menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Trần Bằng Việt

Khi Vin ra taxi: Liệu có thành công?

Khi Vin ra taxi, nhiều bạn hỏi: Liệu có thành công? Thành công quá đi chứ. Rất thành công. Thậm chí có thể là một trong vài nước đi thành công nhất của Vin từ thủa lập nghiệp đến giờ.

Tại sao tôi lại nói như vậy?

Chúng ta cần phải nhìn hành động ấy trong một tổng thể to lớn hơn nhiều. Một tổng thể phi-taxi.

Thậm chí dù Vin taxi (gọi thế cho nó dễ) có thất bại thảm hại thì Vin vẫn có thể thành công.

Như thế nào nhỉ?

A. VỀ TÀI CHÍNH

Vin taxi là một nước đi độc địa về tài chính.

Chắc hẳn mọi người đều đã có đọc (hoặc ít nhất là hình dung được) về tình hình tài chính của Vin/Vinfast, đặc biệt là về tỷ lệ nợ trên vốn chủ sở hữu “siêu to khổng lồ”.

Trong khi đó, khả năng thu hút vốn của Vin đã bị thắt chặt đến ngặt nghèo: kênh trái phiếu đóng băng, hạn mức cho vay BĐS của ngán hàng bị kiểm soát đặc biệt, thị trường BĐS đóng băng nên bán sản phẩm hay sang nhượng dự án đều tắc, thị trường chứng khoán sụt giảm nên phát hành thêm cổ phiếu không mấy người mua, IPO công ty mới như Vinfast thì không chắc thành công, thậm chí kể cả khi đã “khoác áo nước ngoài”. Chưa kể là cho dù không làm gì thì hoạ lại vẫn có thể đến nhà: những ngân hàng đầu tư lớn nhất như Credit Suisse hay Deutsche Bank lần lượt sụp đổ hay lao đao. Những khoản đang định vay bị đình tắc thì không nói, những khoản vay trong quá khứ từ các ông lớn này (ai đó thống kê giúp đi ạ) cũng có thể bị ảnh hưởng…

Thập diện mai phục đó nghe!

Thế liên quan gì đến taxi?

Để bần đạo chia sẻ thêm một insight cho quý vị nghe!

Các hãng taxi khi đầu tư xe mới thì chỉ cần một số vốn đối ứng nho nhỏ mà thôi (20-30% giá trị), phần còn lại thì ngân hàng hay thuê mua tài chính sẽ giúp thu xếp.

Thế thì sao?

Chuyện gì sẽ xảy ra khi Vin mở một công ty kinh doanh taxi và bán xe Vinfast cho công ty ấy?

Việc này mang lại mấy cái lợi sau đây:

1. Biến giá trị tồn kho không bán được của Vinfast thành doanh thu. Đẹp sổ sách kinh doanh và hồ sơ IPO. Đẹp hồ sơ marketing (đã bán thành công nhiều trăm ngàn xe ra thị trường…).

2. Lượng vốn hãng taxi huy động được sẽ là từ gấp 3 đến gấp 4 lượng vốn tự có. Chưa nói đến việc sau khi sổ sách của Vinfast đẹp hơn (tăng doanh thu đùng đùng mà) thì lại có thể xin vay thêm nữa.

3. Các khoản vay ngân hàng (hay sử dụng kênh thu mua tài chính) này lại không bị dòm ngó hay kiểm soát đặc biệt như phát hành trái phiếu hay vay bất động sản.

4. Và có một chi tiết vô cùng thú vị là khác với khi cho vay mua bất động sản phải định giá trên cơ sở mặt bằng giá thị trường thì khi vay để mua xe mới, ngân hàng sẽ neo cơ sở giá niêm yết của hãng xe. Mà ai là người niêm yết? Ủa ủa a lô a lô…

5. Có bạn nói: thì ít ra người ta cũng phải có lượng vốn tự có nữa chứ. Vầng, 99,99% chúng ta đều nghĩ như thế và làm như thế. Nhưng vẫn có những cách để thu xếp được mà vẫn hợp pháp các cụ ạ.

Tóm lại, về mặt tài chính, với sự đầu tư vào taxi, Vin có thể “biến CỦA NỢ thành CỦA CẢI”.

B. VỀ KINH DOANH - THỊ TRƯỜNG

Với nước đi này, Vin tạo được các hiệu quả sau:

1. Cơ hội trải nghiệm xe điện mới, êm, thơm, rẻ cho đông đảo công chúng. Rất nhiều trong số họ chỉ mới nghe nói và mắng theo chứ chưa bao giờ ngồi trên một chiếc xe điện Vinfast thực sự. Mà ấn tượng xe mới thì chắc chắc là hơn đứt mấy cái xe công nghệ giá rẻ hay xe cũ của các hãng taxi rồi. Sau khi trải nghiệm, thị trường sẽ sẵn sàng hơn cho việc mua xe điện Vinfast.

2. Dùng lái xe khắp thiên hạ và dùng hành khách khắp đất trời làm “chuột bạch” giúp Vinfast thử nghiệm và hoàn thiện xe. Chỉ cần nhớ mang theo cờ lê số 10.

3. Hoàn tất chuỗi trạm sạc khắp những nơi có thể có người mua xe. Thực ra thì đây mới là điểm mấu chốt nhất cản trở nhiều quyết định mua xe.

4. Rải trạm bảo dưỡng sửa chữa, phụ tùng thay thế và dịch vụ khắp cả nước để tăng trải nghiệm và giảm chi phí sửa chữa bảo dưỡng cho khách hàng. Đừng coi thường điều này, nó đã giúp Toyota có vị thế số 1 ở Việt Nam suốt 30 năm vừa qua. Và nó cũng giúp Toyota Việt Nam là đơn vị hiệu quả nhất toàn cầu đấy.

5. Với số lượng bán ra nhiều hơn, Vinfast sẽ đến gần ngưỡng hoà vốn hơn. Số lượng lớn cũng giúp Vinfast thương lượng tốt hơn với các nhà cung cấp và có chi phí đầu vào giảm đáng kể. Giá hợp lý bên cạnh các yếu tố bên trên sẽ giúp Vinfast bán được xe dễ dàng hơn rất nhiều. Cả ở Việt Nam lẫn trên toàn cầu.

Ủa sao chỉ thấy có lợi cho Vinfast không vậy nhỉ? Thế còn Vin taxi thì sao?

6. Thị trường taxi Việt Nam sa vào giai đoạn suy thoái rất nặng. Vai trò của Grab rất vững chãi cho dù đã có rất nhiều “liên minh” và “chiến lược” để phòng thủ. Các hãng taxi vừa nhỏ lẻ (đặc biệt là ở phía Bắc), vừa “đồng sàng dị mộng”, vừa không đủ quyết liệt nên không tạo được hiệu quả. Bên cạnh đó, tỷ lệ quãng đường xe có khách lên đến 85% của Grab giúp nó có hiệu quả tài chính vượt trội, đặc biệt là khi giá nhiên liệu cao. Giờ khi Vin taxi ra đời, do chạy bằng điện nên không bị chi phí vận hành cao. Xe lại đồng bộ nên dễ sửa chữa bảo dưỡng vận hành. Thương hiệu lớn và được đón nhận. Lại thêm tính quyết liệt của Vin đã ăn sâu vào máu nên sẽ có hiệu quả cao hơn. Rất chờ đón Grab có đối trọng đủ lớn để người tiêu dùng được hưởng lợi.

7. Nhưng thực ra việc trực tiếp đầu tư kiểu này rất là không nên. Đúng ra Vin nên có những chương trình để chuyển hoá các hãng taxi hiện hữu sang dùng sản phẩm của họ thì hiệu quả sẽ còn càng lớn hơn nữa. Hoặc ít nhất là đầu tư vào một hãng taxi lớn rồi chuyển hoá nó. Chứ ăn luôn phần của khách hàng của chính mình sẽ là tối kị trong làm ăn. Kịch bản tiếp theo là các hãng taxi khác cũng phải chuyển sang xe điện. Nhưng họ không thể mua xe điện của Vinfast nên sẽ phải chọn một hãng xe điện Trung Quốc nào đó (giá rẻ hơn Vinfast). Câu chuyện bắt đầu phức tạp rồi đây.

C. VỀ XÃ HỘI - TRUYỀN THÔNG

Tóm lại, đây là một nước đi SÁNG trong hoàn cảnh KHÓ của Vinfast trong giai đoạn gần đây. Tôi đánh giá cao lựa chọn chiến lược này và khả năng thành công của nó. Nhưng tôi tin tưởng chắc chắn rằng đây chỉ là một sự xoay sở bất đắc dĩ chứ không phải là một chiến lược ngay từ khi khai sinh Vinfast của anh Vượng như nhiều thánh đã suy tôn.

Dĩ nhiên, bài viết này là dựa trên những thông tin không đầy đủ và có phần suy đoán của cá nhân tôi. Tác dụng của bài viết chỉ để chúng ta cùng tư duy với những người đánh cờ hàng đầu. Tránh trường hợp “khen bất kể, chửi vô cùng”. Tôi xin miễn trách nhiệm về bài viết và giữ quyền chỉnh sửa bất cứ lúc nào khi có thêm những thông tin mới.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Trần Bằng Việt

Bấm theo dõi để nhận thêm nội dung bổ ích từ chuyên gia này.

Tìm hiểu thêm về chuyên gia.

Hãy chọn VIP/PRO hàng đầu để nhận kho bài viết chuyên sâu

16 Yêu thích
15 Bình luận 17 Chia sẻ
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại