menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Hồng Phượng

Khó khăn bủa vây doanh nghiệp BĐS, giải pháp nào tháo gỡ dòng vốn?

Doanh nghiệp BĐS gặp khó khăn trong huy động dòng vốn khiến nhiều dự án buộc phải ngưng triển khai.

Khó khăn đang bủa vây các doanh nghiệp BĐS tại TP.HCM khi thanh khoản sụt giảm, khó tiếp cận vốn trong bối cảnh 3 kênh huy động là ngân hàng, chứng khoán và trái phiếu siết chặt.

“Còn khó khăn hơn cả thời kì Covid-19 hành hoành. Giờ vẫn cố gồng để trả lương đúng hạn cho nhân viên còn dự án thì tạm phải ngưng triển khai. Sắp tới có thể sẽ phải cơ cấu lại hoạt động, tình huống xấu nhất là sẽ cắt giảm nhận sự”. Đây là chia sẻ của lãnh đạo một doanh nghiệp BĐS tại TP.HCM khi nói về khó khăn hiện tại của doanh nghiệp. Được biết công ty này có khá nhiều dự án đang có kế hoạch triển khai nhưng hầu hết đều vướng khâu cấp phép. Không có nguồn hàng chào bán, không có nguồn thu mà khoản chi ra thì lớn khiến doanh nghiệp phải "thắt lưng buộc bụng".

Tương tự, một công ty môi giới BĐS tại TP.HCM chia sẻ, vài tháng nay phải chia nhỏ lương thành nhiều đợt trả dần cho nhân viên do nguồn vốn không còn nhiều. Công ty hiện đang phân phối hai dự án nhà phố và căn hộ tại Bình Dương nhưng từ khi siết tín dụng vay, việc bán hàng khó khăn, giao dịch lác đác. Để xoay dòng tiền duy trì bộ máy hoạt động, công ty này phải chấp nhận đi vay ngoài với lãi suất cao. Sắp tới doanh nghiệp tính đến chuyện tạm thời cắt giảm lương và có thể sẽ phải giảm nhân sự.

Thanh khoản lao dốc, dòng tiền thiếu hụt, loay hoay tìm kiếm kênh huy động vốn đang khiến nhiều doanh nghiệp BĐS khốn đốn chạy lo chi phí duy trì hoạt động. Theo báo cáo từ Bộ Xây dựng, trong 9 tháng đầu năm, số doanh nghiệp BĐS thành lập mới tăng 31,9%; số lượng tái hoạt động tăng 77,3% so với cùng kỳ 2021. Tuy nhiên hoạt các doanh nghiệp còn nhiều vướng mắc trong thủ tục đầu tư, pháp lý dự án đình trệ, kiểm soát chặt tín dụng, phát hành trái phiếu làm doanh nghiệp khó tiếp cận nguồn vốn để triển khai dự án.

Còn theo báo cáo từ Hiệp hội BĐS TP.HCM (HoREA), thị trường BĐS TP.HCM đang rất khó khăn và đứng trước khả năng có thể rơi vào suy thoái. Một số tập đoàn, doanh nghiệp đang đối mặt nguy cơ “nghỉ ngơi” khi không có giao dịch, thanh khoản giảm sâu. Gánh nặng vận hành buộc các công ty phải bán bớt tài sản, dự án, chấp nhận chiết khấu giảm sâu từ 40-50% giá trị hợp đồng để tìm khách mua. Bên cạnh đó, tình trạng thu hẹp quy mô kinh doanh, dừng hoặc hoãn hoạt động thi công dự án, không triển khai dự án mới và ngưng phát hành cổ phiếu đang gia tăng… Không ít doanh nghiệp phải tinh giản tối đa bộ máy, giảm lực lượng lao động, thậm chí có tập đoàn giảm đến 50% lực lượng lao động.

Chia sẻ về khó khăn của thị trường BĐS, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA cho biết, thị trường đang xuất hiện lệch pha tín dụng, người mua nhà khó tiếp cận vốn ngân hàng, phải chịu mức lãi suất vay cao. Doanh nghiệp BĐS vừa chịu siết tín dụng ngân hàng vừa sụt giảm kênh huy động từ trái phiếu. Trong 8 tháng đầu năm 2022, lượng phát hành trái phiếu riêng lẻ của doanh nghiệp BĐS chỉ đạt 47.000 tỷ đồng, giảm mạnh so với cùng kỳ năm 2021.

Theo đó, ông Lê Hoàng Châu kiến nghị Chính phủ sớm tháo gỡ khó khăn cho các dự án BĐS, nhà ở thương mại đã tạm nộp tiền sử dụng đất để đảm bảo tính thanh khoản cho thị trường. Ngân hàng Nhà nước tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, người mua nhà được tiếp cận nguồn vốn tín dụng để tăng thanh khoản. Cũng cần tạo điều kiện cho các chủ đầu tư, người mua nhà và nhà đầu tư có thể được tiếp cận nguồn vốn tín dụng đối với các dự án của các chủ đầu tư có uy tín thương hiệu và đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt, nhất là các dự án nhà ở giá vừa túi tiền và các dự án nhà ở xã hội. Việc tạo điều kiện hay chọn lọc các doanh nghiệp bất động sản (BĐS) đủ năng lực, uy tín để cho vay là phù hợp tại thời điểm này. Đây là cơ hội để phát triển các dự án, vừa tạo nguồn cung mới cho thị trường, vừa giải quyết tình trạng hàng loạt dự án đang đình trệ vì thiếu vốn.

Còn theo ông Ngô Quang Phúc, TGĐ Phú Đông Group, nguồn tín dụng cho ngành BĐS khó khăn khiến doanh nghiệp hoạt động cầm chừng. Thị trường hiện nay có nhiều phân khúc khác nhau, dành cho những đối tượng, nhu cầu khác nhau. Nếu "bóp nghẹt" tín dụng một cách đại trà sẽ khiến cả ngành gặp khó. Thay vào đó, Chính phủ cần xem xét cung cấp tín dụng cho những doanh nghiệp có năng lực, cho các phân khúc hướng đến nhu cầu ở thực. Cần đánh giá lại ưu tiên về tín dụng để tạo nguồn cung cho thị trường, tạo ra dòng tiền và kéo theo sự phát triển của hàng chục ngành nghề khác.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
1 Yêu thích
2 Bình luận 1 Chia sẻ
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại