24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Hà Quỳnh Uyên
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Khó tiếp cận vốn ngân hàng, doanh nghiệp như những cánh đồng khô hạn

Có gần 80% doanh nghiệp được hỏi cho biết, trở ngại lớn nhất khiến họ không thể vay vốn ngân hàng là không có tài sản đảm bảo dù có dự án hiệu quả.

Không vay được vốn vì thiếu tài sản bảo đảm

Một trong những khó khăn lớn nhất với các doanh nghiệp hiện nay, theo Nguyễn Văn Thân, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, là tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng. “Các doanh nghiệp rất mong muốn được vay vốn ngân hàng để phát triển sản xuất kinh doanh nhưng không dễ do những ràng buộc quá lớn về thủ tục, quy trình thẩm định cho vay”, ông nói.

Hiện nay, các ngân hàng vẫn thẩm định, đánh giá các khoản vay bằng tài sản thế chấp thay vì đánh giá tính hiệu quả của dự án kinh doanh. Điều này làm cho các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, không dễ tiếp cận nguồn vốn do không đủ các điều kiện vay vốn thế chấp.

Khó tiếp cận vốn ngân hàng, doanh nghiệp như những cánh đồng khô hạn

Khó khăn lớn nhất mà các doanh nghiệp tư nhân đang gặp phải chính là tiếp cận tín dụng. Ảnh minh họa: Hoàng Hà.

Vào vai một doanh nghiệp, tôi gọi đến phòng giao dịch của một số ngân hàng tại Hà Nội hỏi vay vốn cho một dự án sản xuất đồ nội thất. Ngoài chuyện chung là lãi suất cao chót vót, các nhân viên tư vấn đều đưa ra điều kiện bắt buộc là phải có tài sản đảm bảo.

Khi tôi hỏi, nếu không có tài sản đảm bảo nhưng có phương án kinh doanh hiệu quả thì có được ngân hàng xem xét cho vay không? Câu trả lời là không!

Như vậy, đúng như ông Thân nói, cánh cửa tiếp cận tín dụng từ ngân hàng cơ bản đã khép lại với các doanh nghiệp nếu không có tài sản đảm bảo cho dù dự án của họ có khả năng sinh lời như thế nào.

Báo cáo Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 2022 do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố cho thấy, khó khăn lớn nhất mà các doanh nghiệp tư nhân đang gặp phải chính là tiếp cận tín dụng. Năm 2022 chỉ có gần 18% doanh nghiệp được hỏi cho biết có khoản vay tại các ngân hàng.

Điều đáng quan tâm là tỷ lệ này đã giảm liên tiếp trong thời gian gần đây. Năm 2017, tỷ lệ doanh nghiệp tư nhân có khoản vay từ các tổ chức tín dụng là gần 49%, sang năm 2018 còn 45%, năm 2019 còn 43%, năm 2020 còn hơn 42%, năm 2021 còn trên 35% và năm 2022 chỉ còn gần 18%.

Có gần 80% doanh nghiệp được hỏi cho biết, trở ngại lớn nhất khiến họ không thể vay vốn là không có tài sản đảm bảo, theo VCCI.

Việt Nam hiện có khoảng 800.000 doanh nghiệp tư nhân đang hoạt động, trong đó hơn 95% là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Với tỷ lệ trên có thể suy ra chỉ có khoảng 142.000 doanh nghiệp tư nhân tiếp cận được vốn tín dụng ngân hàng; đại đa số còn lại thì không.

Qua trao đổi, nhiều doanh nghiệp cũng giãi bày, khó khăn nhất hiện nay với họ chính là thiếu vốn. Giám đốc một công ty sản xuất cơ khí nhỏ ở huyện Thanh Trì, Hà Nội kể rằng, do không tiếp cận được tín dụng ngân hàng, những lúc thiếu vốn thường phải đi vay “nóng” từ các nguồn bên ngoài.

Thậm chí, nhiều lần ông phải cầm cố chiếc ô tô mình đang sử dụng để lấy vốn mua nguyên vật liệu phục vụ sản xuất. Chuyện vay bên ngoài lãi suất cao với ông cũng không phải hiếm vì không còn cách nào khác. Ông thừa nhận, thiếu vốn, khó tiếp cận vốn làm cho doanh nghiệp chỉ đủ công việc cho công nhân sống qua ngày. “Muốn mở rộng hay phát triển lên là rất khó”, ông nói.

Như những cánh đồng khô cằn

Thiếu vốn, doanh nghiệp Việt Nam không khác những thửa ruộng khô cằn, không có nước mà trên đó chẳng thể ươm mầm hay có thứ gì tươi tốt mọc lên được. "Cơn khát" tín dụng chính là hình ảnh đó của các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay.

Chính vì thế, sau nhiều năm phát triển, đa số vẫn hoạt động manh mún, nhỏ lẻ, không bài bản. Tỷ lệ sử dụng công nghệ cao rất thấp, chỉ đạt 2%, còn đa số vẫn sử dụng công nghệ lạc hậu từ 2-3 thế hệ so với khu vực. Đầu tư ít cho khoa học, công nghệ, đổi mới, sáng tạo hay chuyển đổi số có nguyên nhân chính là do thiếu vốn.

Khó tiếp cận vốn ngân hàng, doanh nghiệp như những cánh đồng khô hạn

Các doanh nghiệp ít đầu tư cho khoa học, công nghệ, đổi mới, sáng tạo có nguyên nhân chính là do thiếu vốn. Ảnh minh họa: Hoàng Hà.

Ai cũng hiểu, nếu không đẩy mạnh đầu tư cho khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, chắc chắn chúng ta sẽ mắc kẹt trong "hố" năng suất thấp, giá trị gia tăng thấp và bẫy thu nhập trung bình.

Quy mô của một doanh nghiệp tư nhân Việt Nam điển hình hiện nay có 21 nhân viên và 15 tỷ đồng vốn đầu tư cố định, tiếp cận tín dụng khó khăn, lấy đâu sức bật để vươn lên?

Lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo là nền tảng của tiến trình công nghiệp hóa, giúp nhiều quốc gia “hóa rồng”, mang đến sự tăng trưởng kinh tế bền vững, hiện chỉ có 14% số doanh nghiệp hoạt động, chủ yếu vẫn là gia công giản đơn.

Không những khó tiếp cận tín dụng mà mặt bằng lãi suất cho vay của ngân hàng lại cao gấp đôi các nước trong khu vực. Chẳng hạn, so với Trung Quốc hiện lãi suất cho vay khoảng 4,14%, thì thấy doanh nghiệp Việt Nam không có cửa nào để cạnh tranh, nhìn từ chi phí vốn.

Lãi suất cao không chỉ khiến cho khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp giảm đi, nó còn làm cho việc phân bổ nguồn lực tài chính của nền kinh tế bị méo mó. Những dự án kinh doanh tốt nhưng không chịu được lãi suất cao sẽ không thể đi vào hoạt động.

Đầu năm 2020, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 149/QĐ-TTg phê duyệt “Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”. Theo đó, tài chính toàn diện được hiểu là: “việc mọi người dân và doanh nghiệp, được tiếp cận và sử dụng các sản phẩm, dịch vụ tài chính một cách thuận tiện, phù hợp với nhu cầu, với chi phí hợp lý, được cung cấp có trách nhiệm và bền vững, trong đó chú trọng đến nhóm người nghèo, người thu nhập thấp, người yếu thế, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp siêu nhỏ”.

Chiến lược trên đặt ra mục tiêu: “phấn đấu đến năm 2025 có ít nhất 250.000 doanh nghiệp nhỏ và vừa có dư nợ tại các tổ chức tín dụng”.

Vì thế, chính sách tiền tệ cần được điều hành sao cho các doanh nghiệp có thể vay vốn ngân hàng để phù hợp với Chiến lược trên, và quan trọng nhất là cần đảm bảo thanh khoản của doanh nghiệp, của nền kinh tế.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả