menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Quyền Nguyễn

Khi Mỹ "nã pháo" vào biểu tượng công nghệ Trung Quốc

Tencent Holdings – biểu tượng công nghệ của Trung Quốc đang trở thành mục tiêu tiếp theo của Washington, sau TikTok và Huawei.

Ngày 6/8, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ban hành một sắc lệnh hành pháp cấm mọi giao dịch liên quan đến mạng xã hội WeChat do bất kỳ người nào thực hiện hoặc liên quan đến bất kỳ công ty nào chịu quyền tài phán của Mỹ với Tập đoàn Tencent Holdings (doanh nghiệp sở hữu Wechat) của Trung Quốc. Sắc lệnh này bắt đầu có hiệu lực sau 45 ngày kể từ ngày được ban hành.

Đánh giá động thái trên của ông Trump, tờ Global Times cho rằng, điều này cho thấy cuộc chiến công nghệ đang gia tăng của Mỹ nhằm vào WeChat đồng thời cảnh báo “việc chính trị hóa các vấn đề kinh tế đã là trò xưa cũ, vượt xa những giới hạn có thể chấp nhận được”.

Công nghệ - mặt trận mới

Mặc dù thị phần của WeChat tại Mỹ còn hạn chế, nhưng giới chuyên gia cho rằng việc Mỹ phong tỏa WeChat thực sự là một phần của cuộc chiến lớn hơn nhắm vào ngành công nghệ của Trung Quốc, vì Tencent là một trong những công ty công nghệ lớn nhất thế giới và đại diện cho sức mạnh công nghệ của Trung Quốc.

Sắc lệnh trên đưa ra cùng với lệnh cấm khác của Mỹ nhằm vào TikTok, ứng dụng chia sẻ các video clip ngắn của Trung Quốc, vốn đã trở thành tâm điểm chú ý trong nhiều ngày qua giữa lúc căng thẳng leo thang giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới.

Bình luận về sắc lệnh nói trên của Tổng thống Mỹ, ông Chen Da, Giám đốc điều hành công ty Anlan Capital khẳng định: “Đây là một phần mở rộng của cuộc chiến thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ, là một trò chơi chính trị, sẽ có tác động tiêu cực đến các công ty Internet Trung Quốc trong việc mở rộng đầu tư ra nước ngoài. Các công ty Trung Quốc cần cảnh giác về việc liệu các quốc gia khác sẽ theo Mỹ và chặn các ứng dụng của Trung Quốc hay không”.

Tờ Global Times dẫn lời một người phát ngôn của tập đoàn Tencent Holdings cho biết, doanh nghiệp này đang đánh giá sắc lệnh hành pháp nói trên của Mỹ để có được sự nhìn nhận thấu đáo.

WeChat bắt đầu thâm nhập thị trường nước ngoài vào tháng 4/2012 và mời siêu sao bóng đá Lionel Messi làm người phát ngôn cho phiên bản nước ngoài của họ vào tháng 7/2013. Điều này cho thấy WeChat rất tin tưởng vào thị trường Mỹ.

Tuy nhiên, giới chuyên gia trong lĩnh vực công nghệ cho rằng do thị trường ở Mỹ được chia sẻ giữa các đối thủ như WhatsApp, Messenger, Skype và Line, nên WeChat khó giành được thị phần đáng kể ban đầu, không giống như hoạt động bùng nổ của họ ở Trung Quốc.

Statista, nhà cung cấp dữ liệu có trụ sở tại Mỹ, cho biết trong một cuộc khảo sát hồi tháng 9/2019 rằng WeChat không đứng trong top 10 ứng dụng truyền thông xã hội phổ biến nhất ở Mỹ, mà là gần cuối. Ba ứng dụng phổ biến nhất là Facebook, Instagram và Facebook Messenger.

Trên thực tế, tỷ lệ sử dụng WeChat của người dùng Mỹ chỉ là 0,79%, mặc dù ứng dụng này có 1,2 tỷ người dùng hoạt động trên toàn thế giới tính đến ngày 31/3 năm nay, trong đó phần lớn là người Trung Quốc.

Giá cổ phiếu của công ty Tencent trên thị trường chứng khoán Hong Kong đã sụt giảm khi kết thúc giao dịch hôm 6/8, giảm 5,04% xuống còn 527,5 HKD (75,83 USD)/1 cổ phiếu, kéo giá trị thị trường của doanh nghiệp này xuống còn 5,05 nghìn tỷ HKD.

Chiến lược của Tổng thống Trump

Giới chuyên gia công nghệ cho rằng sắc lệnh hành pháp trên sẽ tác động mạnh nhất đến những người dùng Trung Quốc ở nước ngoài và những người có hoạt động kinh doanh tại Trung Quốc.

Một nhân viên văn phòng ở Bắc Kinh chia sẻ: “Tôi đã sống ở Mỹ được 6 năm và như tôi thấy, WeChat có một số lượng lớn người dùng Trung Quốc ở nước ngoài, gần như 100% người Trung Quốc ở nước ngoài đang sử dụng nó. Những người Mỹ có quan hệ kinh doanh với Trung Quốc cũng sử dụng nó”.

Theo một báo cáo sửa đổi do Cục điều tra dân số Mỹ công bố năm 2018, số người Mỹ gốc Hoa ước tính vào khoảng 5,08 triệu người vào năm 2016 và đây cũng là cộng đồng người Mỹ gốc Á lớn nhất ở Mỹ.

“Đối đầu với Trung Quốc là một chính sách quốc gia liên tục của Mỹ; việc ngăn chặn các công ty công nghệ chắc chắn là một phần trong kế hoạch của họ”, chuyên gia Chen Da cho hay

Theo giới phân tích, sắc lệnh nói trên phục vụ nỗ lực tái đắc cử của Trump, trong bối cảnh chiến dịch tranh cử của nhà lãnh đạo này đang ở vào thời điểm cam go. Vì vậy, ông Trump cần “thổi phồng” để thu hút sự chú ý của cử tri hoặc làm chệch hướng mối quan ngại của họ đối với những vấn đề trong nước.

Shen Yi, Giáo sư về chính trị quốc tế tại Đại học Phúc Đán (Thượng Hải), nhận định rằng ông Trump đã làm được điều mà ông có thể làm để đánh lạc hướng dư luận, cho dù hệ quả như thế nào, để có được sự ủng hộ của cử tri.

Trong khi đó, tờ Global Times dẫn lời người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân kêu gọi Mỹ chấm dứt hành động chính trị hóa các vấn đề kinh tế, cho rằng Washington sẽ rốt cục cảm nhận được tác động gây ra bởi sự coi thường các quy tắc quốc tế và nguyên tắc thị trường.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả