menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Giáng Hoa

Khi lợi nhuận làm hỏng thương hiệu

Johnson & Johnson trở thành hãng dược đầu tiên thua kiện trong vụ chính quyền tiểu bang Oklahoma kiện Johnson & Johnson với cáo buộc cố ý giảm nhẹ mối nguy trong khi nói quá lên lợi ích các loại thuốc giảm đau gây nghiện, được gọi chung dưới cái tên opioids.

Phán quyết này có một tác động to lớn lên ngành dược, bởi hiện nay còn hơn 2.000 vụ kiện như thế trải khắp nước Mỹ, đòi khoảng trên 20 hãng dược phải chịu một phần trách nhiệm trong nạn đại dịch opioids mà nước này đang gánh chịu. Johnson & Johnson hiện được biết đến như một nhà sản xuất các sản phẩm dùng trong gia đình như phấn trẻ em, xà phòng hay băng cá nhân.

Ít ai biết từ những năm 1980, để có nguồn cung cấp thuốc phiện ổn định nhằm sản xuất các loại thuốc giảm đau, Johnson & Johnson mua lại một doanh nghiệp chuyên trồng cây thuốc phiện ở Tasmania ngoài khơi nước Úc. Đến năm 2015 cao điểm của nạn dịch opioids, Johnson & Johnson là nhà cung cấp nguyên liệu làm thuốc giảm đau lớn nhất nước Mỹ. Hãng này còn phát triển một loại cây anh túc đặc biệt để trích xuất nguyên liệu giảm đau chính của loại thuốc OxyContin, loại thuốc bán chạy nhất của hãng Purdue Pharma.

Johnson & Johnson bị cáo buộc là đã dùng những chiêu thức tiếp thị sai lệch, lừa dối. Từ năm 2000-2011, nhân viên bán hàng của hãng này đã tổ chức hơn 150.000 cuộc tiếp thị đến các bác sĩ ở Oklahoma, tập trung vào các bác sĩ ghi toa nhiều. Nhân viên bán hàng được căn dặn tránh xa từ “gây nghiện” và các tác dụng tiêu cực khác khi chào hàng, khuyến khích bác sĩ cho toa thuốc giảm đau do họ sản xuất.

Riêng ở Oklahoma, từ năm 2015-2018 có đến 18 triệu toa thuốc opioid được bác sĩ cấp cho bệnh nhân ở một bang chỉ có 3,9 triệu dân! Tính từ năm 2000 đã có hơn 6.000 vụ tử vong do dùng opioids quá liều tại bang này; hàng ngàn người khác đang nghiện ngập nặng nề. Còn tính trên toàn nước Mỹ, theo tờ Economist, mỗi năm có chừng 70.000 người chết vì các loại ma túy, trong đó năm 2017 có 47.600 vụ tử vong do dùng quá liều opioids!

Trước đó, thương hiệu Johnson & Johnson đã từng bị ảnh hưởng bởi các vụ tai tiếng phấn rôm trẻ em có thể gây ung thư, thuốc chống đột quỵ Xarelto gây xuất huyết nặng... Thất bại trong vụ kiện này có thể là giọt nước làm tràn ly, đè nặng lên uy tín một hãng dược lâu năm. Điều đáng ngạc nhiên là ngay sau ngày có phán quyết, giá cổ phiếu Johnson & Johnson lại tăng nhẹ 1,44%, cho thấy nhà đầu tư thở phào, tưởng đâu mức đền bù cao hơn 572 triệu đô la Mỹ. So với doanh thu năm 2018 của Johnson & Johnson, lên đến 81,6 tỉ đô la Mỹ, mức bồi thường này là không đáng kể.

Trong một tuyên bố sau vụ kiện, Johnson & Johnson cho rằng phán quyết có nhiều sai lầm, rằng thuốc của họ chỉ chiếm chưa đầy 1% các loại opioids bán ở Oklahoma và nước Mỹ. Chuyện họ kinh doanh nguyên liệu thuốc phiện là đúng theo các quy định liên bang, tiểu bang và họ đã bán công ty con này từ năm 2016...

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia luật và y tế đều cho rằng, khi một hãng cung cấp nguyên liệu biết có thể gây hại thì họ phải chịu trách nhiệm công bố thông tin rõ ràng. Một khi họ biết năm 2015 có hơn 326 triệu viên opioids được bán ra tại Oklahoma, tức đủ để chia cho mọi người trưởng thành ở bang này đến 110 viên, thì các hãng phải biết có sự lạm dụng đang xảy ra.

Trước đó, hai hãng dược khác là Purdue và Teva đã dàn xếp ngoài tòa với bang Oklahoma để tự nguyện đền bù 270 triệu đô la Mỹ và 85 triệu đô la Mỹ. Trên quy mô toàn nước Mỹ, theo tin từ New York Times, gia đình Sackler đang thương lượng theo hướng tự nguyện từ bỏ quyền sở hữu hãng Purdue Pharma rồi bỏ thêm 3 tỉ đô la Mỹ tiền túi của gia đình nhằm dàn xếp để khỏi chịu trách nhiệm trong các vụ kiện tương tự vụ kiện Johnson & Johnson.

Theo thỏa thuận, nếu được thông qua, Purdue sẽ từ một công ty do gia đình Sackler làm chủ trở thành một công ty kiểu như công ty công ích, mọi lợi nhuận sau này, kể cả từ loại thuốc opioids nổi tiếng - OxyContin, đều chuyển giao cho các bên kiện, ước tính trị giá các khoản này lên chừng 10-12 tỉ đô la, kể cả 3 tỉ đô la Mỹ tiền túi của gia đình Sackler. Gia đình này còn sẽ bán thêm một hãng dược khác, Mundipharma, và sẽ nộp thêm 1,5 tỉ đô la từ tiền bán được.

Chưa biết hơn 20 hãng dược còn lại sẽ tính toán như thế nào. Chỉ có điều mối lợi nhuận to lớn từ việc bán các loại thuốc gây nghiện đã đẩy họ vào con đường khó tìm lối thoát như hiện nay. Đó là một bài học không hề nhỏ cho các hãng dược khác với các loại thuốc khác.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
2 Yêu thích
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại