24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Hoàng Yến
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

‘Khóa chặt’ bitcoin, thúc đẩy blockchain phi tài chính tiền tệ

Trong khi đã “khóa chặt” tiền mật mã (như bitcoin), Trung Quốc vẫn tiếp tục khuyến khích sự phát triển của công nghệ chuỗi khối (blockchain) cho các mục đích khác.

Ngày 24-9-2021, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) đã phối hợp với tám cơ quan chính phủ khác ban hành một thông báo tuyên bố tất cả các giao dịch tiền mật mã tại quốc gia này là bất hợp pháp, bao gồm cả các giao dịch từ cá nhân, tổ chức Trung Quốc trên các sàn giao dịch nước ngoài.

Cùng ngày, Ủy ban Phát triển và Cải cách Quốc gia (NDRC) đã đưa ra thông báo về việc “chấn chỉnh” các hoạt động khai thác tiền mật mã và loại bỏ “rủi ro tiềm ẩn” của việc khai thác này. Thông báo không cấm ngay lập tức tất cả các hoạt động khai thác, nhưng nó cấm đầu tư mới vào các dự án khai thác và yêu cầu tăng giá điện cho các hoạt động khai thác.

Thông báo cũng yêu cầu chính quyền địa phương liệt kê tất cả các hoạt động khai thác hiện đang hoạt động hoặc đang phát triển, theo đó họ nói rằng sẽ bị loại bỏ dần “một cách có trật tự”. Nhưng điều này không đồng nghĩa với việc Trung Quốc loại bỏ công nghệ blockchain – công nghệ đã tạo ra tiền mật mã – khỏi quy hoạch phát triển kinh tế trong dài hạn. Trái lại, các khuôn khổ pháp lý và cả cơ cấu tổ chức để đưa blockchain vào mọi mặt đời sống kinh tế – xã hội đã được định hình.

Tầm nhìn về blockchain từ lãnh đạo cấp cao nhất

Kể từ sau thương chiến Mỹ – Trung, tầm nhìn của giới lãnh đạo của Trung Quốc tập trung vào việc theo đuổi khả năng tự cung tự cấp về “công nghệ cốt lõi” bao gồm cả vi mạch tích hợp, sinh học tổng hợp, điện toán đám mây và blockchain.

Trong Hội nghị toàn thể lần thứ 5 vào mùa thu năm ngoái, Đảng Cộng sản Trung Quốc đã củng cố niềm tin vào việc đổi mới sáng tạo là động lực cốt lõi cho sự phát triển liên tục của Trung Quốc và theo đuổi chuyển đổi công nghệ cao trong lĩnh vực sản xuất. Kế hoạch năm năm lần thứ 14 (FYP) (2021-2025), được công bố vào ngày 5-3-2021 lần đầu tiên mô tả đổi mới công nghệ là vấn đề an ninh quốc gia, không chỉ phát triển kinh tế.

Và mặc dù FYP 14 không bao gồm một tiêu chuẩn rõ ràng cho tăng trưởng GDP hàng năm, Trung Quốc đã cam kết tăng chi tiêu cho nghiên cứu và phát triển (R&D) ở mức 7%/năm trong FYP 14, với chi tiêu cho nghiên cứu cơ bản ở cấp trung ương sẽ tăng lên 10,6%. Ba FYP trước đây của Trung Quốc đã nhắm mục tiêu chi tiêu cho R&D lần lượt ở mức 2%; 2,2% và 2,5% GDP.

Vào năm 2019, ông Tập Cận Bình nói rằng blockchain “đóng một vai trò quan trọng trong đổi mới công nghiệp mới và chuyển đổi công nghiệp” và kêu gọi Trung Quốc tăng cường nghiên cứu và phát triển blockchain của mình. Năm 2020, với vai trò là cơ quan lập kế hoạch kinh tế chính của Trung Quốc, NDRC đã thể hiện rõ hơn cam kết của Đảng và chính phủ nước này đối với blockchain, phân loại nó như một phần của mô hình cơ sở hạ tầng mới, cùng với điện toán đám mây và trí tuê nhân tạo, sẽ tạo thành một phần quan trọng của công nghệ thông tin.

Với tầm nhìn như vậy, việc triển khai nghiên cứu và ứng dụng blockchain ở Trung Quốc đã diễn ra với tốc độ đáng kinh ngạc. Tuy nhiên, không phải lĩnh vực nào cũng được phép ứng dụng rộng rãi blockchain.

Không để blockchain ứng dụng rộng rãi vào lĩnh vực tài chính tiền tệ

Các hạn chế nêu ở phần đầu đối với tiền mật mã đánh dấu sự gia tăng quản lý của giới chức Trung Quốc với các loại hình tài chính phi tập trung (DeFi). Vào năm 2013, Trung Quốc đã ban hành một thông báo cấm các ngân hàng ở Trung Quốc xử lý các giao dịch liên quan đến bitcoin vì tiền mật mã này đang tăng trưởng phổ biến.

Vào năm 2017, các nhà quản lý đã cấm các đợt phát hành tiền xu ban đầu trong nước (ICO), một phương tiện tài trợ cho các dự án blockchain trong đó các cá nhân và doanh nghiệp bán mã thông báo kỹ thuật số thường có thể được sử dụng để thanh toán cho hàng hóa hoặc dịch vụ trên nền tảng của họ. Đầu năm nay, chính quyền ở một số tỉnh/khu tự trị như Tân Cương và Nội Mông đã đặt ra các hạn chế đối với hoạt động khai thác tiền mật mã và bản tóm tắt chính thức của cuộc họp Quốc vụ viện đã kêu gọi sự kiểm soát chặt chẽ và rộng rãi hơn đối với hoạt động khai thác và kinh doanh bitcoin.

Tuy nhiên, không giống như các hành động trước đó, các thông báo tháng 9-2021 rộng hơn nhiều và áp dụng trên toàn quốc. Theo Jonathan Padilla, Phó giám đốc Sáng kiến tiền tệ kỹ thuật số trong tương lai của Đại học Stanford thì “Lệnh cấm đang sâu rộng, tuyệt đối, toàn diện. Nó không tập trung vào một số khía cạnh riêng lẻ… và có vẻ như các quan chức chính phủ cấp cao nhất đang đảm nhận việc này”.

Các hạn chế đối với giao dịch tiền mật mã phù hợp với mong muốn của Chính phủ Trung Quốc nhằm kiểm soát tốt hơn hệ thống tài chính của quốc gia này. Chính phủ Trung Quốc đang phát triển một loại tiền tệ kỹ thuật số của ngân hàng trung ương (CDBC), cho phép họ giám sát tất cả các khoản thanh toán kỹ thuật số được thực hiện bằng đồng nhân dân tệ. Sự hiện diện của tiền mật mã như bitcoin, có thể được chuyển giao mà không tiết lộ danh tính của các bên, đặt ra một thách thức đối với các kế hoạch này.

Luisa Kinzius, Giám đốc tại Công ty Tư vấn Sinolytics tập trung vào Trung Quốc, cho biết “để đảm bảo áp dụng thành công tiền kỹ thuật số, Trung Quốc không quan tâm đến các lựa chọn thanh toán thay thế đang gia tăng khác”. Sự dao động về giá của tiền mật mã, thường không có giá trị cố định so với tiền tệ truyền thống, cũng dẫn đến sự biến động, đe dọa nỗ lực của các cơ quan quản lý nhằm đảm bảo sự ổn định tài chính lớn hơn ở Trung Quốc. Trong khi đó, các hạn chế về khai thác tiền mật mã có liên quan đến mối quan ngại của các nhà hoạch định chính sách về việc sử dụng năng lượng liên quan đến hoạt động này.

Thông báo của NDRC về khai thác tiền mật mã vào tháng 9-2021 nhấn mạnh rằng việc chấn chỉnh hoạt động khai thác tiền mật mã sẽ giúp Trung Quốc đạt được mục tiêu mức phát thải carbon cao nhất vào năm 2030 và mức độ trung hòa carbon vào năm 2060. Theo ước tính từ Công ty Nghiên cứu Rystad Energy, khoảng 65% hoạt động khai thác bitcoin toàn cầu diễn ra ở Trung Quốc năm ngoái, phần lớn sử dụng điện từ nguồn điện than. Công ty này cũng ước tính rằng việc ngừng khai thác bitcoin ở Trung Quốc có thể loại bỏ 57 triệu tấn carbon dioxide, tương đương với tổng lượng khí thải carbon hàng năm của Bồ Đào Nha.

Mục đích quan trọng của việc không cho phép phát triển tiền mật mã hoặc ứng dụng sâu điều này vào lĩnh vực tài chính là nhằm đảm bảo quyền lực của chính phủ, sự tập quyền của PBoC không bị đe dọa.

Nhưng ứng dụng mạnh mẽ blockchain vào các lĩnh vực khác

Trong khi các nhà chức trách đã “khóa chặt” tiền mật mã, Trung Quốc vẫn tiếp tục khuyến khích sự phát triển của công nghệ blockchain cho các mục đích khác.

Trong nỗ lực khẳng định vị trí dẫn đầu trong phát triển công nghệ blockchain, vào năm 2020, Chính phủ Trung Quốc đã khởi chạy Mạng lưới dịch vụ dựa trên blockchain (Blockchain-base Service Network, BSN), một mạng điện toán đám mây quốc tế với khả năng hỗ trợ các ứng dụng dựa trên blockchain. BSN được cho là nhấn mạnh sự thúc đẩy rộng lớn hơn của Trung Quốc đối với nền kinh tế dựa trên thông tin và hỗ trợ chiến lược thống trị công nghệ tài chính và trở thành một công nghệ mạng siêu năng lực.

BSN không phải là một Internet riêng biệt mà đúng hơn là “một hệ thống kiến trúc phụ trợ chi phí thấp mà các nhà phát triển phần mềm trên khắp thế giới có thể xây dựng các ứng dụng blockchain – bao gồm các tài sản kỹ thuật số như tiền mật mã”. Nói đơn giản đó như một nhà cung ứng dịch vụ đám mây giá rẻ cho các công ty phát triển blockchain.

Tính đến tháng 11-2020, BSN có 131 trung tâm dữ liệu nằm trên mọi lục địa, ngoại trừ Nam cực. BSN đã hợp tác với các công ty quốc tế, bao gồm một số công ty từ Mỹ, cho các dự án phát triển blockchain, phần lớn là do chi phí phát triển các dự án thấp hơn so với thông qua các nhà cung cấp dịch vụ đám mây truyền thống. Kiến trúc BSN được phân chia giữa người dùng Trung Quốc và quốc tế. Máy chủ dữ liệu cho người dùng Trung Quốc và người dùng quốc tế tách biệt về mặt vật lý và người dùng Internet ở Trung Quốc sẽ không thể truy cập vào nhiều ứng dụng blockchain được phát triển trên BSN.

Tuy nhiên, cả dịch vụ trong nước và quốc tế đều nằm dưới sự kiểm soát của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Tại một hội nghị FinTech (công nghệ tài chính ở Hồng Kông năm 2020, Tổng thư ký của BSN đã tuyên bố rằng nền tảng này sẽ tạo ra một mạng Internet nơi “Trung Quốc kiểm soát quyền truy cập Internet (blockchain)”.

Chính phủ Trung Quốc vẫn chưa liên kết trực tiếp đồng CDBC với BSN, nhưng có khả năng cả phiên bản nội địa và quốc tế của BSN sẽ kết hợp các loại tiền kỹ thuật số của ngân hàng trung ương. Các quan chức của Trung Quốc làm việc trên BSN đã thảo luận về việc sử dụng BSN để hợp lý hóa các khoản thanh toán trực tuyến mà sau lưng nó chính là đồng CDBC của Trung Quốc.

Trên bình diện quốc tế, các quan chức Trung Quốc cũng mong muốn BSN sử dụng tiền kỹ thuật số của các ngân hàng trung ương nước ngoài. Một bài đăng trên blog của mạng này vào tháng 1-2021 nêu rõ BSN có kế hoạch thiết lập một mạng lưới thanh toán kỹ thuật số toàn cầu vào năm 2026 dựa trên các loại tiền tệ kỹ thuật số của ngân hàng trung ương của các quốc gia khác nhau và “kích hoạt phương thức chuyển tiền kỹ thuật số và quy trình thanh toán theo tiêu chuẩn mới”.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Mã chứng khoán liên quan bài viết
99,240.00 +1,041 (+1.06%)
prev
next

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả