Khi khối ngoại biết “nhập gia tùy tục”
Khối ngoại có vẻ như đã cho thấy việc “nhập gia tuỳ tục” khi có những thay đổi trong chiến thuật đầu tư gần đây.
Nội, ngoại phân hóa
Nếu năm 2021 chứng kiến tâm lý hưng phấn quá đà thì năm 2022, trong nhiều thời điểm lại chứng kiến tâm lý hoang mang thái quá của nhà đầu tư khi nhiều nhà đầu tư nội đã thực hiện việc bán tháo cổ phiếu.
Trong khi đó, khối ngoại lại có động thái trái ngược. Dữ liệu thị trường cho thấy, tính chung cả tháng 11/2022, nhà đầu tư nước ngoài mua ròng gần 16.000 tỷ đồng trên thị trường chứng khoán Việt Nam, mức cao nhất kể từ đầu năm. Riêng sàn HOSE, dòng vốn ngoại đổ vào gần 15.000 tỷ đồng.
Điều đáng nói, động thái trong tháng 11 trái ngược hoàn toàn với mấy tháng trước đó. Tính tới cuối tháng 10, khối ngoại bán ròng hơn 3.200 tỷ đồng trên HOSE. Tuy nhiên, sau tháng 11, con số này đảo chiều thành mua ròng hơn 11.700 tỷ đồng.
Trên HOSE, bất động sản, ngân hàng, thép và chứng khoán là nhóm cổ phiếu được chú ý. Khối ngoại đã mua ròng hơn 1.700 tỷ đồng cổ phiếu VHM trong tháng 11, hơn 1.300 tỷ với STB và hơn 1.000 tỷ đồng với mỗi mã KDH, HPG và SSI. Ở chiều ngược lại, một số mã bất động sản như HPX, DXG và NVL bị bán mạnh nhất.
Việc liên tục “bắt đáy” và gia tăng tỷ lệ sở hữu cũng khiến khối ngoại nhanh chóng nâng tầm, trở thành cổ đông lớn ở không ít doanh nghiệp. Chẳng hạn, khi cổ phiếu của Tổng công ty cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (PVS - HNX) giảm 45,4% giá trị, nhóm Dragon Capital đã mua vào để tăng sở hữu. Ngày 24/11, Dragon Capital đã mua vào 1,4 triệu cổ phiếu PVS để nâng sở hữu từ 4,93% lên 5,23% vốn điều lệ. Sau giao dịch, Dragon Capital trở thành cổ đông lớn của doanh nghiệp này.
Dragon Capital cũng đã mua tổng cộng gần 1,2 triệu cổ phiếu của Công ty cổ phần Phân bón Dầu khí Cà Mau (DCM-HOSE) trong phiên 11/11. Sau giao dịch, số lượng cổ phiếu DCM mà Dragon Capital nắm giữ thay đổi từ 26.363.400 đơn vị lên 27.548.100 đơn vị, tương ứng tỷ lệ sở hữu thay đổi từ 4,98% lên hơn 5,2%. Với tỷ lệ sở hữu mới này, nhóm quỹ Dragon Capital đã góp mặt trong danh sách cổ đông lớn của Đạm Cà Mau.
Khối ngoại cũng thích “trading”
Quan sát diễn biến thị trường, nhất là các giao dịch từ khối ngoại, bà Nguyễn Ngọc Linh, Giám đốc tự doanh Công ty Chứng khoán DNSE cho rằng, thị trường chứng khoán tháng 11/2022 xác lập lượng giao dịch kỷ lục của các nhà đầu tư nước ngoài. Khối ngoại mua ròng tổng cộng 714 triệu cổ phiếu, tương ứng giá trị mua ròng 16.911 tỷ đồng. Đây là mức mua ròng trong tháng cao nhất, nếu không kể tháng 5/2018, với giao dịch mua thỏa thuận tỷ đô cổ phiếu VHM. Đáng chú ý, trong động thái mua ròng này có sự tham gia của các dòng tiền mới chảy vào thị trường thông qua các quỹ hoán đổi danh mục.
Tính chung tháng 11, nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng gần 16.000 tỷ đồng trên toàn thị trường, mức giải ngân mạnh hơn cả đợt đáy COVID-19 tháng 6/2020, với khoảng 14.000 tỷ đồng. Lũy kế từ đầu năm đến nay, khối ngoại đã mua ròng với con số rất ấn tượng, thể hiện rõ nét xu hướng mua vào sau 2 năm bán ròng trước đó.
Với câu chuyện dòng tiền lớn, theo bà Linh, trong thời gian hiện tại vẫn chưa xuất hiện đủ yếu tố để dòng tiền lớn có thể quay trở lại ngay lập tức, nhà đầu tư cần quan sát và theo dõi về lợi suất trái phiếu, lãi suất tiền gửi và tín dụng của các ngân hàng trong thời gian tới để đánh giá về thời điểm thích hợp dòng tiền quay trở lại thị trường.
Đánh giá về động thái của khối ngoại, ông Đình Chương, Giám đốc DC Stock cho biết, trong hai năm vừa qua được xem là hai năm bán ròng rất nhiều đến từ khối ngoại. Giá trị bán ròng theo thống kê trong năm 2020 và năm 2021 là 81.000 tỷ đồng. Đây được xem là con số kỷ lục từ trước đến nay. Tuy nhiên, xu hướng bán là vậy, nhưng nhìn về phong cách đầu tư của các quỹ đầu tư nước ngoài đa phần vẫn rót vốn vào các cổ phiếu trong nhóm VN30, đặc biệt là các quỹ ETF chỉ số trong giai đoạn 2 tháng gần đây.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận