24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Nguyễn Ngọc Mai
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Khi nào Biển Đỏ “lặng sóng”?

Liên minh châu Âu (EU) đã đạt thỏa thuận nguyên tắc về việc khởi động sứ mệnh phòng thủ ở Biển Đỏ. Trước đó, Mỹ và Anh cùng các đồng minh khác đã thành lập “Chiến dịch người bảo vệ thịnh vượng” (OPG) tham gia tuần tra Biển Đỏ, bảo vệ quyền tự do đi lại trên biển và vận tải đường biển. Những “tấm khiên” này liệu có đủ để bảo vệ vùng biển này trước những cơn sóng dữ đang hoành hành?

Cơn gió mạnh thổi bùng “sóng dữ”

Phát biểu trước báo giới sau cuộc họp Hội đồng Đối ngoại EU tại Brussels (Bỉ) hôm 22/1 (giờ địa phương), đại diện cấp cao của EU về chính sách an ninh và đối ngoại Josep Borrell cho biết, Phái bộ bảo vệ Biển Đỏ có nhiệm vụ đảm bảo an toàn, tự do cho các tàu thương mại của châu Âu và quốc tế đi qua Biển Đỏ trước những cuộc tấn công của lực lượng Houthi từ Yemen. Phái bộ này sẽ hoạt động độc lập và không tham gia OPG do Mỹ dẫn đầu, không tham gia không kích lực lượng Houthi tại Yemen cũng như không phục vụ lợi ích của Israel.

Khi nào Biển Đỏ “lặng sóng”?

Tàu Genco Picardy sau khi bị tấn công trên Vịnh Aden ngày 18/1.

Theo kế hoạch, EU sẽ triển khai các tàu chiến và hệ thống cảnh báo sớm trên không để bảo vệ các tàu hàng trong trường hợp có mối đe dọa. EU hiện chưa xác định rõ quốc gia nào sẽ nắm quyền chỉ huy sứ mệnh này. Theo ông Josep Borrell, không có quốc gia nào phản đối đề xuất này, dù một số nước có thể quyết định không tham gia.

Trước đó, ngày 19/1, Bỉ đã xác nhận sẽ tham gia hạm đội châu Âu với việc gửi tàu tuần dương Louise-Marie thực hiện nhiệm vụ. Đức cũng dự kiến tham gia với tàu tuần dương Hessen, nếu kế hoạch này được Quốc hội Đức chấp thuận. Hiện, Mỹ và Vương quốc Anh chưa có kế hoạch tham gia các hoạt động.

Căng thẳng bùng lên ở Biển Đỏ khi lực lượng Houthi bắt đầu nhắm đến mục tiêu vào các tàu thương mại đi qua vùng biển này nhằm phản đối xung đột Hamas – Israel ở Dải Gaza. Họ coi các cuộc tấn công này nhằm hỗ trợ người Palestine ở Gaza, tuyên bố sẽ tiếp tục các cuộc tấn công cho đến khi Israel dừng xung đột, đồng thời cảnh báo sẽ tấn công các tàu chiến Mỹ nếu Houthi trở thành mục tiêu tấn công. Hoạt động táo bạo nhất của Houthi diễn ra vào ngày 19/11/2023, khi các tay súng cướp một con tàu có tên Galaxy Leader và đưa nó đến một cảng của Yemen, đồng thời bắt giữ 25 thành viên thủy thủ đoàn, chủ yếu là người Philippines.

Tính đến giữa tháng 1, lực lượng Houthi đã tiến hành 27 cuộc tấn công nhằm vào các tàu đi qua Biển Đỏ và vịnh Aden được cho đang hướng tới hoặc rời khỏi các cảng của Israel. Trong khi đó, tính đến ngày 23/1, Mỹ và đồng minh đã tiến hành 6 đợt tấn công vào Houthi. Hàng chục địa điểm ở Yemen đã bị tấn công, bao gồm các căn cứ của Houthi mà Washington cho rằng gây ra mối đe dọa cho các tàu dân sự và quân sự.

Các cuộc không kích do Mỹ và Anh cùng đồng minh tiến hành nhắm vào các mục tiêu của Houthi đang leo thang thành cuộc tấn công mang tính “ăn miếng trả miếng”, là cơn gió mạnh thổi bùng “sóng dữ” trên Biển Đỏ. Trước bối cảnh đó, Tổng Thư ký Liên hợp quốc (LHQ) Antonio Guterres kêu gọi tất cả các bên liên quan hạ nhiệt căng thẳng nhằm thiết lập hòa bình và ổn định ở Biển Đỏ, cũng như khu vực. Ai Cập cũng bày tỏ quan ngại về tình trạng leo thang các hoạt động quân sự ở khu vực Biển Đỏ. Cairo mong muốn thúc đẩy các nỗ lực chung của khu vực và quốc tế nhằm giảm căng thẳng và tránh gây bất ổn trong khu vực, đặc biệt là tuyến hàng hải ở Biển Đỏ.

Bộ Ngoại giao Ai Cập nêu rõ những diễn biến nguy hiểm và ngày càng leo thang ở phía nam Biển Đỏ và Yemen cho thấy căng thẳng ở Dải Gaza đã làm xung đột lan rộng trong khu vực. Saudi Arabia và Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) kêu gọi các bên kiềm chế và tránh làm xung đột leo thang, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì an ninh và ổn định ở Biển Đỏ. Bộ Ngoại giao Kuwait cũng ra tuyên bố kêu gọi các bên kiềm chế, tránh làm leo thang căng thẳng.

Nguy cơ lan rộng xung đột

Theo nhận định của giới chuyên gia, những can thiệp quân sự của liên minh do Mỹ dẫn đầu khó có thể đạt được mục tiêu như bảo vệ hàng hải và quan trọng nhất là “vô hiệu hoá” mối đe dọa từ Houthi. Ngược lại, các cuộc tập kích của Mỹ có thể dẫn đến những nỗ lực không hiệu quả, kéo dài và tốn kém, trong khi lại củng cố danh tiếng của Houthi trong khu vực.

Ông Andreas Krieg, giảng viên cao cấp tại Đại học King's College London cho rằng, các cuộc không kích của liên minh Mỹ - Anh có thể sẽ làm căng thẳng leo thang hơn nữa. Hơn nữa, chiến dịch do Washington và London dẫn đầu có thể sẽ chuyển trọng tâm của lực lượng Houthi từ hoạt động trừng phạt sang hoạt động rộng lớn hơn nhắm vào các tàu liên kết của Mỹ - Anh. Qua đó, chiến dịch này sẽ không những không đạt được mục tiêu duy trì quyền tự do hàng hải mà còn có thể khiến xung đột leo thang hơn nữa.

Trong khi đó, bà Hannah Porter, nhà nghiên cứu người Yemen, cho rằng các cuộc không kích do Mỹ dẫn đầu có thể nằm trong tính toán của Houthi và khó có thể ngăn chặn chiến dịch tấn công các tàu thương mại của nhóm này ở Biển Đỏ. Bà nói: “Đây không phải là một tính toán sai lầm của Houthi mà là mục tiêu của Houthi. Nhóm này hy vọng được chứng kiến cuộc chiến tranh khu vực lan rộng và mong muốn được đứng ở tuyến đầu của cuộc chiến đó”. Vị chuyên gia đồng thời cho rằng, nếu Mỹ và Anh đáp trả Houthi bằng nhiều cuộc không kích hơn vào Yemen thì điều này còn ảnh hưởng đến an ninh khu vực, bao gồm cả an ninh của Saudi Arabia và UAE.

Về phần mình, chuyên gia Courtney Freer tại Đại học Emory nhận định: Saudi Arabia có khả năng tận dụng thực tế là họ có liên lạc với cả Houthi và Mỹ để cố gắng đưa các bên vào bàn đàm phán. Tuy nhiên, do Saudi Arabia đang trong quá trình đàm phán riêng về lệnh ngừng bắn với Houthi nên khó có thể làm bất cứ điều gì có thể ảnh hưởng đến khả năng hoàn tất thỏa thuận này. Do đó, hai quá trình sẽ tiến hành riêng biệt, trong chừng mực có thể và tất cả các bên sẽ phải đồng ý về các bước đầu tiên hướng tới giảm căng thẳng trong khu vực trước khi bước vào bàn đàm phán.

Nhà quan sát Julian Borger nhận định, Trung Đông đang đứng trên bờ vực của một cuộc xung đột khu vực kể từ cuộc tấn công ngày 7/10/2023 và các sự kiện ở Biển Đó đã cho thấy vách ngăn khu vực này rơi vào vực thẳm chiến tranh có thể nhanh chóng sụp đổ như thế nào.

Trên thực tế, kể từ khi lực lượng Houthi tại Yemen tuyên bố thực hiện các vụ tấn công nhằm vào các tàu thương mại, nhiều hãng vận tải lớn đã tạm dừng di chuyển các tàu của mình qua Biển Đỏ và kênh đào Suez của Ai Cập hồi tháng 12/2023. Những con tàu này cũng phải thay đổi lộ trình di chuyển theo tuyến đường dài hơn qua Mũi Hảo Vọng ở Nam Phi.

Sự gián đoạn và chuyển hướng nói trên có nguy cơ làm tăng chi phí vận chuyển hàng hóa và dấy lên lo ngại có thể gây ra một đợt lạm phát mới trên toàn cầu. Khoảng 1/3 lượng hàng hóa tàu container toàn cầu sử dụng kênh đào Suez. Việc chuyển hướng tàu quanh mũi Hảo Vọng dự kiến sẽ tiêu tốn thêm tới 1 triệu USD tiền nhiên liệu cho mỗi chuyến đi khứ hồi giữa châu Á và Bắc Âu.

Các cuộc tấn công gần đây của phiến quân Houthi nhằm vào hoạt động vận tải quốc tế ở Biển Đỏ cũng làm xáo trộn chuỗi cung ứng, đẩy giá dầu và khí đốt tự nhiên tăng cao, đồng thời làm gia tăng căng thẳng địa chính trị vượt xa các quốc gia xung quanh Biển Đỏ. Song giới chuyên gia cho rằng, khi xung đột ở Gaza chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, khủng hoảng ở Biển Đỏ chưa thể chấm dứt và còn có nguy cơ lan rộng thành cuộc chiến khu vực.

Ông Raiman al-Hamdani, nhà nghiên cứu tại ARK Group, doanh nghiệp xã hội có trụ sở tại Dubai, cho rằng tính đến nay, các vụ đánh chặn của Houthi chưa gây thương vong ở Biển Đỏ. Nhưng điều đó có thể thay đổi nếu xảy ra một cuộc tấn công trực tiếp vào binh sĩ Mỹ hoặc Anh. Nếu xảy ra kịch bản đó, Yemen sẽ có cách tiếp cận mạnh mẽ hơn nhiều. Và điều đó có thể làm gia tăng căng thẳng trong khu vực. Nhà nghiên cứu người Yemen Nicholas Brumfield cũng bình luận: “Chúng ta đang ở giữa một vòng xoáy leo thang. Thật khó tránh khỏi sự leo thang rộng hơn trong khu vực!”.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả