24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Hoàng Duy Thịnh
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Khi con nợ quên nguyên tắc “có vay có trả”

Tự dưng vay xong quên mất cách trả!

Thị trường tài chính tiêu dùng hiện nay đang bị bóp méo bởi các ứng dụng cho vay gây nhầm lẫn và xu hướng người vay vi phạm nguyên tắc “có vay có trả” ngày một nhiều. Khi mục đích hỗ trợ tài chính cho người khó khăn bị xô lệch, các quy định kiểm soát thu hồi nợ ngày một nghiêm ngặt đang khiến các công ty tài chính bị động với các khoản nợ xấu ngày một phình to.

Công ty tài chính với áp lực nặng nề về nghiệp vụ

Sự nhiễu loạn trên thị trường cho vay cá nhân thời gian qua khiến cho việc thiết lập, chuẩn chỉnh quy trình hoạt động của các công ty tài chính gần như vô hiệu. Ngoài việc bị đánh đồng thì các quy định siết chặt thu hồi đã phần nào tác động đến hành vi trả nợ của khách hàng, gây khó khăn cho công tác thu hồi nợ. Thậm chí, nhiều khách hàng thách thức, đe dọa gây tâm lý hoang mang với các nhân sự thu hồi nợ của công ty tài chính.

Theo bà Hồ Thị Như Hà, Phó tổng giám đốc Công ty Tài chính Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng SMBC (FE Credit), quy trình đào tạo nhân viên thu hồi nợ tại doanh nghiệp rất khắt khe và áp dụng kỷ luật rất nặng với những sai phạm. Bất cứ nhân viên nào không đảm bảo chất lượng thu hồi nợ, vi phạm các quy tắc của công ty hoặc không vượt qua các bài kiểm tra định kỳ đều lập tức bị rút bằng và chấm dứt hợp đồng.

“Tuy nhiên dưới góc độ nghiệp vụ, dù thiết lập được quy trình hoạt động chuẩn thì nhân viên vẫn rất khó để chịu áp lực từ dư luận. Doanh nghiệp đã động viên rằng nhân viên không cần hoảng loạn khi làm đúng quy định. Tuy nhiên, nhiều nhân viên vẫn xin nghỉ việc vì bị ám ảnh trước nhiều sức ép”, bà Hà cho hay.

Hiện nay, khách hàng đang có xu hướng tiêu cực hóa trên thị trường tài chính tiêu dùng dưới cả góc độ chủ quan lẫn khách quan. Về chủ quan, có đối tượng gian lận lừa đảo, có những đối tượng cổ xúy trên truyền thông về quỵt nợ… Ở góc độ khách quan, có nhóm khách hàng bị ảnh hưởng bởi Covid-19 mất khả năng trả nợ, còn khách hàng tốt vốn đã hiếm rồi còn bị thu hẹp bởi cạnh tranh…

Đại diện FE Credit nhìn nhận, diễn biến này dẫn đến nguy cơ các nhóm khách hàng chuyển dịch ngày một xấu hơn. Trong bối cảnh hiện nay, khách hàng rất dễ hình thành suy nghĩ tại sao mình phải trả nợ trong khi nhiều đối tượng không trả nợ vẫn không bị phạt gì?

Doanh nghiệp phải đứng trước câu hỏi về việc có nên tiếp tục cho vay với những đối tượng này không? Nếu công ty không tiếp tục cho vay thì nhân viên sẽ mất việc nhiều. Ngân hàng chính thống không dám cho vay, các tổ chức tín dụng đen sẽ nhân cơ hội để bùng lên.

Việc cấm các đơn vị thu hồi nợ, trong khi đó là nhu cầu cấp thiết của nhiều đơn vị, đã thực sự tạo áp lực lớn lên nghiệp vụ thu hồi công nợ. Nhiều khách hàng đang suy nghĩ rằng "đi đòi nợ là bất hợp pháp".

Hầu hết công ty tài chính cho biết tình trạng khách hàng từ chối cuộc gọi thu nợ, thậm chí từ chối trả nợ tăng lên rất nhiều. Tuy vậy, chế tài với các khách hàng kiểu này chưa cao trong khi việc khởi kiện rất khó thực hiện với các khoản vay giá trị thấp. Điều này đẩy doanh nghiệp vào tình thế phải dừng cho vay mới để bảo toàn vốn, hạn chế rủi ro.

Thực tế cho thấy, thị trường cho vay tiêu dùng đang bị “pha loãng” bởi các hoạt động núp bóng, mạo danh, rồi thu nợ bằng cách "ném đá giấu tay" qua các công ty đòi nợ "khủng bố". Sự lệch lạc này về lâu dài khiến cho các công ty tài chính xây dựng được quy trình chuẩn cũng rơi vào trạng thái “không dám cho vay và không thể đòi nợ”.

Cần sự chung tay để ‘gạn đục khơi trong’

Các công ty tài chính tiêu dùng đều thống nhất quan điểm cơ quan bảo vệ pháp luật trấn áp việc thu hồi nợ manh động hay đòi nợ kiểu xã hội đen là rất đúng. Nhưng thực tế, các công ty tài chính tiêu dùng quan ngại nhất là câu chuyện thu hồi nợ, bởi tỷ lệ chây ì trả nợ rất cao. Trong tình cảnh này, họ cần đồng lòng và có trách nhiệm với nhau để đi trên một con đường chung ngày một tích cực hơn.

Tại một cuộc thảo luận cùng nhau mới đây, các công ty tài chính được cấp phép cho rằng cũng sẽ phải rà soát, chấn chỉnh lại toàn bộ hoạt động thu hồi nợ, bao gồm làm lại quy trình, xây dựng đội ngũ in-house với trình độ cao kèm với đó là công tác đào tạo, truyền thông liên tục. Để mọi việc trở nên rõ ràng hơn, các công ty sẽ phối hợp với nhau để đẩy mạnh truyền thông nội bộ, xây dựng các chương trình truyền thông chung trong ngắn hạn và dài hạn dưới sự hỗ trợ từ phía Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam.

Phía cơ quan quản lý cần tiếp tục rà soát, hoàn thiện các văn bản quy định về hoạt động cho vay phục vụ nhu cầu đời sống, cho vay tiêu dùng; Hoàn thiện hành lang pháp lý hướng dẫn việc ứng dụng công nghệ thông tin, số hóa hoạt động tín dụng tiêu dùng; Tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi để các công ty tài chính tiêu dùng phát triển mở rộng hoạt động tín dụng tiêu dùng lành mạnh.

Các cơ quan chức năng cũng cần đẩy mạnh truyền thông về các cơ chế, chính sách tín dụng ngân hàng đến mọi tầng lớp nhân dân, giúp người dân, doanh nghiệp hiểu về lợi ích tín dụng từ các kênh cung cấp tín dụng chính thức, từ đây góp phần chuyển tải vốn tín dụng đến người dân một cách hiệu quả nhất, cũng như giúp họ nhận thức được các hệ lụy, hậu quả của “tín dụng đen”.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả