24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Nguyễn Hồng Nhung
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Khi nào áp dụng mức giá bán lẻ điện mới?

Khung giá của mức giá bán lẻ điện là cơ sở để Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) xây dựng các phương án điều chỉnh giá bán lẻ điện. Mức điều chỉnh và thời điểm điều chỉnh được quyết định trong khung giá của mức bán lẻ điện bình quân do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và phải phù hợp theo thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương và EVN trên cơ sở ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái mới đây đã ký Quyết định 02/2023/QĐ-TTg về khung giá mức giá bán lẻ điện bình quân.

Cụ thể, khung giá bán lẻ điện bình quân từ 1.826,22 đồng/kWh - 2.444,09 đồng/kWh là mức giá sàn và giá trần để Chính phủ quy định giá bán lẻ điện bình quân. So với mức khung cũ được quy định tại Quyết định 34/2017, giá bán đã tăng 220-538 đồng/kWh.

Cùng với khung giá này, các kết quả kiểm tra chi phí sản xuất kinh doanh điện năm 2022 sẽ là cơ sở để Bộ Công Thương đưa ra quyết định giá bán lẻ điện bình quân trong năm 2023 này.

Trao đổi với Báo Điện tử Chính phủ, ông Trần Tuệ Quang, Phó Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương) cho biết, Luật Điện lực quy định giá bán lẻ điện do đơn vị điện lực quy định căn cứ theo cơ cấu biểu giá bán lẻ điện, cơ chế điều chỉnh biểu giá bán lẻ điện và khung giá của mức giá bán lẻ điện bình quân do Thủ tướng Chính phủ quyết định. Bộ Công Thương sẽ chủ trì cùng Bộ Tài chính xây dựng khung giá bán lẻ điện bình quân trình lên Chính phủ.

Thời gian qua, Bộ Công Thương cùng Bộ Tài chính, Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và EVN đã nghiên cứu, đề xuất dự thảo khung giá mức giá bán lẻ điện bình quân trình Chính phủ và ngày 3/2/2023, Chính phủ đã có quyết định ban hành khung giá mới (Quyết định 02/2023/QĐ-TTg)

Mức giá bán lẻ điện bình quân bao gồm chi phí sản xuất kinh doanh điện của tất cả các khâu của ngành điện: Chi phí khâu phát điện, truyền tải điện, phân phối bán lẻ điện, phụ trợ quản lý ngành.

Chi phí như thế nào?

Đáng nói, các thông số liên quan đến chi phí mua điện (chiếm khoảng trên 80% tổng chi phí sản xuất kinh doanh điện hằng năm) bị ảnh hưởng bởi tỷ giá ngoại tệ, giá nhiên liệu cũng như cơ cấu sản lượng điện phát của tất cả nhà máy điện trong hệ thống.

Khi nào áp dụng mức giá bán lẻ điện mới?

Ông Trần Tuệ Quang, Cục phó Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương). Ảnh: VGP/Quang Thương

Đơn cử như giá than nhập khẩu cung cấp cho các nhà máy điện đã bắt đầu tăng từ cuối năm 2021. Theo chỉ số giá than nhập NewCastle Index bình quân năm 2021 đạt 138 USD/tấn (thậm chí giá than nhập tháng 1/2021 là 82 USD/tấn và các tháng năm 2020 đều dưới 54 USD/tấn), trên thực tế 10 tháng đầu năm năm 2022, giá than khoảng 359 USD/tấn và giữ ở mức cao cho đến thời điểm này. Trong khi đó, sản lượng điện từ nhiệt điện than chiếm tỷ trọng khoảng 40% sản lượng điện của Việt Nam nên chi phí sản xuất kinh doanh điện của EVN tăng cao.

Giá than nhập khẩu tăng không chỉ làm tăng mạnh chi phí mua điện từ các nhà máy nhiệt điện sử dụng than nhập mà còn làm tăng chi phí mua điện từ các nhà máy nhiệt điện sử dụng than pha trộn (trộn giữa than trong nước và than nhập).

Ngoài ra, các khoản chênh lệch tỷ giá thực hiện trong hợp đồng mua bán điện của các năm 2019, 2020 cũng như của các năm 2021-2024 ước khoảng hơn 21.000 tỷ đồng cần được phân bổ, tính toán vào chi phí sản xuất điện hằng năm để tính toán khung giá.

Với các bối cảnh nêu trên đã tạo nên sự biến động lớn về các thông số liên quan đến chi phí mua điện (chiếm khoảng trên 80% tổng chi phí sản xuất kinh doanh điện hằng năm của EVN).

Đánh giá, tính toán, cân nhắc đầy đủ trước khi chính thức áp dụng giá mới

Về việc khi nào chính thức tăng giá bán lẻ điện, ông Trần Tuệ Quang cho biết: Khung giá của mức giá bán lẻ điện vừa được Chính phủ ban hành là cơ sở để EVN xây dựng các phương án điều chỉnh giá bán lẻ điện.

Theo đó, giá bán lẻ điện bình quân được EVN xây dựng căn cứ theo Cơ chế điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân hiện nay được thực hiện theo quy định tại Quyết định số 24/2017/QĐ-TTg ngày 30/6/2017 của Thủ tướng Chính phủ. Nếu thông số đầu vào thay đổi làm giá bán lẻ điện bình quân tính toán tăng từ 3% trở lên và trong khung giá của mức giá bán lẻ điện bình quân thì giá điện được phép điều chỉnh tăng, nếu giảm thì giá điện được điều chỉnh giảm.

Trên cơ sở giá bán lẻ điện bình quân được xây dựng nêu trên và mức điều chỉnh sẽ được quyết định trong khung giá của mức bán lẻ điện bình quân do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và phải phù hợp theo thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương và EVN trên cơ sở ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Mới đây, Bộ Công Thương cũng đã có văn bản chỉ đạo EVN khẩn trương xây dựng các phương án giá bán lẻ điện bình quân năm 2023 theo quy định tại Quyết định số 24/2017/QĐ-TTg.

Chia sẻ về mức điều chỉnh cũng như thời gian điều chỉnh giá điện, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải khẳng định, việc điều chỉnh giá điện sẽ được tính toán, đánh giá, cân nhắc đầy đủ tác động đến lạm phát, đời sống người dân, hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp và việc điều hành kinh tế vĩ mô của Chính phủ. Mức điều chỉnh và thời điểm điều chỉnh được quyết định trong khung giá của mức bán lẻ điện bình quân do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và phải phù hợp theo thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương và EVN trên cơ sở ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Tại Hội nghị thúc đẩy sản xuất tiêu dùng trong nước và mở rộng thị trường xuất khẩu năm 2023 diễn ra ngày 3/2 vừa qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh và dành nhiều thời gian phân tích 5 vấn đề liên quan tới điện gồm nguồn điện, tải điện, phân phối điện, sử dụng điện và giá điện.

Trong đó, nguồn điện phải sử dụng tối đa tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh của đất nước, trong đó có tiềm năng điện gió, điện mặt trời; tải điện phải tránh tình trạng xây dựng nguồn ồ ạt nhưng không có tải; phân phối điện phù hợp với điều kiện đất nước và từng khu vực; sử dụng điện hiệu quả, tiết kiệm; giá điện phù hợp với nền kinh tế và thu nhập người dân.

Giá điện của nước ta không thể giống nước phát triển, giá quá cao thì người dân, doanh nghiệp và nền kinh tế không chịu được. Cần lợi ích hài hoà, khó khăn và rủi ro chia sẻ giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người dân; cân bằng, hài hòa, hợp lý giữa lạm phát và tăng trưởng.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả