Khi bất động sản "đứng bên lề" cuộc giải cứu của ngân hàng
Nhiều ngân hàng lớn lại tiếp tục giảm lãi suất cho vay và bổ sung gói tín dụng lãi suất ưu đãi hỗ trợ người dân và doanh nghiệp bị ảnh hưởng của dịch bệnh. Tuy nhiên, cũng như đợt trước, ngân hàng tiếp tục loại “loại” chứng khoán và bất động sản ra khỏi danh sách này.
Cụ thể, các ngân hàng lớn cho biết sẽ tiếp tục giảm lãi suất và bổ sung gói tín dụng lãi suất ưu đãi 4%/năm hỗ trợ người dân và doanh nghiệp bị ảnh hưởng của dịch bệnh. Tập trung ưu tiên các khách hàng tại các tỉnh, thành phía Nam đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16. Tuy nhiên, lần này cũng như đợt giảm lãi suất tháng 7/2021, ngân hàng không áp dụng với các khoản vay chứng khoán, vay kinh doanh BĐS. Như vậy có thể thấy, chứng khoán và BĐS bị đứng bên lề công cuộc giải cứu doanh nghiệp của Ngân hàng.
Chia sẻ về vấn đề này, đại diện cho hàng trăm doanh nghiệp BĐS, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM thừa nhận, sau hơn một năm rưỡi chống chọi đại dịch Covid-19, nỗ lực tự cứu mình, cho đến nay hầu hết các doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp BĐS đã dần kiệt sức, thậm chí có một số lâm vào cảnh sức cùng lực kiệt, nguồn lực bị bào mòn, có nguy cơ bị phá sản. “Thiếu dòng tiền đang là khó khăn trực tiếp và đáng quan ngại nhất hiện nay, doanh nghiệp bị ngộp thở do không còn tiền trả lãi vay, trả nợ, duy trì bộ máy, hỗ trợ, giữ chân người lao động. Dự án không thể triển khai đúng tiến độ, công trình xây dựng phải dừng, không có sản phẩm bán, giao dịch theo đó giảm mạnh, doanh số bán hàng rơi thẳng đứng, không thể huy động được vốn như trước đây”, ông Châu cho hay.
Đứng trên lập trường doanh nghiệp BĐS, bà Hương Nguyễn, TGĐ Đại Phúc Land cho rằng, doanh nghiệp BĐS luôn có mối quan hệ gắn kết chặt chẽ với các ngân hàng thông qua các chương trình vay vốn đầu tư và phát triển dự án trong trung và dài hạn. Các khoản vay BĐS chiếm tỷ trọng không nhỏ trong cơ cấu tín dụng của các ngân hàng và mang lại phần lợi nhuận khá lớn cho ngân hàng trong suốt thời gian vừa qua. Dịch bệnh kéo dài lần này ảnh hưởng trực tiếp đến các doanh nghiệp BĐS gây ra giảm sút nghiêm trọng về doanh thu và dòng tiền của các doanh nghiệp này dẫn đến việc không đảm bảo được khả năng thanh toán các khoản vay đến hạn.
Theo đó, việc áp dụng chính sách ưu đãi lãi suất cho các khoản vay chứng khoán, BĐS là cần thiết. BĐS cũng là lĩnh vực trọng yếu đóng góp vào sự tăng trưởng kinh tế và tác động đến hơn 200 ngành nghề liên quan. Vì vậy không có lý do gì mà lại các khoản vay BĐS nằm ngoài danh mục được hưởng chính sách hỗ trợ về lãi suất vừa được công bố của các nhân hàng.
Thị trường BĐS các tháng vừa qua đang đối mặt với thách thức và khó khăn chưa từng có do dịch bệnh gây ra. Giãn cách xã hội kéo dài trên nhiều tỉnh thành khiến doanh nghiệp buộc phải đóng cửa, chuyển sang chế độ làm việc tại nhà hoặc tạm dừng hoạt động. Từ quý 2/2021 đến nay, doanh nghiệp BĐS bán hàng khó khăn, không có doanh thu, dòng tiền sụt giảm mạnh, trong khi vẫn phải duy trì hoạt động bộ máy. Nhiều doanh nghiệp đã phải cắt giảm nhân sự và giảm lương từ 20-30% để duy trì bộ máy. Tính riêng 4 tháng đầu năm 2021, có tới 842 doanh nghiệp BĐS tạm dừng hoạt động, 345 doanh nghiệp BĐS hoàn tất thủ tục giải thể. Nếu không có sự hỗ trợ từ giãn, giảm nợ hoặc lãi vay thì doanh nghiệp sẽ rất khó khăn.
Bàn về vấn đề BĐS bị 'loại' khỏi danh sách ưu đãi lãi suất của các ngân hàng trong khi đây là một trong những ngành chịu ảnh hưởng nặng nề nhất trong 2 năm qua, Luật sư Nguyễn Văn Lộc (Chủ tịch LP Group) cho rằng, chính sách trên của các ngân hàng là không hợp lý và thiếu công bằng. Mặc dù việc quyết định lãi suất tùy thuộc vào các ngân hàng để ưu tiên cho các nhóm khách hàng của mình, nhưng hãy dựa vào sự ổn định kinh tế vĩ mô và bối cảnh dịch bệnh đang diễn ra để xem xét lại.
Luật sư đưa ra quan điểm, BĐS đóng góp rất lớn vào khoảng ngân sách để đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô và tăng trưởng tín dụng khi các ngành sản xuất và dịch vụ khác bị ảnh hưởng nặng bởi dịch bệnh. Chính phủ giao cho Ngân hàng Nhà nước “thực hiện chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách khác để bảo đảm thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế và góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Để làm được điều đó, ngân hàng cần tạo mọi điều kiện để giữ ổn định thị trường bất động sản đang khó khăn
“Ngoại trừ nhóm các doanh nghiệp bất động sản đang có sản phẩm bán ra trong mùa dịch, đa số còn lại sẽ chịu tác động kép nếu trong trường hợp ngân hàng không hỗ trợ lãi suất. Nghị định 52/2021/NĐ-CP vừa qua không xếp doanh nghiệp bất động sản là ngành sản xuất là điều bất hợp lý. Xét thực tế, ngoại trừ đất hoang hóa bỏ trống, có loại đất nào đang không tham gia vào quá trình sản xuất để tạo giá trị xã hội? Không thể xác định kinh doanh bất động sản là ngành dịch vụ như hiện nay để máy móc áp dụng loại BĐS ra các chính sách ưu đãi. Vì lẽ vậy, chính sách tiền tệ ở thượng tầng phải công bằng và thống nhất với tất cả các nhóm doanh nghiệp, đó là chưa kể phải ưu tiên vì lĩnh vực BĐS đóng góp nguồn thu lớn nhất cho hệ thống ngân hàng”, Luật sư Nguyễn Văn Lộc nhấn mạnh.
Trước thực trạng trên, chuyên gia cho rằng, nếu các doanh nghiệp BĐS gặp khó khi không còn giải pháp nào khả quan, họ có cơ sở để thay đổi chính sách với đối tác và khách hàng theo hướng người mua cùng chia sẻ rủi ro, khó khăn với mình. Người mua nhà hay người vay cho mục đích bất động sản gặp khó khăn, từ đó ảnh hưởng chung đến hàng triệu người. Ngân hàng Nhà nước nên cho phép các tổ chức tín dụng, ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được chủ động xem xét quyết định việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ của doanh nghiệp, bao gồm doanh nghiệp BĐS. Xem xét cho khách hàng được vay vốn mới, sẽ hỗ trợ thiết thực hơn cho các doanh nghiệp địa ốc bị ảnh hưởng bởi đại dịch để dần phục hồi sản xuất, kinh doanh trong điều kiện bình thường mới.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận