Khi vaccine về nước nhiều hơn, sẽ tiêm được 2 triệu mũi/ngày
Tại họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 7, chiều 11/8, tại Hà Nội, lãnh đạo các bộ, ngành đã thông tin về tiến độ tiêm vaccine, các chính sách hỗ trợ sản xuất, kinh doanh, lưu thông hàng hóa.
Trả lời câu hỏi của phóng viên liên quan đến tốc độ tiêm vaccine, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho biết, hiện cả nước tiêm được 11 triệu/18 triệu liều vaccine đã cấp (đạt 65%) và số liệu đang cập nhật hơi chậm so với tốc độ tiêm.
Tại Thành phố Hồ Chí Minh, trong số hơn 4 triệu liều được cấp, đã tiêm được hơn 3,5 triệu liều (88,2%).
Trong ngày 12/8, thành phố sẽ tiêm hết số vaccine được cấp, dự kiến tiếp tục triển khai tiêm vaccine khác. Hà Nội được cấp gần 3 triệu liều, hiện tại đã tiêm 1,5 triệu liều (trên 50%).
Trong những ngày tới sẽ tăng tốc, thúc đẩy tốc độ tiêm chủng cùng với Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh khác.
Thứ trưởng Trần Văn Thuấn thông tin thêm, Bộ Y tế đã tiến hành hướng dẫn các tỉnh, thành phố lập kế hoạch cụ thể với số vaccine dự kiến được cấp, chủ động trong việc triển khai tiêm chủng; có công văn đôn đốc các tỉnh, thành phố khẩn trương tiêm vaccine, không để tồn vaccine trong kho. Nếu tỉnh nào không dùng hết sẽ chuyển vaccine cho tỉnh khác.
"Quan điểm của Bộ Y tế là tiêm nhanh nhưng đảm bảo an toàn, tiêm mũi nào an toàn mũi đấy, từ công tác chuẩn bị, dụng cụ, thuốc men, xe lưu động, các cơ sở hồi sức cấp cứu đều phục vụ tốt việc tiêm chủng" - Thứ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, Thứ trưởng Trần Văn Thuấn thông tin thêm: "tới đây, khi vaccine về nhiều hơn, chúng tôi sẽ tăng tốc cho việc tiêm vaccine; dự kiến khi Bộ Y tế kết hợp Bộ Quốc phòng, Bộ Công an sẽ tiêm tối đa 2 triệu mũi vaccine trong 1 ngày".
Về việc có hay không tình trạng quá tải tại Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phía Nam trong điều trị F0, Thứ trưởng Trần Văn Thuấn cho hay, để đáp ứng điều trị bệnh nhân COVID-19 tại Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam, dưới sự chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, ngay từ sớm, Bộ Y tế đã chủ động bàn với thành phố chuẩn bị cho mọi kịch bản có thể xảy ra. Chuẩn bị cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, con người, đảm bảo chủ động nhất khi tình huống xấu hơn có thể xảy ra.
"Tình hình chung là có sự quá tải tại Thành phố Hồ Chí Minh và một số tỉnh, thành phía Nam vì lượng bệnh nhân ở tầng 3 (trong 5 tháp điều trị), thuộc khu vực hồi sức tích cực. Một số trường hợp quá lo lắng, chưa đến mức phải lên tầng 3 đã chuyển lên rồi, dẫn đến quá tải tầng 3 là chính, trong khi hoàn toàn có thể điều trị tại tuyến đơn giản hơn, như bệnh viện dã chiến, tuyến huyện, tuyến xã", Thứ trưởng Bộ Y tế thông tin và cho rằng, đối với công tác điều trị phải phân tầng đúng; nhẹ vào tầng nhẹ, trung bình vào tầng 2 và thực sự nặng mới vào tầng 3; đồng thời hạn chế chuyển tầng muộn quá vì chuyển muộn, nguy cơ tử vong cao.
Theo Thứ trưởng Trần Văn Thuấn, hiện Bộ Y tế đã phối hợp với Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam thành lập 141 bệnh viện dã chiến và nhiều Trung tâm Hồi sức cấp cứu. Đặc biệt, tại Thành phố Hồ Chí Minh có 5 trung tâm hồi sức cấp cứu của Bộ phối hợp với thành phố.
Với một số vùng trọng điểm phía Nam, Bộ đã phân công một số bệnh viện trực thuộc Bộ thiết lập Trung tâm Hồi sức đủ cho đáp ứng điều trị. Với các tỉnh, Bộ cử các nhóm công tác bao gồm các chuyên gia phòng bệnh, truy vết, điều trị, hồi sức hỗ trợ các tỉnh một cách nhanh nhất, thường xuyên gửi báo cáo về Bộ Y tế và Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch.
Mới đây, Bộ Y tế chuyển 10.000 liều thuốc nhập khẩu của Ấn Độ về kịp thời cung cấp cho công tác điều trị bệnh nhân tại các tỉnh phía Nam. Ngành Y tế điều động hơn 11.000 cán bộ, sinh viên hỗ trợ Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam.
Thứ trưởng Bộ Y tế chia sẻ thêm: "Khi kiểm tra chống dịch, chúng tôi chứng kiến nhiều anh em từ Tết đến giờ chưa về, có bác sỹ hồi sức tại Bệnh viện Bạch Mai, trước Tết ở Hải Dương, sau đó là ở Bắc Giang, Nghệ An, Hà Tĩnh và bây giờ đóng ở Đồng Nai. Chúng tôi hy vọng rằng, cùng với sự vào cuộc quyết liệt của toàn bộ hệ thống chính trị từ Trung ương và các địa phương, cùng với Bộ Y tế và Ban Chỉ đạo sẽ tiến tới ổn định, dập được dịch trong tháng tới".
Sản xuất "3 tại chỗ" gặp nhiều khó khăn khi áp dụng trong thời gian dài
Về vấn đề sản xuất "3 tại chỗ", Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải đánh giá, mô hình này áp dụng cho sản xuất ở các doanh nghiệp, khu công nghiệp vẫn là phương án tốt ở thời điểm này.
Phương án này được áp dụng thành công ở Bắc Ninh, Bắc Giang, tuy nhiên khi phải áp dụng dài ngày như tại Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố phía Nam đã phát sinh rất nhiều khó khăn.
Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải lý giải, mô hình sản xuất "3 tại chỗ" thực hiện tốt ở Bắc Ninh, Bắc Giang khi chỉ áp dụng trong thời gian ngắn, với đặc điểm các khu công nghiệp ở phía Bắc chỉ khoảng nghìn người/khu công nghiệp.
Trong khi phía Nam, mỗi khu công nghiệp có đến hàng chục nghìn người; công nhân, người lao động lại đến từ rất nhiều tỉnh, thành nên khó kiểm soát hơn... Do đó, việc thực hiện sản xuất 3 tại chỗ ở Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam hiện gặp nhiều khó khăn khi phải thực hiện trong thời gian dài.
Bên cạnh đó, chuỗi cung ứng, logistics bị đứt gãy, chi phí sản xuất, kinh doanh quá cao... khiến nhiều doanh nghiệp không chịu được trong thời gian phong tỏa dài, trong khi nhiều địa phương còn những quy định khác nhau,...
Từ thực tế trên, Bộ Công Thương đã phối hợp với Bộ Y tế nghiên cứu, đề xuất để tạo thuận lợi hơn cho phương án "3 tại chỗ" như: sửa đổi quy định liên quan hoạt động sản xuất trong khu công nghiệp trong bối cảnh dịch; các hướng dẫn nếu có F0 sẽ xử lý thế nào;... để Bộ Y tế ban hành văn bản hướng dẫn sớm nhất, vừa chống dịch, vừa đảm bảo sản xuất.
Về lưu thông hàng hóa, theo Thứ trưởng Bộ Công Thương, đã có nhiều văn bản của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, tuy nhiên, trong bối cảnh dịch phức tạp, từng địa phương lại có đặc điểm, cách hiểu, cách áp dụng khác nhau nên gây ra một số khó khăn cho doanh nghiệp trong lưu thông, cung ứng hàng hóa, nhất là hàng hóa thiết yếu; gây khó khăn cho sản xuất công nghiệp, xuất khẩu...
Chính vì vậy, Bộ Công Thương đã có những trao đổi với các địa phương, ngành hàng, doanh nghiệp nhưng chưa khắc phục được hoàn toàn.
Ngày 27/7, Bộ Công Thương đã có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ, trong đó đề xuất tất cả hàng hóa được lưu thông, trừ hàng hóa bị cấm kinh doanh theo quy định pháp luật.
Sau hai ngày, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đã có ý kiến chỉ đạo theo đề xuất của Bộ Công Thương, nên giải quyết cơ bản được tình hình.
Tuy nhiên, vừa qua, kể cả sau khi có văn bản, tại một số địa phương, vẫn có hiện tượng hàng hóa khi lưu thông, lái xe, phụ xe gặp khó khăn.
Do đó, Thứ trưởng Bộ Công Thương mong muốn các địa phương chia sẻ, tuy mục tiêu là chống dịch, nhưng vẫn phải đảm bảo mục tiêu kép để giúp việc lưu thông hàng hóa, sản xuất kinh doanh và xuất khẩu được thông suốt.
Về giải pháp cho tình trạng ùn tắc ở các chốt kiểm soát dịch ở một số địa phương, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Duy Lâm cho biết, Bộ đã có văn bản hướng dẫn các cục, tổng cục, các địa phương như: không tiến hành kiểm tra tại các chốt kiểm soát và khi đang lưu thông trên đường đối với những xe có mã QR code, chứng nhận luồng xanh; nếu không có mã QR code, lái xe xuất trình giấy xác nhận test COVID-19; tăng cường tiền kiểm, hậu kiểm ở các khu bốc xếp hàng hóa...
Bên cạnh đó, Bộ có đề xuất ưu tiên tiêm vaccine cho lái xe, phụ xe, người bốc xếp hàng hóa; có những phương án phân luồng giao thông hợp lý để chống ùn tắc.../.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận