menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Đỗ Nam Trung

Khí đốt tự nhiên là nạn nhân của địa chính trị?

Thị trường khí đốt tự nhiên đã trải qua thời kỳ biến động khó lường trong năm 2021 với tác động tổng lực của vấn đề địa chính trị bất ổn, thời tiết khắc nghiệt và các kế hoạch chuyển đổi năng lượng xanh chưa được triển khai hiệu quả. Phần lớn những điều tương tự sẽ xảy ra trong năm 2022.

Mặc dù Mỹ là nhà sản xuất và xuất khẩu khí đốt lớn, song xu hướng giá cả hàng hóa gia tăng cũng xuất hiện trong những hóa đơn sưởi ấm, góp phần đẩy tỷ lệ lạm phát ở Mỹ hồi tháng 1/2022 lên mức 7,5%, mức cao nhất trong vòng 40 năm qua. Nguy cơ chiến tranh giữa Nga và Ukraine, xung đột tiềm tàng giữa Algeria (nhà cung cấp khí đốt tự nhiên lớn cho châu Âu) và Maroc, và việc cắt giảm đầu tư đối với hoạt động khai thác mới và nâng cấp các cơ sở hạ tầng quan trọng đã để ngỏ khả năng năm 2022 sẽ tiếp tục là năm đầy biến động với nguồn cung khí đốt tự nhiên ngày càng eo hẹp và giá cả leo thang. Vì vậy, có thể nhận định rằng nếu như năm 2021 đã gây ra một cú sốc tâm lý đối với nhà hoạch định chính sách kinh tế và các doanh nghiệp, thì năm 2022 sẽ là một năm để họ tìm kiếm những giải pháp an toàn trước những "cú sốc" bất ngờ mà thị trường khí đốt tự nhiên gây ra.

Khí đốt tự nhiên đã thiết lập một vị trí quan trọng trên bản đồ năng lượng toàn cầu. Đây cũng là một nguồn nhiên liệu chuyển đổi quan trọng đối với nhiều quốc gia; khí đốt tự nhiên sạch hơn than và dầu và sẽ giúp các nước chuyển dịch sang việc sử dụng năng lượng xanh. Ví dụ, ở Mỹ, khí đốt tự nhiên đóng vai trò chủ chốt trong hoạt động tiêu thụ năng lượng của Mỹ, cung cấp hơn 40% nhiên liệu để sản xuất điện năng ở nước này, vượt xa than, dầu, năng lượng hạt nhân và các nhiên liệu khác. Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), khí đốt tự nhiên chiếm khoảng 1/4 sản lượng điện toàn cầu và sau đó tiếp tục được sử dụng trong hệ thống sưởi ấm trong nhà, các hoạt động sản xuất và chiếu sáng đô thị.

Hai năm qua đã đặt ra những thách thức đối với thị trường khí đốt tự nhiên. Cụ thể, giá khí đốt giảm mạnh xuống mức thấp nhất kỷ lục vào năm 2020 do sự kết hợp của nhiều nhân tố, gồm tác động của đại dịch COVID-19 và sự gián đoạn của chuỗi cung ứng, khả năng liên kết lớn hơn giữa các thị trường khí đốt tự nhiên và các dấu hiệu biến động giá năng lượng trong quá trình chuyển đổi năng lượng nhằm dần loại bỏ việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch. Tình hình đã thay đổi trong năm 2021 nhờ sự phục hồi mạnh mẽ của nguồn cầu. Thế nhưng, khi Mỹ và Trung Quốc vội vàng triển khai các biện pháp nhằm phục hồi nền kinh tế của mình, sự phục hồi mạnh mẽ của nguồn cầu đã kéo căng các thị trường nhiên liệu hóa thạch. Một nghiên cứu hồi năm 2021 của Viện Brookings đã chỉ rõ: “Giá cả đang tăng vọt khi cầu vượt cung trong bối cảnh nguồn cung nhiên liệu vẫn chưa phục hồi sau đợt cắt giảm do đại dịch”.

Trong năm 2022, những căng thẳng địa chính trị đang đặt thêm sứ ép đối với thị trường khí đốt tự nhiên. Yếu tố gây áp lực chính là hoạt động tăng quân của Nga sát khu vực biên giới với Ukraine. Mối lo ngại là nếu Moskva tiến hành một cuộc can dự quân sự vào Ukraine, thì hành động đó sẽ làm gián đoạn dòng khí đốt tự nhiên chạy từ Nga sang châu Âu. Nguồn cung khí đốt tự nhiên của Nga chiếm gần 40% nhu cầu năng lượng của châu Âu. Vì vậy, bất kỳ cuộc đối đầu quân sự nào sẽ không có lợi cho sự ổn định giá và nguồn cung khí đốt. Xung đột quân sự cũng sẽ đẩy châu Âu rơi vào một cuộc khủng hoảng năng lượng, đặc biệt là ở Đức với việc nước này phụ thuộc nhiều vào khí đốt tự nhiên của Nga (đường ống Dòng chảy phương Bắc 1 và Dòng chảy phương Bắc 2).

Đã xuất hiện cuộc tranh luận gay gắt về việc liệu Nga sẽ đóng các đường ống dẫn khí đốt tự nhiên sang châu Âu trong trường hợp xảy ra một cuộc chiến với Ukraine hay không. Mặc dù châu Âu phụ thuộc vào Nga về khí đốt tự nhiên (và dầu mỏ), song Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế châu Âu (OECD) đã nhận được 72% lượng khí đốt tự nhiên xuất khẩu của Nga vào năm 2020 (theo EIA). Châu Á chỉ nhận được 11% lượng khí đốt tự nhiên xuất khẩu của Nga, trong đó, Trung Quốc nhận được 5% (mặc dù con số này dự kiến sẽ tăng). Đức là quốc gia nhập khẩu khí đốt tự nhiên nhiều nhất của Nga.

Câu hỏi được đặt ra là: rốt cuộc Nga có thể gánh chịu bao nhiêu tổn thất kinh tế? Việc đánh mất thị trường Đức trong dài hạn sẽ là một đòn giáng mạnh vào nền kinh tế của Nga. Theo một vài cách nào đó, Đức đóng vai trò quan trọng trong việc giải quyết những vấn đề địa chính trị khó khăn của các nước Đông Âu và giúp ổn định giá khí đốt tự nhiên ở châu Âu nói chung. Một cuộc chiến ở phía Đông châu Âu là cơn ác mộng tồi tệ nhất của Đức. Điều này phần nào giải thích sự miễn cưỡng của Berlin trong việc tăng cường hỗ trợ quân sự cho Ukraine và thận trọng trong các hành động chống lại Nga. Moskva chỉ muốn Đức sẽ đóng một vai trò thụ động, mang tính chiếu lệ để tìm cách bảo vệ các lợi ích quốc gia của Berlin (chẳng hạn như xét đến mối quan hệ thương mại song phương và nguồn cung khí đốt tự nhiên của Nga chiếm 55% lượng khí đốt nhập khẩu của Đức).

Mục tiêu của Nga là nhằm tái thiết lập sự can dự chiến lược ở mức độ sâu rộng hơn so với phương Tây đối với một khu vực gồm các quốc gia vùng đệm Đông Âu phụ thuộc vào Moskva. Điều này đồng nghĩa với việc Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) phải cắt giảm sự hiện diện quân sự ở Đông Âu. Mỹ và châu Âu thừa nhận rằng một số quốc gia Đông Âu hiện đã nằm trong quỹ đạo của Nga và rằng Moskva có quyền chi phối và gây ảnh hưởng đối với chính sách đối ngoại và quân sự của các quốc gia đó. Khi xét đến việc Nga đã thành công trong việc theo đuổi các lợi ích quốc gia của mình bằng cách sử dụng vũ lực (can thiệp quân sự ở Gruzia hồi năm 2008 và sáp nhập bán đảo Crimea hồi năm 2014), mối đe dọa về khả năng Nga sẽ hành động quân sự tương tự đối với Ukraine nhằm ngăn cản Kiev gia nhập "gia đình" phương Tây (dù là một phần của NATO hoặc Liên minh châu Âu) đã đẩy căng thẳng địa chính trị lên mức tương tự thời kỳ Chiến tranh Lạnh và đặt ra nguy cơ xảy ra một cuộc chiến có thật Đông Âu.

Ba nguồn khí đốt tự nhiên chính của châu Âu là Nga, Na Uy và Algeria. Mặc dù cả Na Uy và Algeria đều tăng công suất khai thác, song hai nước này không thể bù được việc mất đi nguồn cung của Nga. Hơn nữa, Algeria đang đối mặt với tình trạng bất ổn chính trị. Do đó, hồi tháng 11/2021, Algeria đã đóng cửa một đường ống dẫn khí đốt tự nhiên lớn chạy từ các mỏ khí đốt của nước này qua Maroc đến Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha. Mặc dù tình hình chính trị trong nước của Algeria hiện đang ổn định, song vẫn tiềm ẩn căng thẳng. Hơn nữa, nhu cầu trong nước đối với khí đốt tự nhiên của Algeria đang tăng lên.

Vì vậy, trong năm 2022, châu Âu có thể tiếp tục đối mặt với một cuộc khủng hoảng năng lượng, có thể ảnh hưởng đến sự phục hồi kinh tế toàn cầu. Một phần của vấn đề nằm ở việc các nguồn khí đốt tự nhiên khác không có sẵn. Theo một đánh giá mà Standard & Poor’s công bố hồi tháng 1/2022, thị trường khí đốt tự nhiên sẽ không mấy sáng sủa nếu Nga dừng xuất khẩu khí đốt sang châu Âu. Trong khi đó, nguồn cung khí đốt của Libya, Ai Cập hay Qatar đều hạn hẹp do vấp phải những khó khăn liên quan đến những khó khăn nội bộ hoặc khó khăn trong quá trình đàm phán. Những khó khăn tương tự cũng xảy ra đối với nhà xuất khẩu Mỹ và Australia. Mặc dù Australia được mệnh danh là nhà xuất khẩu LNG lớn nhất thế giới, đạt mức xuất khẩu LNG cao kỷ lục vào năm 2021 và sắp đạt đỉnh trong hoạt động sản xuất song doanh số bán hàng của Canberra chủ yếu tập trung vào các quốc gia ở châu Á, chứ không phải châu Âu. Mặc dù Mỹ là nhà xuất khẩu LNG chủ chốt cho châu Âu, song bản thân Mỹ cũng đang đối mặt với cuộc khủng hoảng năng lượng trong nước.

Theo National Interest

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả