Khi vốn ngoại dồn vào công nghiệp chế biến - chế tạo
Việc dòng vốn FDI chảy mạnh vào lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo ở chiều tích cực đang cho thấy môi trường sản xuất kinh doanh tại Việt Nam đã có sự cải thiện...
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê dựa trên khảo sát tại 6.500 DN ngành công nghiệp chế biến – chế tạo trên phạm vi cả nước, kết thúc quý 3/2019 vừa qua có 81,3% DN cho rằng khối lượng sản xuất tăng và ổn định so với cùng kỳ; 88,4% DN cho rằng trong quý 4 tới đây lượng sản xuất của họ tiếp tục tăng mạnh, hoặc chí ít là ổn định.
Hầu hết các DN FDI khối ngành sản xuất máy tính – thiết bị điện tử; sản xuất đồ gỗ; trang phục; dược phẩm và nhựa - cao su trong 9 tháng vừa qua đều cho rằng cả về số lượng và kim ngạch xuất khẩu đều đã tăng mạnh. Trong các tháng cuối năm gần 100% các DN dự báo đơn hàng và đơn giá xuất khẩu sẽ tiếp tục tăng, trong khi tồn kho nguyên liệu và thành phẩm đều có xu hướng giảm.
Sự hấp dẫn của các ngành công nghiệp chế biến - chế tạo thời gian vừa qua được thị trường ghi nhận là nhân tố chính khiến dòng vốn đầu tư nước ngoài tăng lên mạnh mẽ cả ở nhóm đầu tư trực tiếp và nhóm góp vốn mua cổ phần.
Theo đó 9 tháng đầu năm, Việt Nam đã thu hút 26,16 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài. Trong đó, lượng đăng ký cấp mới, điều chỉnh tăng vốn và góp vốn mua cổ phần chảy vào lĩnh vực công nghiệp chế biến – chế tạo lên tới 18,09 tỷ USD, chiếm 69,1% tổng vốn đầu tư đăng ký. Trong suốt từ đầu năm 2019 đến nay, làn sóng đầu tư từ các DN Hàn Quốc, Nhật Bản và Trung Quốc vào lĩnh vực chế biến chế tạo không lúc nào chững lại.
Việc dòng vốn FDI chảy mạnh vào lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo ở chiều tích cực đang cho thấy môi trường sản xuất kinh doanh tại Việt Nam đã có sự cải thiện. Hàng loạt các thương vụ mua bán sáp nhập lớn có giá trị hàng trăm triệu đến hàng tỷ USD cho thấy tốc độ hội nhập của nhóm DN ngành chế biến – chế tạo là khá nhanh chóng.
Tuy nhiên, những lo ngại về khả năng “xuất khẩu giùm”, “tiêu thụ hộ” và nguy cơ trở thành “bãi thải” công nghệ cũng đã được nhiều nhà phân tích đặt ra. Bởi thực tế hiện nay, mặc dù các DN chế biến chế tạo có kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng mạnh nhưng 70% vẫn phụ thuộc vào các DN FDI. Trong lúc đó, câu chuyện chuyển giá nhằm lách thuế, né thuế của các DN FDI vẫn diễn biến phức tạp và pháp lý để quản lý, kiểm soát thì vẫn chưa hoàn thiện.
Ở góc độ chịu đựng và hấp thụ của nền kinh tế, đa số các chuyên gia nhận định rằng, hiện nay hạ tầng tại Việt Nam đang không đủ sức chịu đựng trước làn sóng dịch chuyển nguồn vốn từ Trung Quốc và một số quốc gia trong khu vực. Việc chưa kết nối được hạ tầng giao thông giữa các khu vực kinh tế trọng điểm đang làm gia tăng chi phí khá lớn cho các DN. Bên cạnh đó, việc thiếu thị trường công nghệ để phát triển các DN công nghiệp phụ trợ đủ mạnh cũng sẽ khiến DN trong nước bỏ lỡ các cơ hội hợp tác, gia nhập chuỗi giá trị toàn cầu.
Trong khi đó, ở khía cạnh kinh tế vĩ mô, các nghiên cứu của Công ty chứng khoán SSI cho rằng khi thị trường đầu tư, thị trường xuất khẩu bị khối DN ngoại dẫn dắt, những rủi ro về thành tích ảo, số liệu bất nhất sẽ rất lớn.
Đơn cử như trường hợp của ngành công nghiệp chế biến chế tạo trong 9 tháng vừa qua, các số liệu thống kê đã có những dấu hiệu không trùng khớp. Phía Tổng cục Thống kê đưa ra con số tăng trưởng 11,37% và nhận định là đóng góp quan trọng nhất giúp GDP tăng cao kỷ lục.
Tuy nhiên, theo SSI Research con số này nhiều khả năng chưa phản ánh đúng tốc độ tăng trưởng của toàn ngành công nghiệp chế biến chế tạo, bởi theo khảo sát của đơn vị này mảng công nghiệp điện tử (chủ yếu là sản xuất điện thoại) là cấu phần quan trọng trong công nghiệp chế biến – chế tạo có mức tăng 14,6% trong cùng thời điểm thống kê.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận