menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
An Bang

Khiếm khuyết hàng hóa và trách nhiệm kiểm hàng của các bên trong hợp đồng

Theo quy định hiện nay, việc kiểm tra hàng hóa trước khi giao hàng là yêu cầu rất cần thiết đối với giao dịch mua bán trong thương mại đối với bên bán, nhằm ngăn ngừa những sai sót trong việc giao hàng, tăng khả năng thực hiện hiệu quả việc mua bán. Tuy nhiên nghĩa vụ này không chỉ thuộc về người bán, mà nó còn là quyền lợi của cả bên mua khi nhận hàng. Quy định này nhằm nhận diện rủi ro và tranh chấp có thể phát sinh liên quan tới khiếm khuyết hàng hóa trong các hợp đồng mua bán hàng hóa.

Xoay quanh vấn đề này, các bên tham gia hợp đồng mua bán hàng hóa, đặc biệt là hàng hóa quốc tế cần phải lưu ý những vấn đề gì? Những phân tích, chia sẻ của Luật sư Bùi Văn Thành –Luật sư trưởng - Văn phòng Luật sư Mặt Trời Mới, Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam đưa ra trong bài phỏng vấn dưới đây sẽ giúp quý vị có cái nhìn tổng quan hơn về vấn đề này.

Trước tiên xin cảm ơn Luật sư Bùi Văn Thành đã nhận lời tham gia bài phỏng vấn. Thưa Luật sư trách nhiệm kiểm tra hàng hóa trước khi giao hàng trong các hợp đồng mua bán hàng hóa hiện đang được quy định cụ thể như thế nào trong luật, thưa ông?

Luật sư Bùi Văn Thành:

Về quyền và nghĩa vụ của các bên trong hợp đồng mua bán hàng hóa được quy định tại Mục 2 Chương II Luật Thương mại 2005. Bên bán phải giao hàng, chứng từ theo thỏa thuận trong hợp đồng về số lượng, chất lượng, cách thức đóng gói, bảo quản và các quy định khác trong hợp đồng. Việc kiểm tra hàng hóa trước khi giao hàng là nghĩa vụ của bên bán, không phải là nghĩa vụ của bên mua, nhưng bên mua có quyền kiểm tra hàng hóa trước khi giao hàng, quy định cụ thể tại Điều 44 Luật thương mại 2005.

“Điều 44. Kiểm tra hàng hoá trước khi giao hàng

1. Trường hợp các bên có thoả thuận để bên mua hoặc đại diện của bên mua tiến hành kiểm tra hàng hoá trước khi giao hàng thì bên bán phải bảo đảm cho bên mua hoặc đại diện của bên mua có điều kiện tiến hành việc kiểm tra.

2. Trừ trường hợp có thỏa thuận khác, bên mua hoặc đại diện của bên mua trong trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này phải kiểm tra hàng hóa trong một thời gian ngắn nhất mà hoàn cảnh thực tế cho phép; trường hợp hợp đồng có quy định về việc vận chuyển hàng hóa thì việc kiểm tra hàng hoá có thể được hoãn lại cho tới khi hàng hoá được chuyển tới địa điểm đến.

3. Trường hợp bên mua hoặc đại diện của bên mua không thực hiện việc kiểm tra hàng hóa trước khi giao hàng theo thỏa thuận thì bên bán có quyền giao hàng theo hợp đồng.

4. Bên bán không phải chịu trách nhiệm về những khiếm khuyết của hàng hoá mà bên mua hoặc đại diện của bên mua đã biết hoặc phải biết nhưng không thông báo cho bên bán trong thời hạn hợp lý sau khi kiểm tra hàng hoá.

5. Bên bán phải chịu trách nhiệm về những khiếm khuyết của hàng hoá mà bên mua hoặc đại diện của bên mua đã kiểm tra nếu các khiếm khuyết của hàng hoá không thể phát hiện được trong quá trình kiểm tra bằng biện pháp thông thường và bên bán đã biết hoặc phải biết về các khiếm khuyết đó nhưng không thông báo cho bên mua”.

Vâng như vậy theo luật quy định hiện nay thì việc kiểm hàng là thuộc nghĩa vụ của bên bán tuy nhiên vai trò và quyền của bên mua cũng cần phải thực hiện ở khâu này như thế nào thưa ông?

Luật sư Bùi Văn Thành:

Như câu trả lời trên đã đề cập, việc kiểm tra hàng hóa trước khi giao hàng không phải là nghĩa vụ của bên mua, nhưng bên mua có quyền kiểm tra hàng hóa trước khi giao hàng. Tuy nhiên, trường hợp bên mua không thực hiện quyền kiểm tra hàng hóa trước khi giao hàng theo quy định tại Điều 44 Luật Thương mại 2005, hoặc theo thỏa thuận của các bên trong hợp đồng mua bán hàng hóa thì bên mua có quyền giao hàng theo hợp đồng (Khoản 3 Điều 44). Bên mua cần đặc biệt lưu ý về việc miễn trừ trách nhiệm của bên bán theo quy định tại Khoản 4 Điều 44: “4. Bên bán không phải chịu trách nhiệm về những khiếm khuyết của hàng hoá mà bên mua hoặc đại diện của bên mua đã biết hoặc phải biết nhưng không thông báo cho bên bán trong thời hạn hợp lý sau khi kiểm tra hàng hoá”.

Đối với hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế, bên mua cần lưu ý, tại Công ước của Liên hợp quốc về hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế, Điều 39 quy định:

“1. Bên mua bị mất quyền viện dẫn sự không phù hợp của hàng hóa nếu họ không thông báo cho bên bán về nội dung của sự không phù hợp đó trong thời hạn hợp lý sau khi bên mua phát hiện hoặc phải phát hiện ra sự không phù hợp đó.

2. Trong mọi trường hợp, bên mua bị mất quyền viện dẫn sự không phù hợp của hàng hóa nếu họ không thông báo cho bên bán về sự không phù hợp đó trong vòng hai năm kể từ thời điểm hàng hóa được giao thực sự cho bên mua, trừ trường hợp thời hạn này không phù hợp với thời hạn cam kết theo quy định trong hợp đồng”.

Khiếm khuyết hàng hóa và trách nhiệm kiểm hàng của các bên trong hợp đồng

Thực tế cho thấy, đối với những khiếm khuyết không thể phát hiện bằng biện pháp thông thường như các tiêu chuẩn kỹ thuật,…. Hoặc chỉ đến khi đưa hàng hóa vào sử dụng, sản xuất... thì mới phát hiện khiếm khuyết thì lúc này bên mua làm cách nào để đảm bảo được quyền lợi cho mình thưa ông?

Luật sư Bùi Văn Thành:

Tại Khoản 5 Điều 44 Luật Thương mại 2005 đã quy định: “5. Bên bán phải chịu trách nhiệm về những khiếm khuyết của hàng hoá mà bên mua hoặc đại diện của bên mua đã kiểm tra nếu các khiếm khuyết của hàng hoá không thể phát hiện được trong quá trình kiểm tra bằng biện pháp thông thường và bên bán đã biết hoặc phải biết về các khiếm khuyết đó nhưng không thông báo cho bên mua”.

Bên mua nên thực hiện việc kiểm tra hàng hóa trước khi bên bán chuyển giao cho bên vận chuyển trong một khoảng thời gian hợp lý để đảm bảo việc hàng hóa mà bên bán chuyển giao là hàng hóa đảm bảo chất lượng như đã thỏa thuận. Có thể tự mình kiểm tra nếu có nhân lực đủ trình độ chuyên môn để kiểm tra. Hoặc các bên có thể mời bên thứ ba làm bên giám định chất lượng hàng hóa độc lập để có sự khách quan trung thực trước khi giao hàng.

Bên mua cần nắm vững và yêu cầu bên bán thực hiện nghĩa vụ của mình về trách nhiệm đối với hàng hóa không phù hợp với hợp đồng, quy định tại Điều 40 Luật Thương mại 2005.

Về việc giám định hàng hóa ở địa điểm nhận hàng đến làm cơ sở pháp lý tiến hành khiếu nại, khiếu kiện, bên mua cần giám định theo các quy định, tiêu chuẩn, phương pháp đã quy định trong hợp đồng. Nếu có mâu thuẫn giữa biên bản giám định với giấy chứng nhận chất lượng, số lượng mà bên bán cung cấp ở cảng đi, cần có sự đàm phán với bên bán yêu cầu bên bán cử đại diện sang làm giám định đối tịch (có mặt cả hai bên). Biên bản giám định đối tịch sẽ ràng buộc cả hai bên, sẽ là căn cứ pháp lý cuối cùng để giải quyết tranh chấp. Bên mua nên giữ nguyên trạng hàng hóa đang tranh chấp để làm bằng chứng giải quyết tranh chấp (ví dụ giám định lại). Không bán lại, hay đưa hàng hóa vào sử dụng nếu chưa thông báo và chưa có sự đồng ý của bên bán.

Các bên cần có thỏa thuận về bảo hành hàng hóa trong hợp đồng, yêu cầu bên bán thực hiện nghĩa vụ bảo hành bằng chi phí của bên bán, nghĩa vụ bảo hành đến người tiêu dùng đầu cuối, hoặc yêu cầu đổi hàng trong trường hợp giao hàng không phù hợp với hợp đồng, chi phí đổi hàng do bên bán chịu, nhất là trong trường hợp phải giao hàng bằng đường hàng không trong hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế.

Và để có thể hạn chế được những rủi ro cho mình các doanh nghiệp cả bên mua và bên bán cần phải lưu ý những vấn đề gì thưa ông?

Luật sư Bùi Văn Thành:

Ngoài những nội dung cần lưu ý trên trong các câu trả lời trên, cần lưu ý nhận diện rủi ro, nhất là các rủi ro pháp lý trong đàm phán, giao kết và thực hiện hợp đồng mua bán hàng hóa. Các hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế cần quan tâm cả quy định pháp luật nước sở tại trong việc nhập khẩu, phân phối hàng hóa vào nước đó. Nên sử dụng dịch vụ tư vấn của chuyên gia, sử dụng dịch vụ tư vấn pháp lý của luật sư trong toàn bộ quá trình đàm phán, giao kết, quản trị và thực hiện hợp đồng mua bán hàng hóa.

Xin cảm ơn Ông!

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
2 Yêu thích
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả