Khi "giấy phép nằm trong giấy phép"?
Với các điều kiện kinh doanh tại Việt Nam thì ngay cả những người thành công bên Mỹ như Bill Gates cũng sẽ không làm được gì trong ngành công nghệ thông tin.
Câu chuyện này được bà Nguyễn Minh Thảo, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương chia sẻ khi nhìn về thực chất quá trình cắt giảm điều kiện kinh doanh ở thời điểm hiện tại.
Báo cáo của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương khẳng định chỉ 30% số điều kiện kinh doanh được cắt bỏ thực sự.
Chỉ 30% điều kiện kinh doanh được cắt bỏ thực sự
Khái quát về việc cắt giảm, cải cách điều kiện kinh doanh, bà Thảo cho biết, trong giai đoạn 2017-2019, Chính phủ đã có tới 40 chỉ đạo về việc cắt giảm cải cách điều kiện kinh doanh. “Có lẽ khó có nội dung cải cách nào được Chính phủ quan tâm và chỉ đạo sát sao, liên tục như vậy” - bà Thảo nói.
Chính phủ năm 2018 đã yêu cầu cắt giảm 50% cải cách điều kiện kinh doanh. Về cơ bản các cải cách điều kiện kinh doanh quy định chung chung, thiếu rõ ràng, can thiệp sâu vào hoạt động sản xuất kinh doanh hoặc dễ tạo sự tùy ý trong thực thi đã được cắt bỏ. Nhiều cải cách điều kiện kinh doanh trùng lặp được cắt bỏ, một số cải cách điều kiện kinh doanh được sửa đổi theo hướng giảm bớt yêu cầu, tạo thuận lợi hơn cho doanh nghiệp. Tuy vậy, bà Thảo nói, theo các rà soát độc lập thì kết quả thực chất cắt giảm cải cách điều kiện kinh doanh chỉ đạt khoảng hơn 30% chứ không phải là trên 50% như nhiều báo cáo.
Bên cạnh đó, quay lại với ví dụ về Bill Gates mà bà Thảo kể, thật ra đây không phải là lần đầu tiên những ghi ngại về chất lượng cắt giảm điều kiện kinh doanh được đặt ra.
Là một người theo dõi chặt chẽ quá trình cắt giảm điều kiện kinh doanh ở các bộ ngành bà Thảo chua xót kể rằng nếu Bill Gates mà thành lập và điều hành Microsoft ở Việt Nam thì chắc chắn sẽ không thể được. Đơn giản là vì ông ta không có chứng chỉ, bằng cấp về công nghệ thông tin, không có bằng đại học và khẳng định với những người như Bill Gates thì chỉ có thể thành công ở Mỹ... chứ khó có thể thành công ở Việt Nam.
Dẫn lại thống kê PCI 2018, bà Thảo cho biết có đến 48% doanh nghiệp vẫn phải xin giấy phép con. “Vẫn còn các cải cách điều kiện kinh doanh không cần thiết, bất hợp lý và không đạt hiệu quả quản lý. Thậm chí vẫn còn có những cải cách điều kiện kinh doanh thiếu rõ ràng, có thể dẫn tới sự tùy tiện của cơ quan quản lý nhà nước”, bà Thảo nói.
Bà Thảo còn nói mặc dù các bộ báo cáo đã hoàn thành chỉ tiêu cắt giảm ĐKKD nhưng chưa có báo cáo đánh giá nào của các bộ về hiệu quả và tác động của cách ĐKKD và thiếu giám sát việc tổ chức thực hiện.
Quy định chồng lên quy định
Tiếp tục đưa ra góc nhìn của mình về quá trình cắt giảm điều kiện kinh doanh, nhóm nghiên cứu của CIEM cho biết mức độ cải cách các quy định về điều kiện kinh doanh đang chủ yếu dưới hình thức đơn giản hóa mà ít cắt bỏ, như việc chỉ giảm yêu cầu về số lượng nhân sự, về quy mô diện tích cơ sở vật chất…
Dẫn chứng cụ thể, bà Thảo chỉ ra điều kiện kinh doanh dịch vụ huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động đối với tổ chức huấn luyện, chỉ giảm số người huấn luyện cơ hữu, huấn luyện nội dung chuyên ngành, thực hành từ 5 xuống còn 4.
Với các hình thức sửa đổi, nhiều quy định cũng chỉ mang tính hình thức, câu chữ hơn là thực chất, như điều kiện thành lập nhà xuất bản, sửa quy định “trụ sở của nhà xuất bản có diện tích từ 200 m2 sử dụng trở lên” thành “diện tích phù hợp, đáp ứng quy định của pháp luật về tiêu chuẩn, định mức sử dụng trụ sở làm việc”.
Ngoài ra, những điều kiện kinh doanh khác như đảm bảo yêu cầu về phòng cháy-chữa cháy, an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường… không nêu cụ thể trong các quy định mà dẫn theo pháp luật chuyên ngành.
“Nhiều điều kiện kinh doanh thực hiện cắt bỏ song thực sự không tạo thuận lợi rõ ràng cho doanh nghiệp (như có đủ năng lực hành vi dân sự, phẩm chất đạo đức tốt…) hay một số quy định được tính là cắt bỏ, nhưng thực chất đó là các quy định về quy trình, không phải là điều kiện kinh doanh,” bà Thảo nói.
Chưa dừng lại ở đó, nhóm nghiên cứu của CIEM còn khẳng định các nhà làm chính sách “sáng tạo” việc cắt giảm điều kiện kinh doanh bằng cách gói “điều kiện kinh doanh chứa đựng điều kiện kinh doanh,” hay thực hiện đưa “Giấy phép vào nằm trong Giấy phép”.
Ví như, điều kiện cấp Giấy phép cung cấp dịch vụ phát thanh, truyền hình trả tiền quy định doanh nghiệp cần đáp ứng 8 điều kiện kinh doanh. Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an toàn thực phẩm (áp dụng đối với 23 ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện) là một yêu cầu về điều kiện kinh doanh trong một “bộ điều kiện kinh doanh” áp dụng cho những ngành nghề trên (như để có được Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an toàn thực phẩm thì doanh nghiệp phải có Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an toàn phòng cháy chữa cháy…).
Ở góc nhìn của doanh nghiệp, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), nhận định: “Cải cách điều kiện kinh doanh có thể coi là “thương hiệu” của Chính phủ nhiệm kỳ này. Từ 2016, Chính phủ đã bãi bỏ được hàng ngàn cải cách điều kiện kinh doanh”.
Cũng như bà Thảo, ông Tuấn nói hiện nay việc cắt giảm cải cách điều kiện kinh doanh có thể hoàn thành về mặt số lượng nhưng chất lượng là vấn đề cần bàn. Năm 2019, theo điều tra của VCCI, doanh nghiệp đánh giá cao hơn sự chuyển động về cắt giảm cách điều kiện kinh doanh, tỉ lệ khó khăn trong kinh doanh có giảm đi. Nhưng nếu nhìn lại thì khái niệm cách điều kiện kinh doanh chưa rõ, vẫn còn lẫn lộn giữa cách điều kiện kinh doanh và tiêu chuẩn kỹ thuật.
Cần một cơ quan độc lập trong rà soát chính sách
Chỉ rõ nguyên nhân của thực trạng trên chuyên gia kinh tế Nguyễn Đình Cung đã nói rằng trước đó, vào năm 2017, các nhà chuyên môn kiến nghị cắt bỏ 3/4 các điều kiện kinh doanh chứ không phải cắt giảm và đơn giản hóa. Tuy nhiên, sau đó Chính phủ quyết định cắt giảm ít nhất 50% số điều kiện kinh doanh. Sự cắt giảm này khiến cho mục tiêu cải cách thể chế trở nên mờ nhạt, không rõ ràng.
Theo ông Cung, việc đề xuất cắt bỏ 3/4 các điều kiện kinh doanh là dựa trên căn cứ khoa học để thực hiện và căn cứ thực tiễn về hiệu lực. Các công cụ này tồn tại lâu nay giúp cho các công chức có liên quan lạm dụng, lợi dụng mà thực chất không phải là quản lý.
“Năm 2018, các bộ ngành có sự cắt giảm đúng theo chủ chương của Chính phủ và tạo ra niềm tin với thị trường. Song, thực chất là bao nhiêu tại thời điểm này chưa có cơ sở nào đánh giá. Đơn giản hóa là gì? Đơn giản hóa nghĩa là trên thực tế vẫn tồn tại và có hàng trăm hàng nghìn cách thực hiện. Người làm chính sách có khi chỉ thay cái một tên, bỏ một hồ sơ hay một nội dung nào đó…” - ông Cung thẳng thắn.
Để quá trình cắt giảm điều kiện kinh doanh đi vào thực chất, ông Đậu Anh Tuấn cho rằng các doanh nghiệp, chuyên gia, hiệp hội ngành hàng nên tham gia sâu vào quá trình này.
Về lâu dài, ông Tuấn cho rằng cần có có đơn vị độc lập rà soát, cắt giảm điều kiện kinh doanh. Đồng thời, trong quá trình soạn thảo thông tư, nghị định, luật cần có quy trình kiểm soát chặt chẽ biên bản ra thủ tục hành chính mới. Đặt ra điều kiện kinh doanh mới phải tiến hành thận trọng qua nhiều bước tham vấn, quan sát chặt chẽ và cần có cơ quan thẩm định độc lập thì mới ngăn chặn được tình trạng ra các điều kiện kinh doanh mới không phù hợp.
Ông Tuấn cũng nhấn mạnh, trong quá trình cắt giảm điều kiện kinh doanh, các bộ ngành không nên giao cho các vụ, cục vốn đang thực hiện cấp phép tiến hành chủ trì các chương trình rà soát, ban hành văn bản và cắt giảm. Bởi kinh nghiệm đến thực tiễn cho thấy, đơn vị nào đang được quyền cấp phép, bằng cách này hay cách khác luôn tìm cách giữ lại tư duy cấp phép hay giữ lại điều kiện kinh doanh.
Trong từng bộ, ngành cụ thể, việc chủ trì chương trình cắt giảm nên giao cho những đơn vị độc lập, không thực hiện chức năng quản lý Nhà nước hay cấp phép, có như vậy mới đảm bảo tính khách quan, bền vững.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận