu điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô, thực hiện chỉ đạo của Thành uỷ, UBND TP, Sở Quy hoạch - Kiến trúc đã phối hợp với các đơn vị liên quan, rà soát kết quả thực hiện Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô giai đoạn 2011-2019. Theo đó, đề xuất các nguyên tắc, nội dung điều chỉnh quy hoạch đảm bảo phù hợp với tình hình thực tiễn phát triển của thành phố và các định hướng, chủ trương lớn của Chính phủ.
Về nội dung không cấp phép xây dựng đối với các dự án nhà cao tầng trong khu vực nội đô, UBND TP Hà Nội cho biết, để kiểm soát việc xây dựng các công trình cao tầng trong khu vực nội đô, UBND TP Hà Nội đã ban hành quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc công trình cao tầng trong khu vực nội đô lịch sử Thành phố Hà Nội kèm theo Quyết định số 11/2016/QĐ-UBND ngày 7/4/2016.
Trong đó, đã có các nội dung quy định cụ thể việc quản lý quy hoạch không gian đối với công trình cao tầng theo các khu vực cụ thể và đã quy trách nhiệm của các Sở, ngành, UBND các quận trong quá trình triển khai thực hiện.
Ngoài vấn đề cấp phép đối với các dự án cao tầng, cử tri cũng đã đề nghị Thành phố có kế hoạch di dời các nhà máy sản xuất đang nằm trong nội đô ra ngoại ô vì không còn phù hợp định hướng phát triển đô thị.
Từng quản lý trong lĩnh vực đô thị, ông Đỗ Viết Chiến - Nguyên Cục trưởng Cục Phát triển đô thị (Bộ Xây dựng) cho rằng, những vấn đề hiện nay của nhà cao tầng khu vực nội đô Hà Nội không nằm ở khâu quy hoạch mà do những bất cập trong khâu thực hiện quy hoạch và quản lý phát triển theo quy hoạch. Đó là tình trạng điều chỉnh cục bộ trong quá trình thực hiện.
Trong Quy chuẩn xây dựng năm 2008 đã không đề cập đến chỉ số hệ số sử dụng đất (tổng sàn/ diện tích đất), mà chỉ kiểm soát chiều cao và mật độ trong phát triển nhà cao tầng. Theo ông Chiến, việc bỏ hệ số là bỏ ngưỡng chặn trên nên một số công trình không bị hạn chế về chiều cao. Đây cũng là lí do dẫn đến sự gia tăng dân số, áp lực lên hạ tầng.
Ông Chiến đề nghị, rà soát lại quy hoạch khu vực nội đô lịch sử và khoanh vùng, cấm tuyệt đối xây dựng ở những khu vực cần bảo tồn như phố cổ, phố cũ, khu vực hồ Tây, hồ Gươm, thành cổ… Cùng đó, cần quy định rõ những khu vực cho phép xây nhà cao tầng và phải áp dụng hệ số sử dụng đất để khống chế sự phát triển. Riêng đối với khu vực nội đô mở rộng cần yêu cầu thực hiện theo quy hoạch chi tiết và thiết kế đô thị.
Theo KTS Trần Tuấn Anh - Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, ở thời điểm hiện tại nên tìm kiếm giải pháp cụ thể để xử lý những tồn tại trong quá trình xây dựng các công trình cao tầng nói chung và công trình cao tầng xen cấy trong nội đô nói riêng thay vì chỉ tập trung vào ngăn cản việc xây dựng công trình cao tầng trong nội đô. Đồng thời quan tâm nhiều hơn đến công tác quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch cảnh quan kiến trúc đô thị và chất lượng các công trình hạ tầng kỹ thuật – hạ tầng xã hội.
“Quy hoạch phải gắn với thực tế cho từng khu vực, khi thực hiện phải quản lý chặt các quy chuẩn, tiêu chuẩn về công trình cao tầng để tạo ra các đô thị đáng sống” – ông Tuấn Anh khẳng định.
Ở khía cạnh khác, ông Trần Ngọc Chính – Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam bày tỏ quan điểm, đối với các nhà máy sản xuất đang nằm trong nội đô di dời ra ngoại ô trong khu vực đó không nên xây dựng nhiều nhà cao tầng, hay nói cách khác không thêm dân số tại khu vực nội đô mà cần giãn dân ra các vùng lân cận.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận