menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Trịnh Vũ Tường

Khó khăn “bủa vây” mọi lĩnh vực hoạt động của PVN, doanh thu mất hàng tỷ USD, xem xét nhập khẩu dầu giá thấp

Tìm kiếm, khai thác dầu khí đến sản xuất kinh doanh xăng dầu, tiêu thụ phân ure, NPK, dịch vụ kỹ thuật dầu khí... của PVN đều đang bị ảnh hưởng. Theo TGĐ PVN đây là "một trong những thời điểm khó khăn nhất".

Covid-19, giá dầu sụt giảm, hạn mặn tác động tiêu cực mọi lĩnh vực

Trong 3 tháng đầu năm 2020, dưới tác động tiêu cực của dịch bệnh Covid-19, nhiều nền kinh tế lớn trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng đang phải chứng kiến những hệ lụy trực tiếp ở mọi lĩnh vực sản xuất, kinh doanh khi các chuỗi giá trị đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng vì sự gián đoạn cung cầu hàng hóa, nguyên vật liệu.

Với Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), từ khâu đầu đến khâu cuối có thể nói đang bị ảnh hưởng rất mạnh. Cụ thể, những dự án trọng điểm về tìm kiếm, thăm dò, khai thác đều chịu tác động của dịch bệnh Covid-19. Nhiều nhà thầu sẽ không thể điều động nhân sự sang triển khai các phần việc thuộc các dự án; tiến độ cung cấp vật tư thiết bị cho dự án từ các nước có dịch đang thực hiện phong toả, cách ly cũng bị gián đoạn hoặc chậm…

Hoạt động khai thác dầu khí trong tình trạng giá dầu xuống thấp, có dự báo có thể xuống mức 20 USD/thùng cho thấy thiệt hại kinh tế là rõ ràng, những lợi điểm từ nhập khẩu xăng dầu giá thấp không thể bù đắp.

Tính toán của PVN cho biết, với mỗi mức giảm 1 USD của giá dầu, doanh thu xuất bán dầu của PVN sẽ giảm tương ứng khoảng 225 nghìn USD/ngày. Như vậy, với mức giá dầu chạm ngưỡng 30-35 USD/thùng, PVN sẽ mất khoảng 3 tỷ USD doanh thu trong năm 2020. Trong khi đó, giá dầu hiện tại ở mức khá sát với 20 USD/thùng, vượt cả tính toán của PVN về mức độ thiệt hại dù trong kịch bản xấu nhất mà PVN từng đặt ra có mốc 20 USD/thùng.

Quốc gia xuất khẩu dầu lớn như Mỹ còn tính đến phương án tăng cường nhập khẩu dầu thô giá thấp để dự trữ, PVN cũng tính đến phương án buộc phải dừng hoạt động các mỏ, nhà máy lọc dầu.

Hoạt động sản xuất kinh doanh xăng dầu cũng chịu tác động tiêu cực từ dịch Covid-19 và giá dầu xuống thấp khi nhu cầu vận tải, lưu thông sụt giảm. Các cửa hàng, đại lý xăng dầu hạn chế nhập hàng để chờ giá giảm, chiết khấu bán lẻ trên thị trường tăng mạnh so với thời điểm tháng 1/2020, ảnh hưởng nghiêm trọng tới sản phẩm của NMLD Dung Quất và NMLD Nghi Sơn.

Hiện tại tồn kho xăng dầu của NMLD Nghi Sơn ở mức rất cao, khoảng 70-85% và có nguy cơ tank-top trong tháng 3/2020, tồn kho của NMLD Dung Quất có xu hướng tăng nhanh khi các khách hàng lùi lịch nhận hàng do tình hình tiêu thụ và sức chứa khó khăn.

Tình hình kinh doanh xăng dầu của PVN dự kiến sẽ tiếp tục gặp nhiều khó khăn, thua lỗ tăng cao nếu tình hình dịch bệnh không được kiểm soát trong thời gian tới.

Với lĩnh vực sản xuất kinh doanh khác là ure và NPK. Ngoài tác động của dịch Covid-19 ảnh hưởng đến xuất khẩu nông sản sang thị trường Trung Quốc, khu vực miền Tây cũng đang chứng kiến tình trạng hạn mặn cao thiệt hại các diện tích trồng lúa nên sản lượng xuất hầu hết các sản phẩm phân bón của các nhà máy thuộc PVN đều đạt và vượt mức kế hoạch tháng nhưng sản lượng tiêu thụ phân ure và NPK không như kỳ vọng.

Với lĩnh vực dịch vụ kỹ thuật dầu khí cũng gặp khó tương tự khi các chủ đầu tư, nhà thầu có xu hướng cắt giảm và tối ưu hóa chi phí sản xuất. Trước mắt, dịch bệnh Covid-19 đã khiến giá cước vận chuyển quốc tế cho tất cả các size tàu đều giảm mạnh trong tháng 02/2020. Cụ thể, tàu VLCC giá cước spot giảm còn 15.000-20.000 USD/ngày, tàu Aframax giá cước spot giảm hơn 50%... Việc giá dầu giảm mạnh cũng sẽ làm ảnh hưởng đến giá cung cấp các giàn khoan khi tái ký hợp đồng, bên sử dụng sẽ yêu cầu đàm phán lại giá. Các giàn khoan hiện đang cung cấp cho khách hàng ở nước ngoài, nếu dịch bệnh kéo dài, các cửa khẩu đóng cửa, ngừng các chuyến bay quốc tế… sẽ ảnh hưởng đến việc triển khai các hợp đồng cung cấp dịch vụ và giá cho thuê giàn.

Tương tự, với các hợp đồng dịch vụ kỹ thuật dầu khí thực hiện ở nước ngoài, việc đưa lao động đi nước ngoài làm việc đang gặp nhiều khó khăn do hầu hết các nước đều hạn chế việc xuất nhập cảnh trong thời gian hiện tại, thủ tục xin visa bị siết chặt bởi cả 2 phía, gây khó khăn, tốn kém nhiều thời gian và chi phí hơn so với trước đây.

Kiến nghị giảm thuế, phí

Trước thực tế này, liên tục trong các ngày gần đây, Tổng giám đốc PVN Lê Mạnh Hùng đã chủ trì các cuộc họp đột xuất trực tuyến với một số đơn vị thuộc các lĩnh vực chính trong Tập đoàn về tình hình sản xuất kinh doanh, các giải pháp ứng phó với tác động kép của dịch Covid-19 và giá dầu sụt giảm đột biến. Tại cuộc họp này, ông Lê Mạnh Hùng đã nhấn mạnh đây là một trong những thời điểm khó khăn nhất của Tập đoàn trong lịch sử.

Tổng Giám đốc PVN đề nghị Tập đoàn và các đơn vị khẩn trương xây dựng quy định nội bộ trong toàn Tập đoàn nhằm quản lý, điều hành hoạt động sản xuất kinh doanh trong thời kỳ dịch Covid-19 một cách an toàn, không để gián đoạn; các đơn vị tập trung rà soát công việc, tăng cường quản trị, triển khai các giải pháp nhằm tiết giảm chi phí và nghiên cứu, đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn, đưa ra các kịch bản đối phó với từng tình huống giá dầu xuống thấp nhất, thậm chí là kịch bản xấu nhất như buộc phải dừng hoạt động các mỏ, nhà máy lọc dầu; các đơn vị trong Tập đoàn cần tăng cường chia sẻ thông tin, nguồn lực, thị trường... nhằm tối ưu hiệu quả hoạt động trong cả chuỗi giá trị của Tập đoàn.

Tăng cường hợp tác với các doanh nghiệp trong và ngoài nước có ngành nghề kinh doanh liên quan đến sản phẩm của đơn vị mình cung cấp nhằm tháo gỡ thị trường, tối ưu nguồn lực của các bên để cùng cộng sinh vượt qua các khó khăn hiện tại.

Các đơn vị của PVN cũng xem xét phương án mua dự trữ dầu thô, sản phẩm xăng dầu nhằm tranh thủ cơ hội giá dầu chạm đáy làm động lực tăng trưởng khi thị trường ấm trở lại. Cách làm này vừa gia tăng dự trữ dầu thô cho đất nước, củng cố vấn đề an ninh năng lượng khi đây luôn là mặt hàng chiến lược trong các mối tương quan chính trị khu vực và thế giới, vừa giúp ngân sách tiết kiệm một khoản ngoại tệ không nhỏ khi phải nhập khẩu dầu lúc giá dầu lên cao và tránh lãng phí tài nguyên.

Dưới góc độ vĩ mô, việc giá dầu thế giới giảm sâu đã tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của PVN, qua đó làm giảm mức đóng góp của Tập đoàn với nền kinh tế. Nhưng ở chiều hướng ngược lại, xu hướng này cũng đang mở ra nhiều cơ hội mở rộng đầu tư, tìm kiếm, thăm dò, khai thác dầu khí khi giá dịch vụ và giá thuê giàn khoan giảm mạnh; nhiều chủ mỏ sẽ phải đóng mỏ hoặc bán mỏ; chi phí trong việc đàm phán các hợp đồng khai thác, thăm dò dầu khí vì thế cũng giảm mạnh…

Tuy nhiên, để thực hiện được điều này, PVN cho biết, cần có cơ chế để tạo nguồn lực, chủ động trong việc thực hiện các dự án, kế hoạch thăm dò, khai thác dầu khí, gia tăng trữ lượng...

Để hỗ trợ ngành Dầu khí vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay, Bộ Tài chính cần phải rà soát lại các chính sách thuế, phí đối với lĩnh dầu khí để kịp thời có những đề xuất, kiến nghị tháo gỡ kịp thời cho PVN và các đơn vị thành viên, như vấn đề thuế VAT đối với mặt hàng phân Ure, thuế thu nhập doanh nghiệp áp dụng với hoạt động khai thác dầu khí, cơ chế tài chính cho Quỹ tìm kiếm thăm dò cho các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực thăm dò – khai thác dầu khí...

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả