Khó hiểu vì 16 dự án hơn 99.000 tỷ ở ĐBSCL chậm tiến độ
Các dự án phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long ứng phó với biến đổi khí hậu có tổng vốn đầu tư lên tới hơn 99.000 tỷ đồng đều chậm tiến độ. Thứ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương tỏ ra khó hiểu vì đây là các dự án Chính phủ muốn làm, địa phương muốn có, nhà tài trợ vốn đồng tình ủng hộ.
Ngày 9/3, tại Cần Thơ, Thứ trưởng Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Trần Quốc Phương chủ trì cuộc họp lần thứ 3 của Ban Chỉ đạo các dự án phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long ứng phó với biến đổi khí hậu (Mekong DPO).
Ông Phạm Hoàng Mai - Vụ trưởng Kinh tế đối ngoại, Bộ KH&ĐT cho biết, tháng 7/2023, Chính phủ có Nghị quyết 108/NQ đồng ý huy động vốn vay ưu đãi nước ngoài (ODA) cho 16 dự án thuộc chương trình Mekong DPO. Các dự án có tổng mức đầu tư hơn 99.133 tỷ đồng (trong đó vốn đối ứng trong nước hơn 30.000 tỷ đồng, còn lại là vốn ODA).
Ban Chỉ đạo các dự án phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long ứng phó với biến đổi khí hậu - Mekong DPO họp phiên thứ 3, khi tiến độ chuẩn bị các dự án cơ bản đều chậm. (Ảnh: CK).
Ông Mai dẫn thực tế, tới nay các dự án đều triển khai chậm so với kế hoạch đề ra. Điều này do chất lượng chuẩn bị hồ sơ đề xuất dự án của các địa phương chưa cao, dẫn tới phải điều chỉnh nhiều nội dung, mất thêm thời gian. Cùng đó, khi Bộ KH&ĐT lấy ý kiến, các cơ quan đều chậm trả lời; Bộ Tài chính chậm báo cáo Thủ tướng các nội dung về tài chính của dự án; một số cơ chế đặc thù trong đầu tư dự án đường bộ mới được Quốc hội thông qua cũng ảnh hưởng tới tiến độ xây dựng dự án...
Thứ trưởng KH&ĐT Trần Quốc Phương cho biết, Chính phủ đã có nghị quyết huy động vốn ODA cho cho 16 dự án Mekong DPO; Quốc hội có nghị quyết áp dụng cơ chế đặc thù cho một số dự án giao thông, trong đó giao địa phương làm chủ đầu tư một số dự án (quốc lộ 61C, cầu Cửa Đại, cầu Cổ Chiên 2). Các nghị quyết này đã tháo gỡ điểm nghẽn pháp lý để chuẩn bị, phê duyệt các dự án Mekong DPO.
Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Quốc Phương (phải) phát biểu. Ảnh: CK.
Dù vậy, ông Phương thừa nhận, tiến độ chuẩn bị, phê duyệt các dự án Mekong DPO đều chậm so với kế hoạch. Thậm chí, một số dự án đang lấy ý kiến, hoặc chưa được đồng thuận về phương án thiết kế, quy mô đầu tư, phương án tài chính... nên chưa đủ cơ sở để báo cáo Bộ KH&ĐT trình Thủ tướng xem xét phê duyệt. Thậm chí, dự án cầu Cửa Đại, Cổ Chiên 2 mới được các tỉnh Bến Tre, Trà Vinh, Tiền Giang đề xuất bổ sung.
“Tình trạng chung của các dự án Mekong DPO là chậm. Đây là các dự án Chính phủ muốn làm, địa phương muốn có, nhà tài trợ đồng tình ủng hộ, nhưng lại chậm, tôi cũng chưa hiểu. Đây là điều mà bản thân tôi và anh Mai (ông Phạm Hoàng Mai, Vụ trưởng Kinh tế đối ngoại - PV) rất khó trả lời với Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, trả lời Thủ tướng. Bộ trưởng nói với tôi, các dự án này từ lúc có ý tưởng đến nay đã 7 năm mà chưa đâu vào đâu”, ông Phương nói.
Lãnh đạo Bộ KH&ĐT cho rằng, hiện vướng mắc về pháp lý với các dự án Mekong DPO cơ bản không còn. Tuy nhiên, việc chuẩn bị dự án về hồ sơ, thủ tục của các địa phương chưa tốt. Dẫn tới các dự án phải điều chỉnh liên tục, thậm chí thay đổi lớn so với ban đầu, gây mất thời gian, cơ hội.
"Điều chỉnh dự án là điều tối kỵ, trừ khi bất đắc dĩ, bởi mỗi lần điều chỉnh là gần như phải làm lại các bước từ đầu. Tốn kém không chỉ tiền bạc, thời gian còn cả cơ hội. Rất đáng tiếc. Các địa phương, chủ đầu tư cần xem lại", ông Phương nói thêm.
Thứ trưởng Trần Quốc Phương đề nghị các địa phương vùng ĐBSCL có những dự án liên quan cần tích cực hơn nữa trong việc hoàn tất thủ tục, hồ sơ dự án; chủ động giải quyết các khó khăn, vướng mắc, kịp thời báo cáo cấp thẩm quyền những vấn đề vượt thẩm quyền để tháo gỡ. Có như vậy các dự án mới sớm được thông qua, triển khai và phát huy hiệu quả với từng địa phương và cả khu vực.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận