Khó nới lỏng thêm chính sách tiền tệ
Nền kinh tế có thể phục hồi tích cực trở lại trong năm 2021, nhờ vào việc kiểm soát dịch bệnh vẫn hiệu quả và các chính sách tiền tệ nới lỏng mạnh mẽ được triển khai trong năm 2020 vừa qua. Tuy nhiên, điều này cũng đồng nghĩa với dư địa nới lỏng chính sách tiền tệ trong năm nay đang ngày càng hẹp dần.
Bơm tiền và giảm lãi suất
Đối mặt bất ngờ với cuộc khủng hoảng Covid 19, Chính phủ và Ngân hàng Trung ương (NHTW) các nước đã mạnh tay nới lỏng chính sách và bơm hàng nghìn tỷ đô la vào nền kinh tế, nhằm chống chọi với đại dịch được cho là lớn nhất trong vòng 100 năm qua.
Không nằm ngoài xu hướng chung, Việt Nam cũng chứng kiến Ngân hàng Nhà nước (NHNN) có đến 3 lần liên tục điều chỉnh giảm đồng bộ các mức lãi suất với quy mô tương đối lớn, diễn ra vào các thời điểm 17/3/2020, 13/5/2020 và 01/10/2020, với tổng mức giảm khoảng 1.5 – 2%/năm lãi suất điều hành; giảm 0.6 – 1.0%/năm trần lãi suất tiền gửi VNĐ các kỳ hạn dưới 6 tháng và giảm 1.5%/năm trần lãi suất cho vay ngắn hạn VNĐ đối với các lĩnh vực ưu tiên. Theo đánh giá của NHNN, mức giảm lãi suất của Việt Nam hiện là một trong các mức giảm mạnh nhất so với các nước trong khu vực.
Kết quả là lãi suất điều hành tại Việt Nam đã rớt về mức thấp nhất trong nhiều thập kỷ qua. Cụ thể lãi suất tái cấp vốn từ mức 6%/năm xuống chỉ còn 4%/năm; lãi suất tái chiết khấu từ 4%/năm xuống còn 2.5%/năm; lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của NHNN với các ngân hàng giảm từ 7%/năm xuống mức 5%/năm, trong khi lãi suất chào mua giấy tờ có giá (GTCG) trên thị trường mở cũng có đến 3 lần giảm từ mức 4%/năm xuống còn 2,5%/năm.
Tương tự, mặt bằng lãi suất tiền gửi cũng giảm từ 1.1 – 1.3%/năm tùy kỳ hạn so với thời điểm đầu năm, hiện cũng nằm ở mức thấp nhất kể từ năm 2000 đến nay, trong khi trần lãi suất cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên cũng đang ở mức thấp nhất lịch sử tại 4.5%/ năm.
Lãi suất cho vay đối với các lĩnh vực khác dù giảm chậm hơn, nhưng theo NHNN dẫn chiếu số liệu từ Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF), so với các nước có trình độ phát triển tương đồng, lãi suất cho vay bình quân của Việt Nam ở mức trung bình, hiện ở mức 7.8%/năm, thấp hơn lãi suất cho vay của Indonesia (9.41%/năm), Mông Cổ (16.92%/năm), Myanmar (14.5%/năm) và Ấn Độ (9.05%/năm).
Thanh khoản tiền đồng dồi dào nhờ hàng trăm nghìn tỷ đồng đã được bơm ra thông qua kênh mua ngoại tệ trải dài trong suốt năm qua, cộng với việc chào mua GTCG trên thị trường mở với khối lượng phù hợp và kịp thời, đã tạo điều kiện cho các ngân hàng giảm mạnh lãi suất theo định hướng của nhà điều hành.
Cụ thể nếu như những năm trước đây tăng trưởng cung tiền M2 thường thấp hơn đáng kể so với tăng trưởng tín dụng, có năm 2019 là cao hơn 1.8%, thì trong năm 2020 trước nhu cầu tín dụng suy yếu và những giải pháp cung ứng thanh khoản mạnh mẽ để hỗ trợ nền kinh tế, tăng trưởng cung tiền thường xuyên chênh lệch đáng kể so với tín dụng, mà số liệu kết thúc năm 2020 vừa qua cho thấy tăng trưởng cung tiền M2 cao hơn tăng trưởng tín dụng xấp xỉ 1.1%.
Dư địa đang hẹp dần
Trước các chính sách giảm mạnh lãi suất và bơm tiền trong năm vừa qua, đồng nghĩa với các công cụ để tăng thêm cường độ nới lỏng chính sách cho năm 2021 đang ngày càng hẹp dần. Thực tế vẫn có những kỳ vọng mặt bằng lãi suất sẽ tiếp tục duy trì ở mức thấp như hiện nay, nhưng khả năng để giảm thêm trong thời gian tới là khó, khi mà không ít dự báo cho thấy lãi suất đã chạm đáy và thậm chí có thể sớm tăng trở lại từ giữa năm 2021 do tăng trưởng tín dụng mạnh hơn và kinh tế phục hồi.
Đối với chính sách mua ngoại tệ và bơm tiền đồng, với việc Bộ Tài chính Mỹ xác định Việt Nam thao túng tiền tệ, chính sách ngoại hối vào năm 2021 có thể thay đổi, theo đó tiền đồng không những đứng trước áp lực tăng giá mà NHNN cũng khó lòng mua ngoại tệ với số lượng lớn để gia tăng dự trữ ngoại hối như những năm gần đây.
Với những công cụ còn lại như tỷ lệ dự trữ bắt buộc, thực tế với tỷ lệ dự trữ bắt buộc VNĐ hiện nay đang áp dụng 3% cho tiền gửi kỳ hạn dưới 12 tháng và chỉ 1% cho kỳ hạn từ 12 tháng trở lên, đặc biệt là đã giữ ổn định suốt thời gian dài, nhà điều hành trước mắt có lẽ cũng không muốn sử dụng đến công cụ này.
Trong khi đó, ở công cụ nghiệp vụ thị trường mở, NHNN có thể tiếp tục mua bán GTCG ngắn hạn trên thị trường tiền tệ, điều hòa cung cầu về GTCG từ đó gây ảnh hưởng đến khối lượng dự trữ của các Ngân hàng thương mại (NHTM), tuy nhiên giải pháp này chỉ mang tính thời điểm và cũng chỉ có những tác động khiêm tốn và riêng biệt lên một số ít nhà băng cụ thể.
Dù vậy, nhà điều hành có thể tăng cường độ nới lỏng thông qua đẩy mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm nay lên cao hơn, mà theo giới phân tích dự báo có thể ở mức 14 – 15%, dựa trên sức bật trở lại của nền kinh tế và hoạt động của các doanh nghiệp sẽ góp phần thúc đẩy nhu cầu vay vốn gia tăng trở lại, nhất là khi kênh trái phiếu doanh nghiệp đã bị kiểm soát chặt hơn.
Ngoài ra, với việc các ngân hàng đã tăng mạnh vốn tự có trong thời gian qua, trong khi các NHTM gốc quốc doanh cũng sắp được cấp thêm vốn từ ngân sách, giúp nâng hệ số an toàn vốn (CAR) lên cao hơn, cũng mở đường cho các nhà băng này mở rộng thêm quy mô tín dụng, theo đó NHNN sẽ tăng cao hạn mức tín dụng cho những nhà băng đáp ứng điều kiện đặt ra. Tuy nhiên, cũng lưu ý rằng cầu tín dụng cao hơn cũng sẽ gây áp lực lên lãi suất sau đó, do đó bài toán hạ thêm lãi suất như đã nói sẽ thêm phần thách thức.
Một công cụ khác mà NHNN có thể tích cực sử dụng nhiều hơn là tăng cường tái cấp vốn cho các ngân hàng. Về cơ bản khi cấp 1 khoản tín dụng cho NHTM, NHTW đã tăng lượng tiền cung ứng đồng thời tạo cơ sở cho NHTM tạo bút tệ và khai thông khả năng thanh toán của họ. Thời gian qua chính sách tái cấp vốn này chỉ chủ yếu thực hiện đối với các TCTD theo các chương trình đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Do đó, thời gian tới NHNN có thể mở rộng thêm đối tượng với các điều kiện linh hoạt hơn để cung ứng thêm nguồn vốn kinh doanh cho các nhà băng. Rõ ràng với lãi suất tái cấp vốn đã giảm mạnh trong năm 2020 chỉ còn 4%/năm, được xem là một nguồn vốn rẻ tiềm năng, nhưng việc tiếp cận nguồn vốn này nếu vẫn khó khăn và có chọn lọc, thì việc giảm lãi suất qua kênh này hoặc duy trì ở mức thấp cũng không thật sự có ý nghĩa với các nhà băng.
Khi dư địa cho chính sách tiền tệ đang hẹp dần, nền kinh tế có thể tăng thêm sự phụ thuộc vào chính sách tài khóa, vốn ngày càng phát huy hiệu quả tốt hơn, đặc biệt là trong năm 2020 vừa qua với hàng loạt chính sách cắt giảm thuế, đẩy mạnh đầu tư công,... Nhưng vấn đề đặt ra là liệu chính sách tài khóa có thể tiếp tục duy trì mở rộng trong tương lai, khi mà thâm hụt ngân sách cũng đang đối mặt với nhiều thách thức sau giai đoạn ứng phó với đại dịch vừa qua.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận