Khó hiểu: Đối đầu Nga, châu Âu bán toàn máy bay "đời cổ" cho Ukraine - Chống chọi làm sao?
Trong khi Nga có đội ngũ chiến đấu cơ hàng đầu thế giới, châu Âu lại bán những máy bay cũ mà Kiev sẵn có, do Liên Xô sản xuất. Như vậy có đủ?
EU sẽ giao cho Ukraine máy bay gì?
Giữa bối cảnh căng thẳng với Nga, Josep Borrell, Đại diện cấp cao về Chính sách An ninh và Đối ngoại của Liên minh Châu Âu và là Phó Chủ tịch Ủy ban Châu Âu, tuyên bố khối này sẽ cung cấp tiền cho Ukraine mua máy bay chiến đấu từ các quốc gia thành viên chưa xác định.
"Chúng tôi sẽ cung cấp cả máy bay chiến đấu. Chúng ta không chỉ nói về đạn dược. Chúng tôi đang cung cấp những vũ khí quan trọng hơn để tham chiến", ông Borrell nói trong một cuộc họp báo.
Các nước châu Âu hiện đang vận hành và sản xuất một số máy bay chiến đấu hàng đầu thế giới, bao gồm Eurofighter Typhoon, Rafale và Saab Gripen. Để đối đầu với lực lượng không quân hùng hậu của Nga với những chiến đấu cơ tiên tiến nhất, Ukraine sẽ phải cần đến những cái tên xứng tầm.
Ông Borrell không nói rõ loại máy bay nào sẽ tới Ukraine. Tuy nhiên, ông lưu ý rằng chúng sẽ là những chiếc mà không quân Ukraine đang sử dụng.
Trái với kỳ vọng, EU có vẻ như chỉ cung cấp cho Ukraine những mẫu máy bay mà bản thân nước này đã có. Điều này đã đặt ra nhiều câu hỏi. Tại sao EU không giao máy bay hiện đại cho Ukraine? Việc chỉ cung cấp những máy bay mà Ukraine sẵn có liệu có giúp làm thay đổi tình hình?
Tướng về hưu Herbert Carlisle từ không quân Mỹ nhận định: "Đó thực sự không phải là một bước tiến lớn, từ một chiếc MiG-29 của Ba Lan thành một chiếc MiG-29 của Ukraine".
Các phi đội máy bay chiến đấu của không quân Ukraine hiện có bao gồm MiG-29 Fulcrum và Su-27 Flanker, cả hai đều do Liên Xô thiết kế. Máy bay Su-27 hiện không được sử dụng bởi bất kỳ quốc gia Liên minh châu Âu nào. Điều này cho thấy MiG-29 sẽ nằm trong danh sách thảo luận.
Cũng có thể một số thành viên EU khác có máy bay chiến đấu tương tự đang được cất giấu. Cho dù khả năng hoạt động của các máy bay này không ở điều kiện tốt nhất, chúng vẫn có thể được sử dụng làm nguồn cung cấp phụ tùng thay thế.
Romania và Croatia, cả hai thành viên NATO, vận hành các mẫu MiG-21 cũ hơn. Ukraine hiện không vận hành MiG-21. Tuy nhiên, các công ty tại trong nước cung cấp dịch vụ ký gửi đối với máy bay của các nước khác.
Những chiếc máy bay này cũng có thể được cung cấp cho đất nước trong trường hợp khẩn cấp, nhưng cơ hội là khá thấp.
Điều tương tự cũng có thể xảy ra đối với kho máy bay chiến đấu cánh xoay Su-22 cũ của Ba Lan. Tuy nhiên, trong trường hợp xung đột kéo dài, bản thân mẫu này cũng sẽ được huy động.
Bulgaria vẫn vận hành Su-25 Frogfoot, loại máy bay cũng đang được sử dụng ở Ukraine và rất quan trọng trong cuộc xung đột.
Vì sao không phải là máy bay mới hơn?
Alexandre Krauss, cố vấn chính sách của Renew Europe cho biết, nhiều người đã đặt câu hỏi tại sao Mỹ và EU không thể giúp Ukraine trang bị máy bay chiến đấu mới nhất khi họ vẫn đang hỗ trợ cho Kiev những khí tài quân sự tối tân khác, bao gồm cả tên lửa chống tăng mạnh mẽ.
Theo chuyên gia này, câu trả lời rất đơn giản. Ukraine không có kinh nghiệm lái máy bay chiến đấu của châu Âu hay Mỹ như Rafale Typhoon hay F-16, trong khi thời gian để huấn luyện trong lúc này là không đủ.
Vì Ukraine đã sử dụng MiG-29, nên các phi công nước này có thể ngay lập tức lái những chiếc MiG-29 của các nước khác mà không cần bất kỳ khóa đào tạo nào, tướng Carlisle nói.
"Nó không giống như lái một chiếc Chevy và sau đó lái một chiếc Dodge", Carlisle nhấn mạnh. "Phải mất một chút thời gian để chuyển đổi máy bay giữa các nhà sản xuất".
Trong trường hợp một phi công Ukraine không thể lái mẫu máy bay mà họ được cung cấp, họ sẽ cần các phi công phương Tây để vận hành và chiến đấu với các máy bay của Nga. Điều này không khác gì tuyên chiến với Nga mà rõ ràng sẽ có những hậu quả không thể tránh khỏi.
Vì vậy, lựa chọn duy nhất là cung cấp cho Ukraine những chiếc máy bay mà nước này có thể vận hành ngay lập tức, có thể sử dụng phi công của chính mình.
Ngoài ra, vì các cuộc đàm phán đang diễn ra và Nga vẫn chưa thực sự phát động một cuộc chiến dịch quân sự toàn diện nhằm vào Ukraine, nên mục đích chung là gây sức ép lên Moscow chứ không phải thực sự tham gia vào các cuộc không chiến.
Với những lý do trên, cung cấp cho Ukraine những máy bay chiến đấu sẵn có là phương pháp nhanh nhất để giúp Kiev đi tiếp.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận