24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Giáng Hoa
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Khó tiếp cận đất đai vì “cò” làm giá

Những bất cập về chủ trương, chính sách đất đai… đang trở thành rào cản, ảnh hưởng lớn đến các nhà đầu tư cũng như khả năng cải thiện PCI của các địa phương nói chung.

Thực trạng các nhà đầu tư đã và đang đầu tư tại nhiều địa phương đang gặp những bất cập, rào cản, ảnh hưởng không hề nhỏ tới mục tiêu của họ, thậm chí ảnh hưởng tới sức khỏe của chính địa phương đó trong vấn đề cải thiện môi trường đầu tư mà địa phương đó không hề mong muốn. Và câu chuyện về tiếp cận đất đai tại tỉnh An Giang đang là một ví dụ điển hình.

Vướng chủ trương …

Chia sẻ với DĐDN liên quan tới vấn đề nêu trên, ông Bùi Đình Quý - Tổng Giám đốc Công ty CP Dịch vụ và Thương mại Đông Á, một doanh nghiệp ngoài tỉnh đầu tư tại An Giang, nhận định: An Giang là một tỉnh có chỉ số PCI xếp vào loại khá ở khu vực ĐBSCL, tuy nhiên, chỉ số thành phần về tiếp cận đất đai vẫn còn khá khiêm tốn và điều này chính là rào cản, làm ảnh hưởng tới tâm lý của nhà đầu tư.

Cụ thể, khi doanh nghiệp làm thủ tục xin chủ trương đầu tư dự án, thì hàng loạt các phát sinh với khối lượng công việc khổng lồ đã đè lên vai doanh nghiệp ngoài sức chịu đựng do vướng chủ trương, chính sách có nhiều thay đổi nhưng chưa kịp hướng dẫn. Nhưng khó khăn lớn nhất hiện nay của doanh nghiệp là vấn đề đền bù giá đất cho người dân, thêm nữa là xuất hiện một số thành phần là “cò” với “chiêu” quen thuộc là đầu cơ mua đất trước khi doanh nghiệp đền bù giải phóng mặt bằng.

Cũng theo ông Quý, nếu chỉ tính riêng công tác đền bù giải phóng mặt bằng (GPMB), thì doanh nghiệp phải mất vài năm để thực hiện công việc này, chưa kể vấn đề phát sinh về thời gian nêu trên làm ảnh hưởng tới chi phí cơ hội, thị trường…

“Đáng lẽ ra những vấn đề này thay vì chính quyền địa phương phối hợp với doanh nghiệp đứng ra đền bù GPMB, thì nay doanh nghiệp lại phải tự thỏa thuận với người dân để tạo quỹ đất sạch với số lượng lên tới hàng chục hecta trước khi đầu tư dự án là hết sức bất cập” - ông Quý bức xúc.

Tương tự, ông Trương Vĩnh Thành – Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Sao Mai, cho rằng: Chúng tôi là một doanh nghiệp tại địa phương hoạt động đa ngành nghề, trong đó có nhiều dự án liên quan đến phát triển đô thị và nhà ở, thế nhưng cũng gặp phải không ít những khó khăn trong việc tiếp cận đất đai. Đơn cử, khi doanh nghiệp thực hiện dự án, và dự án đó nằm trong quy hoạch mà tỉnh đã quy hoạch thì doanh nghiệp vẫn phải tự thỏa thuận với dân về giá đất để GPMB.

… và “cò làm giá…”?

Nhưng nghịch lý ở đây là mặc dù đất nằm trong quy hoạch nhưng người dân vẫn thoải mái giao dịch mua bán, sang tên, đổi chủ (trừ trường hợp nhà nước có quyết định thu hồi đất). Và điều này dẫn tới việc cò thâu tóm đất để “làm giá” khiến doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn trong việc GPMB để triển khai dự án. “Điều bất cập nữa là, cùng với chính sách đất đai nhưng mỗi địa phương lại có một phương thức thực hiện khác nhau. Có địa phương thì chính quyền địa phương phối hợp với doanh nghiệp đứng ra GPMB, nhưng An Giang thì lại không thể làm thế, do đó, điều này đã ảnh hưởng ít nhiều tới môi trường đầu tư của An Giang” – ông Thành chia sẻ.

Tương tự, một doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh An Giang (xin được giấu tên), chia sẻ: Hiện tại doanh nghiệp đang triển khai một Trung tâm thương mại dịch vụ du lịch trên địa bàn tỉnh với quy mô 87,92ha, vốn đầu tư 2.408 tỷ đồng. Tuy nhiên vì sợ người dân và “cò” thâu tóm đất để “thổi giá” nên doanh nghiệp phải âm thầm lặng lẽ thực hiện quy hoạch mà không dám công bố.

Cũng theo đại diện doanh nghiệp này, việc doanh nghiệp phải bỏ tiền ra để đầu tư kinh doanh nhưng không dám công bố mà cứ phải lén lút như đi ăn trộm điều hết sức khó chịu. Tuy nhiên trong hoàn cảnh này thì cũng đành phải chấp nhận, mặc dù biết như thế là khó chịu.

Liên quan những bất cập nêu trên, chia sẻ với PV DĐDN, bà Nguyễn Thị Minh Thúy - Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh An Giang, cho biết: Thực hiện chủ trương chung của tỉnh là hỗ trợ nhà đầu tư trong việc thực hiện các dự án trên địa bàn tỉnh An Giang, thì Sở Xây dựng đã phối hợp với các Sở ngành liên quan hỗ trợ nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ thực hiện các hồ sơ, thủ tục pháp lý theo đúng quy định của pháp luật hiện hành. Tuy nhiên, thời gian qua theo phản ánh của một số ít nhà đầu tư là giá đất để thực hiện thỏa thuận nhận chuyển nhượng trong khu vực dự án giữa nhà đầu tư và các hộ gia đình, cá nhân là tương đối cao, cho nên, một số dự án phải xin gia hạn thời gian thực hiện để tiếp tục thực hiện thỏa thuận bồi thường, điển hình như Dự án Khu đô thị Golden City An Giang, do Công ty CP Dịch vụ và Thương mại Đông Á làm chủ đầu tư.

“Việc hỗ trợ đền bù GPMB, trên thực tế chưa được địa phương quan tâm hướng dẫn nên nhà đầu tư gặp không ít khó khăn trong quá trình thực hiện dự án. Bên cạnh đó, khi một số hộ dân không đồng tình với giá đền bù đã gây chậm trễ và làm lỡ cơ hội của nhà đầu tư” - bà Thúy cho biết.
Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả