Khó lường căng thẳng Mỹ - Iran
Iran cảnh báo Mỹ đã khơi mào cuộc chiến tranh bằng cách tấn công giết chết chỉ huy lực lượng đặc nhiệm Quds, tướng Qassem Soleimani; trong khi Washington cũng có động thái và tuyên bố mới.
Rạng sáng 4.1, một ngày sau khi cuộc không kích của Mỹ làm thiếu tướng Qassem Soleimani, chỉ huy lực lượng đặc nhiệm Quds của Iran thiệt mạng, lực lượng dân quân PMF được Iran hậu thuẫn nói một cuộc không kích nhắm vào chiến binh của họ trúng phải một đoàn xe y tế trên đường Taji, phía bắc thủ đô Baghdad (Iraq). PMF khẳng định không có chỉ huy nào của lực lượng thiệt mạng trong cuộc không kích mới, trong khi một số nguồn tin từ quân đội Iraq cho hay có 6 người chết và 3 người bị thương, theo Reuters. Đài truyền hình Iraq tin rằng cuộc tấn công mới do Mỹ thực hiện. Tuy nhiên, PMF sau đó ra thông báo phủ nhận đoàn xe y tế bị không kích trên đường Taji. Quân đội Iraq và Liên minh Chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) do Mỹ dẫn đầu cũng khẳng định không có cuộc không kích nào diễn ra trên đường Taji. Chính quyền Washington chưa có phản ứng.
“Chẳng khác nào khơi mào chiến tranh”
Thông tin trái chiều về cuộc tấn công ở Taji được đưa ra sau khi thiếu tướng Soleimani và phó chỉ huy PMF Abu Mahdi al-Muhandis thiệt mạng trong cuộc không kích bằng máy bay không người lái do Mỹ tiến hành ở sân bay quốc tế Baghdad vào rạng sáng 3.1. Trong cuộc trả lời phỏng vấn với CNN hôm qua, Đại sứ Iran tại Liên Hiệp Quốc (LHQ) Majid Takht Ravanchi cảnh báo, khi “ám sát” ông Soleimani, Mỹ đã bước vào một giai đoạn mới chẳng khác nào khơi mào một cuộc chiến tranh với Iran. Nhà ngoại giao Iran cho hay sẽ có cuộc trả thù khốc liệt và nhấn mạnh: “Đáp trả một hành động quân sự là một hành động quân sự”.
Trước đó, ông Ravanchi tuyên bố với HĐBA LHQ và Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres rằng Iran bảo lưu quyền phòng vệ theo luật pháp quốc tế. Ông Ravanchi còn chỉ trích vụ tấn công tướng Soleimani “là một ví dụ rõ ràng về chủ nghĩa khủng bố cấp nhà nước và là hành động tội ác, vi phạm những nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, trong đó đặc biệt là Hiến chương của LHQ”. Cùng ngày, Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif tuyên bố nước này sẽ tiến hành các biện pháp pháp lý ở cấp độ quốc tế để buộc Mỹ chịu trách nhiệm cho vụ giết chết ông Soleimani, theo Reuters.
Cũng trong hôm qua, Tư lệnh Lực lượng vệ binh cách mạng Hồi giáo Iran ở tỉnh Kerman, tướng Gholamali Abuhamzeh tuyên bố nước này sẽ trừng phạt người Mỹ bất kỳ nơi nào họ ở trong tầm với của Iran để đáp trả, theo Hãng tin Tasnim. Ông Abuhamzeh còn nêu khả năng tấn công vào các tàu ở vùng Vịnh: “Eo biển Hormuz là điểm quan trọng đối với phương Tây và số lượng lớn chiến hạm Mỹ đi qua đó... Những mục tiêu quan trọng liên quan đến Mỹ trong khu vực đã bị Iran xác định từ lâu, khoảng 35 mục tiêu nằm trong tầm ngắm của chúng tôi”. Trước đó, AFP dẫn lời Phó tư lệnh Lực lượng vệ binh cách mạng Hồi giáo Iran Ali Fadavi cho hay Washington đã đề nghị Tehran có phản ứng phù hợp sau vụ không kích giết chết ông Soleimani. Ông Fadavi cho biết thêm phía Mỹ dùng các biện pháp ngoại giao vào sáng 3.1 và nói với Tehran rằng “nếu muốn trả thù thì hãy trả thù tương ứng với điều chúng tôi đã làm”. Ông Fadavi nhấn mạnh Mỹ không có quyền quyết định cách phản ứng của Iran.
Về phần mình, Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm qua cho hay ông quyết định “loại bỏ” ông Soleimani sau khi phát hiện chỉ huy Quds chuẩn bị “cuộc tấn công sắp tới” nhắm vào các nhà ngoại giao và binh sĩ Mỹ. Ông Trump khẳng định Washington không tìm kiếm cuộc xung đột lớn hơn. “Chúng tôi hành động tối qua để ngăn chặn một cuộc chiến tranh. Chúng tôi đã không hành động để khơi mào cuộc chiến”, Tổng thống Trump nói với giới phóng viên tại bang Florida. Cùng ngày, Cố vấn an ninh Nhà Trắng Robert O'Brien cảnh báo bất kỳ cuộc đáp trả nào của Iran cũng sẽ là một “quyết định rất tồi”, theo Reuters.
Mỹ điều thêm quân
Giới quân sự Mỹ cho rằng dù tướng Soleimani đã thiệt mạng thì cái mà Washington cho là “âm mưu tấn công” của ông vẫn có thể được tiến hành, nên Mỹ tiếp tục điều thêm quân đến khu vực, theo Reuters. Lầu Năm Góc hôm 3.1 cho hay 3.000 - 3.500 binh sĩ từ Lực lượng phản ứng nhanh thuộc Sư đoàn không vận 82 sẽ được triển khai đến Kuwait. Cách đây vài ngày, Mỹ đã điều 750 binh sĩ đến bảo vệ đại sứ quán ở Baghdad sau khi hàng trăm người biểu tình nhắm vào sứ quán. Trước đó, từ tháng 5.2019 đến cuối năm 2019, Mỹ đã điều khoảng 14.000 binh sĩ đến Trung Đông.
Ngoài ra, một quan chức quốc phòng Mỹ hôm qua tiết lộ với AFP rằng liên minh giúp Iraq chống IS đã thu hẹp các hoạt động và tăng biện pháp phòng thủ tại các căn cứ ở Iraq có binh sĩ của liên minh đóng trú. NATO cũng đã ngưng huấn luyện cho các lực lượng quân sự Iraq vì lo ngại đe dọa gia tăng sau khi tướng Soleimani thiệt mạng.
Cũng lo ngại tình hình căng thẳng ở khu vực, Anh hôm qua khuyến cáo công dân nước này tránh đến Iraq và Iran nếu không cần thiết, theo Reuters. Trước đó, Mỹ và Hà Lan cũng đã khuyến cáo công dân rời khỏi Iraq. Ngoài ra, nhiều hãng hàng không đã ngừng các chuyến bay đến Baghdad.
Hàng chục ngàn người tiễn đưa ông Soleimani
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận