24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Nguyễn Thúy Quỳnh
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Khoáng sản Bình Định sau 16 năm niêm yết, cổ phiếu BMC từng có giá 847.000 đồng giờ ra sao?

Sau cả thập kỷ niêm yết, cổ phiếu BMC của Khoáng sản Bình Định có lẽ chỉ còn là ký ức của thị trường một thời vang bóng. Hiện tại, mã gần như chìm vào quên lãng và nằm ngoài túi tiền của đa số nhà đầu tư - đặc biệt là các F0 mới gia nhập thị trường.

Lên sàn chứng khoán từ ngày 28/12/2006, sau 12 năm, CTCP Khoáng sản Bình Định - Bimico (Mã BMC - HOSE) đã chứng kiến rất nhiều thay đổi cả về tình hình kinh doanh và diễn biến giá cổ phiếu.

BMC - Doanh nghiệp sở hữu nhà máy chế biến sâu Titan đầu tiên của cả nước

Khoáng sản Bình Định là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực khai khoáng được thành lập năm 1985; địa bàn hoạt động tại tỉnh Bình Định.

Đến năm 2001 được chuyển đổi từ doanh nghiệp Nhà nước thành công ty cổ phần theo Quyết định số:09/2001/QĐ-UB ngày 8/1/2001 của UBND tỉnh Bình Định. Đến năm 2006 thì chính thức đưa cổ phiếu lên niêm yết trên Sở Giao dịch Chứng khoán TP. HCM (HOSE) với số lượng hơn 1,3 triệu đơn vị.

Sau 4 lần tăng vốn thông qua phát hành cổ phiếu, đến quý 2/2012, vốn điều lệ của công ty đạt mức hiện tại với gần 124 tỷ đồng - tương ứng gần 12,4 triệu cổ phiếu.

Trong cơ cấu cổ đông hiện tại của doanh nghiệp, Quỹ đầu tư Phát triển tỉnh Bình Định và Văn phòng Tỉnh ủy Bình Định đang là 2 cổ đông lớn duy nhất nắm lần lượt 25% và 22,33% vốn góp tại BMC (tổng cộng hơn 5,86 triệu cổ phiếu).

Ghi nhận tại báo cáo thường niên 2021, hiện Khoáng sản Bình Định đang khai thác, chế biến và kinh doanh sa khoáng Titan. Sản phẩm chính của công ty là Ilmenite - nguyên liệu chính dùng để sản xuất bột màu Titan dioxit (TiO) và kim loại Titan. Bên cạnh đó, trong quá trình chế biến, công ty còn thu được các loại sản phẩm khác như: Zircon, Rutile, Monazite, Magnetic - là các hợp chất dùng trong ngành công nghiệp gạch men, que hàn điện, chế tạo bột màu Titan dioxit (TiO2).

Trong năm 2007, BMC đã đầu tư hoàn chính và đưa vào sử dụng dây chuyền nghiền mịn Zircon với vốn đầu tư khoảng 4 tỷ đồng. Đây là một dự án đầu tư nhằm nâng cao hơn nữa giá trị sản phẩm xuất khẩu, tăng hiệu quả sản xuất kinh doanh cũng như thỏa mãn đầy đủ các tiêu chuẩn xuất khẩu do Nhà nước quy định.

Ngày 16/9/2007, Khoáng sản Bình Định đã chính thức khởi công Dự án Nhà máy Xi titan Bình Định. Đây là dự án chế biến sâu Titan đầu tiên của cả nước.

Hình minh họa

Tới tháng 1/2009, công ty đã hoàn thành việc đầu tư xây dựng và chính thức đưa vào hoạt động Nhà máy Xi titan Bình Định – giai đoạn I với công suất giai đoạn 1 là 9.500 tấn sản phẩm/năm. Tổng mức đầu tư giai đoạn 1 khoảng 44 tỷ đồng. Đây là một dự án đầu tư nhằm nâng cao đáng kể giá trị gia tăng của sản phẩm, tăng hiệu quả sản xuất kinh doanh, tiết kiệm tài nguyên, kéo dài tuổi thọ của mô đồng thời phù hợp với quy hoạch của Nhà nước về thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng quặng titan giai đoạn 2007 – 2015, định hướng phát triển đến 2025. Nhà máy sản xuất ra các loại sản phẩm là Xi Titan có hàm lượng từ 85% đến 92% TiO2 và Gang hợp kim có hàm lượng Fe=98%, đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu cho thị trường Châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc.

Năm 2011, thị trường tiêu thụ mặt hàng Xi Titan có sự khởi sắc hơn so với trước. Mặt khác thuế suất thuế xuất khẩu đối với mặt hàng này cũng đã giảm từ 15% xuống 10%. Các yếu tố trên đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc xuất khẩu mặt hàng Xi Titan. Để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng lên của thị trường về mặt hàng này, ĐHCĐ thường niên 2011 của BMC đã nhất trí thông qua việc tiếp tục đầu tư giai đoạn 2 của Dự án Nhà máy Xi Titan Bình Định. Công suất của Dự án giai đoạn 2 tăng lên 2,5 lần so với công suất ban đầu của Dự án giai đoạn 2.

Đến quý 3/2012, công ty đã hoàn thành việc đầu tư xây dựng và đưa vào vận hành dây chuyền luyện xỉ titan giai đoạn 2, tạo tiền đề quan trọng cho việc nâng cao sản lượng sản phẩm chế biến sâu cho các năm sau. Trong quá trình đầu tư xây dựng, ngoài việc đầu tư cho hệ thống thiết bị phục vụ cho việc sản xuất sản phẩm, công ty còn tiến hành đầu tư thêm hệ thống xử lý khói bụi cho dây chuyền thiết bị. Việc đầu tư này đã giải quyết triệt để vấn đề ô nhiễm môi trường, tạo điều kiện thuận lợi cho Khoáng sản Bình Định sản xuất lâu dài và ổn định trên địa bàn.

Hiện BMC đang có 2 cơ sở sản xuất gồm:

- Xí nghiệp Sa khoáng Nam Đề Gi, thuộc xã Cát Thành, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định. Sản phẩm của Xi nghiệp là các loại tinh quặng được chế biến từ quặng sa khoáng Titan nguyên khai. Bao gồm: Ilmenite, Zircon, Rutile, Monazite trong đó sản phẩm Ilmenite sản xuất ra một phần cung cấp cho Nhà máy Xi Titan Bình Định; phần còn lại dùng để bán cho các đối tượng có nhu cầu.

- Nhà máy Xi titan Bình Định, thuộc xã Cát Nhơn, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định. Nhà máy sử dụng nguyên liệu chính là tinh quặng Ilmenite (là sản phẩm của Xí nghiệp Sa khoáng Nam Đề Gi) để tiếp tục thực hiện công đoạn chế biến sâu. Sản phẩm của Nhà máy là Xi Titan các loại và gang hợp kim.

16 năm chưa một lần báo lỗ, cổ tức bằng tiền trả đều đặn hàng năm

Về tình hình kinh doanh, sau 16 năm niêm yết, Khoáng sản Bình Định chưa một lần báo lỗ. Việc kinh doanh có lãi cũng tạo điều kiện cho công ty duy trì mức cổ tức bằng tiền đều đặn hàng năm từ 4 - 15%.

Có thể phân loại tình hình kinh doanh của BMC thành 3 giai đoạn trong đó giai đoạn từ 2006 - 2010, công ty bước đầu ghi nhận doanh thu cải thiện từ và đạt mức 130 tỷ đồng trong năm 2008. Đây cũng là năm lợi nhuận công ty đạt mức cao với 46,6 tỷ đồng; biên lãi ròng ở mức 35,8% - cao thứ 2 lịch sử hoạt động (sau năm 2007 đạt 38,3%).

Giai đoạn 2011 - 2013 chứng kiến giai đoạn hoàng kim của BMC với mức doanh thu và lợi nhuận tăng đột biến trong đó doanh thu năm 2013 đạt 445 tỷ đồng - gần gấp 4 lần năm 2010. Trong khi đó, công ty đạt đỉnh lợi nhuận trong năm 2011 với 91,4 tỷ. Được biết đây là giai đoạn thị trường tiêu thụ mặt hàng Xi Titan có sự khởi sắc, thuế suất đối với các sản phẩm xuất khẩu của công ty giảm đáng kể cũng như sự đi vào hoạt động của các dây chuyền sản xuất.

Tình hình kinh doanh đột biến trở thành tiền đề để Khoáng sản Bình Định gia tăng tỷ lệ trả cổ tức bằng tiền cho cổ đông trong giai đoạn này với các mức lần lượt 20% - 60% và 50% kèm một đợt thưởng cổ phiếu tỷ lệ 50%.

Tuy nhiên, thời kỳ hoàng kim nhanh chóng đi qua và tình hình kinh doanh của Khoáng sản Bình Định nhanh chóng trở về trạng thái cũ. Dù doanh thu công ty vẫn duy trì mức 110 - 230 tỷ đồng/năm song lợi nhuận của công ty đã bốc hơi mạnh khi điều kiện kinh doanh đã không còn nhiều thuận lợi.

Năm 2016, BMC báo lãi sau thuế về đáy kể từ khi niêm yết với chỉ 9,2 tỷ đồng - đây cũng là một trong 2 năm lợi nhuận của Khoáng sản Bình Đình đạt dưới 10 tỷ (năm 2017 lãi 9,7 tỷ) trong bối cảnh do giá Titan trên thị trường thế giớt sụt giảm 60%.

Dù tình hình đã khả quan hơn trong 4 năm trở lại đây song so với thời kỳ đỉnh cao (thậm chí giai đoạn đầu sau niêm yết), lợi nhuận sau thuế của BMC vẫn thấp hơn khá nhiều.

Nguyên nhân khiến cho các doanh nghiệp khoáng sản nói chung và BMC nói riêng rơi vào tình cảnh khó khăn xuất phát từ hàng loạt yếu tố bất lợi như Chỉ thị 02/CT-TTg được ban hành năm 2012, cấm xuất khẩu khoáng sản thô trừ dầu mỏ và than đá.

Kế đến là quyết định tăng thuế khai thác tài nguyên và tình trạng sụt giảm của giá nguyên vật liệu (Titan) trên thị trường thế giới.

Từ tháng 7/2016, BMC không còn được miễn tiền thuê đất đối với tiền thuê đất mỏ khiến cho chi phí sản xuất tăng cao.

Với hàng loạt những thay đổi về chính sách, BMC đã phải cắt giảm 50% sản lượng so với trước đây để hạn chế áp lực hàng tồn kho ngày càng tăng.

Ngoài ra, hoạt động khai thác của BMC chủ yếu vẫn chỉ dưới dạng khai thác thô, khó có thể đem lại biên lợi nhuận cao.

Nguồn: Báo cáo thường niên 2021 của Khoáng sản Bình Định

9 tháng năm 2022, Khoáng sản Bình Định đạt doanh thu 136,3 tỷ đồng - tăng hơn 43% so với cùng kỳ năm 2021; lợi nhuận sau thuế đạt gần 15,8 tỷ đồng - tăng 52% YoY.

Tính đến ngày 30/9/2022, tổng tài sản của công ty đạt mức 250 tỷ đồng trong đó có tới 115 tỷ là tiền mặt; nợ phải trả gần 38 tỷ đồng và vốn chủ sở hữu 212 tỷ.

Cú "xì hơi" của một cổ phiếu đắt đỏ

Không chỉ gây chú ý khi là doanh nghiệp sở hữu nhà máy chế biến sâu Titan đầu tiên của cả nước, cổ phiếu BMC trên thị trường chứng khoán cũng từng gây chú ý mạnh mẽ.

BMC chào sàn HOSE ngày 28/12/2006 với giá tham chiếu 50.000 đồng/cổ phiếu. Lên sàn trong bối cảnh thị trường chứng khoán đang trong giai đoạn bùng nổ nên không bất ngờ khi BMC có chuỗi tăng giá kéo dài trong khoảng 50 phiên lên mức 454.000 đồng/cổ phiếu (ngày 16/3/2007).

Sau chuỗi tăng này, BMC có vài phiên điều chỉnh trước khi bước vào đợt sóng tăng kéo dài 30 phiên lên mức 847.000 đồng/cổ phiếu (ngày 21/5/2007).

Đến thời điểm hiện tại, đây chính là mức giá cao nhất mà 1 mã chứng khoán từng ghi nhận trên thị trường chứng khoán sau hơn 20 năm hoạt động. Tại thời điểm đó, mức giá này thậm chí cao hơn rất nhiều so với những mã “đình đám” thời bấy giờ như: SJS (CTCP Đầu tư phát triển và Khu công nghiệp Sông Đà) 728.000 đồng, FPT (CTCP Tập đoàn FPT) 665.000 đồng hay DHG (CTCP Dược Hậu Giang) 553.000 đồng.

Diễn biến giá cổ phiếu BMC những năm đầu niêm yếu (giá sau điều chỉnh)

Tuy nhiên, giống như giai đoạn kinh doanh đột phá (như đã nói ở trên), sau chuỗi giao dịch ấn tượng trên, cổ phiếu BMC nhanh chóng rơi vào trạng thái bị bán tháo do tác động tiêu cực từ diễn biến của thị trường chứng khoán. Có điều, sự lao dốc của cổ phiếu đã diễn ra trước mua kinh doanh thắng lợi vài năm.

Đến phiên giao dịch ngày 6/5/2008, cổ phiếu BMC lần đầu tiên thủng mốc 100.000 đồng thị giá. Dù có chuỗi hồi phục sau đó song trong xu hướng giảm của thị trường chứng khoán, BMC liên tục xuyên thủng các mức giá quan trọng.

Cụ thể, phiên giao dịch ngày 24/2/2009, BMC giảm xuống chỉ còn 40.500 đồng/cổ phiếu. Đến phiên 1/4/2020 (giai đoạn kết thúc đợt ảnh hưởng tiêu cực của dịch COVID-19 lần 1), cổ phiếu BMC tạo đáy lịch sử khi giảm về mức 7.750 đồng.

Như vậy, so với mức giá đỉnh trước pha loãng và mức đáy cách đây gần 3 năm, cổ phiếu BMC hiện đã mất hơn 99% giá trị.

Kết phiên sáng 27/12/2022, cổ phiếu BMC giao dịch ở mức 12.500 đồng - giảm 47% so với thời điểm đầu năm 2022 (mức 23.660 đồng); thanh khoản của mã hiện chỉ đạt từ vài nghìn đến vài chục nghìn đơn vị/phiên.

Cứ thế đến thời điểm hiện tại, cổ phiếu BMC chỉ còn là ký ức của một thị trường thời vang bóng. Hiện tại, mã gần như lạc lõng và nằm ngoài túi tiền của đa số nhà đầu tư - đặc biệt là các F0 mới gia nhập thị trường.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Mã chứng khoán liên quan bài viết
21.35 +0.35 (+1.67%)
prev
next

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả