menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Chàng Ngốc Già

Khi lý thuyết không là màu xám (Nobel Kinh tế 2022)

Giải Nobel kinh tế 2022 được trao cho Ben Bernanke, Douglas Diamond, và Philip Dybvig vì những đóng góp của họ trong lĩnh vực nghiên cứu về hệ thống ngân hàng và khủng hoảng tài chính.

Thật trùng hợp là lúc này thế giới đang trải qua một giai đoạn khó khăn và có nhiều lo sợ hệ thống kinh tế sẽ bị khủng hoảng khi hệ thống ngân hàng bị đổ vỡ. Tuy vậy, khung lý thuyết đã được kiểm chứng qua hành động của các ngân hàng trung ương, của các chính phủ đã giúp rất nhiều người hiểu ra được vấn đề và từ đó an tâm hơn.

Từ khung lý thuyết đến kiểm chứng

Diamond- Dybvig đã phát triển một mô hình lý thuyết về khủng hoảng ngân hàng, trong đó giải thích lý do cơ bản vì sao ngân hàng tồn tại và vì sao nó lại rất nhạy cảm với các tin đồn về khả năng bị phá sản. Và mô hình này đã trở thành nền tảng cho việc giám sát ngân hàng hiện đại trong các nền kinh tế.

Chúng ta đều biết vai trò chính của ngân hàng là trung gian giữa bên gửi tiền và bên đi vay. Nhưng câu hỏi đặt ra là tại sao cần phải có ngân hàng? Diamond- Dybvig đã giải thích thông qua mô hình của họ rằng có một sự xung đột lợi ích giữa bên gửi tiền và bên cho vay : bên gửi tiền muốn được rút tiền bất cứ khi nào mình cần và bên đi vay không muốn bị đòi lại trước thời hạn. Khi đó, có một nơi được gọi là ngân hàng xuất hiện và thực hiện vai trò giải quyết xung đột lợi ích này.

Sở dĩ điều này có thể thực hiện được là vì bên gửi tiền xem việc rút tiền trước thời hạn tương tự như việc rút vốn đầu tư trước thời hạn, không giữ được cam kết, và phải chịu thiệt một phần. Nhưng so sánh giữa hai hình thức thì gửi ngân hàng vẫn có lợi hơn vì được bù đắp bởi những người ban đầu có ý định tiết kiệm lâu dài nhưng lại rút ra sớm.

Ở vị trí trung gian, ngân hàng có một vai trò quan trọng hơn là chuyển đổi kỳ hạn (maturity transformation). Theo đó tiền gửi của khách hàng là nợ có kỳ hạn ngắn của ngân hàng được chuyển đổi thành tài sản có kỳ hạn dài là các khoản cho vay. Bên gửi tiền cũng có thể thực hiện các thanh toán trực tiếp từ tài khoản tiền gửi của mình, và đây cũng là lý do mà người ta gọi ngân hàng tạo ra tiền (creating money).

Nhưng cũng chính vì chức năng chuyển đổi kỳ hạn mà ngân hàng trở nên rất mong manh trước những tin đồn phá sản. Khi có nhiều người gửi tiền muốn rút cùng một lúc, đến một mức độ nào đó thì ngân hàng không còn đủ nguồn lực có sẵn để chi trả, và phải bắt buộc thu hồi các khoản cho vay hay đầu tư trước thời hạn. Khi đó tài sản bị bán tháo và ngân hàng có khả năng bị sụp đổ. Và minh chứng rõ nhất là cuộc khủng hoảng tài chính 1929-1933 với sự sụp đổ của hệ thống ngân hàng Mỹ.

Trong khi Diamond- Dybvig dừng ở mô hình lý thuyết vì sao cần phải có ngân hàng, vì sao ngân hàng rất nhạy cảm với tin đồng phá sản, và vì sao ngân hàng cần giám sát bên đi vay chứ bên đi gửi không cần giám sát ngân hàng thì Bernanke cho thấy nếu hệ thống ngân hàng bị sụp đổ thì hệ lụy của nó sẽ rất là nghiêm trọng.

Trước khi có công trình nghiên cứu của Bernanke, nhiều người tin rằng khủng hoảng đã có thể giải quyết nếu ngân hàng trung ương in thêm nhiều tiền. Bernanke cũng đồng ý một phần với nhận định này nhưng cho rằng sự sụp đổ của hệ thống ngân hàng mới là nguyên nhân chính. Khi hệ thống ngân hàng không thể thực hiện được việc chuyển đổi các khoản tiết kiệm sang đầu tư có hiệu quả thì kinh tế sẽ suy sụp.

Nhìn lại cuộc đại khủng hoảng 1929-1933, lúc đầu chỉ là một đợt suy thoái kinh tế vào năm 1929, nhưng qua năm 1930 là cuộc khủng hoảng ngân hàng. Trong vòng 3 năm, số lượng ngân hàng chỉ còn một nửa và phần lớn là do không đáp ứng được yêu cầu rút tiền của người gửi (bank runs). Một cái vòng xoáy tử thần được tạo ra: nhiều người lo sợ rút tiền thì cũng đồng thời với việc gửi tiền vào ngân hàng giảm, và ngân hàng cũng không dám cho vay mới. Thay vào đó, tiền được đầu tư vào những tài sản khác có tính thanh khoản cao chứ không đi vào sản xuất kinh doanh. Và thế giới đã chứng kiện một cuộc suy thoái kinh tế dữ dội nhất trong lịch sử.

Ở một khía cạnh khác, nhiều người cho rằng khủng hoảng ngân hàng là hệ lụy của khủng hoảng kinh tế chứ không phải là nguyên nhân. Nhưng Bernanke qua phân tích các dữ liệu đã cho thấy rằng khủng hoảng ngân hàng dẫn đến khủng hoảng kinh tế và làm cho nó trầm trọng hơn.

Điều mấu chốt ở đây là khi ngân hàng bị phá sản, một nguồn vốn quý của ngân hàng là mối quan hệ với những người đi vay bị cắt đứt. Hơn ai hết, ngân hàng nắm thông tin và hiểu bên đi vay như thế nào, từ lịch sử vay cho đến đảm bảo an toàn vốn vay. Và để có được nguồn vốn này thì cần thời gian chứ không thể một sớm một chiều, cũng như không chỉ là đơn giản chuyển giao cho một bên cho vay khác.

Để sửa chữa và phục hồi lại một hệ thống ngân hàng bị sụp đổ mất rất nhiều thời gian, và trong giai đoạn đó kinh tế sẽ khó vận hành được hết công suất của mình. Và Bernanke đã cho thấy rằng nền kinh tế sẽ không thể hồi phục hoàn toàn khi những hoảng loạn trong ngành ngân hàng chưa kết thúc.

Và áp dụng ngày nay

Cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008-2009 cũng là giai đoạn Ben Bernanke là chủ tịch đời thứ 14 của Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed). Hơn ai hết ông hiểu hậu quả của việc sụp đổ hệ thống ngân hàng và do đó đã áp dụng nghiên cứu của mình trong việc giải cứu hệ thống ngân hàng Mỹ. Và kết quả cho thấy hành động của ông cùng Fed, cũng như một số ngân hàng trung ương khác là đúng đắn.

Cuộc khủng hoảng 1933 khiến cho thu nhập bình quân đầu người của Mỹ giảm 28%, và quay lại mốc năm 1929 sau một thập kỷ. Trong khi đó cuộc khủng hoảng 2009 chỉ làm giảm thu nhập bình quân đầu người 5% và trở lại mốc trước khủng hoảng trong vòng 6 năm. Hơn thế nữa, khủng hoảng 2009 khiến cho 0,6% ngân hàng Mỹ phá sản so với 50% vào năm 1933.

Sức khỏe của hệ thống ngân hàng các nước được chú trọng và củng cố rất nhiều sau cuộc khủng hoảng tài chính 2008-2009, với các quy tắc chặt chẽ về an toàn vốn cũng như quản trị rủi ro hệ thống ngân hàng, với những hệ thống quy định mới như Dodd-Frank Act và Basel II, Basel III.

Tháng 7 vừa qua ở tỉnh Hà Nam (Henan) Trung Quốc, hiện tượng người dân đổ xô rút tiền đã tạo ra một dư chấn không nhỏ và chính quyền đã phải thu xếp ổn thỏa vì họ biết rằng hệ lụy của một sự sụp đổ ngân hàng là rất lớn và khủng khiếp. Bằng mọi giá phải giữ vững sự ổn định của hệ thống ngân hàng.

Điều tương tự cũng mới vừa xảy ra ở Việt Nam khi vụ việc Vạn Thịnh Phát bị đổ bể, áp lực rút tiền của người dân từ ngân hàng SCB là rất lớn. Ngân hàng Nhà nước đã phải lên tiếng đảm bảo quyền lợi cho người gửi tiền, nhất quán với thông điệp mà trước đó một tuần Thống đốc phát đi trong một hội nghị rằng bảo đảm an toàn của hệ thống là mục tiêu hàng đầu của Ngân hàng Nhà nước.

Với giới kinh tế học, công trình đoạt giải Nobel năm 2022 là một điều hiếm hoi khi một khung lý thuyết vĩ mô lại có tính áp dụng thực tiễn cao và nói không ngoa là đã cứu thế giới. Hệ thống ngân hàng luôn là phần huyết mạch quan trọng nhất của một nền kinh tế, và nếu khi nó có vần đề thì phải được xử lý nhanh. Vì nếu không, tốc độ của tin đồn có thể vượt khỏi tầm kiểm soát, và cái giá phải trả sẽ rất là đắt.

----

Bài đăng trên Đầu tư Tài chính sáng nay 17-10-2022

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Chàng Ngốc Già

Bấm theo dõi để nhận thêm nội dung bổ ích từ chuyên gia này.

Tìm hiểu thêm về chuyên gia.

Hãy chọn VIP/PRO hàng đầu để nhận kho bài viết chuyên sâu

Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả