Khi áp lực công việc khiến bạn 'bị đóng băng'
Nhiều người từng trải qua tình huống công việc chất đống như núi, deadline đã rất cận kề nhưng không sao bắt tay vào làm việc được.
Đây là hiện tượng "Task paralysis", khi một người cảm thấy bế tắc và rơi vào trạng thái tê liệt do choáng ngợp trước khối lượng hay tầm quan trọng của công việc. Bạn không biết phải bắt đầu như thế nào và não bạn gần như dừng hoạt động.
Tiến sĩ Ellen Hendriksen, giáo sư tại Trung tâm Lo âu và Rối loạn trường Đại học Boston (Mỹ), giải thích rằng hiện tượng này phát sinh khi chúng ta xem những việc trước mắt là mối đe dọa.
"Với một danh sách công việc quá lớn, mối đe dọa đó có thể đến từ việc sợ thất bại hay khiến người khác thất vọng. Hoặc từ việc cảm thấy ngu ngốc hoặc kém cỏi vì chúng ta không biết bắt đầu từ đâu hay làm mọi việc như thế nào", giáo sư nói.
Trải nghiệm này có thể xảy ra với bất kỳ ai, đăc biệt với những người cầu toàn. "Nếu chúng ta nghĩ rằng giá trị bản thân phụ thuôc vào kết quả công việc, thì những gì chúng ta phải làm sẽ trở nên khó khăn hơn nhiều", Hendriksen chia sẻ.
Sau đây là 1 số lời khuyên của chuyên gia giúp bạn thoát khỏi trạng thái tê liệt này và hoàn thành công việc.
Chia nhỏ công việc
Trước hết, hãy chia công việc thành những phần việc nhỏ hơn với những giới hạn cụ thể như địa điểm làm việc hay khoảng thời gian để hoàn thành. Ví dụ việc dọn bếp có thể chia thành những việc như rửa bát, lau bàn, quét nhà.
Sau đó bắt tay vào làm việc, không quan trọng việc nào. Nhiều khi công việc lớn đến mức bạn không biết phải bắt đầu từ đâu nên thành ra chẳng biết phải làm gì, nhưng một khi đã bắt tay vào làm việc, bạn sẽ dần thấy rõ những gì cần phải làm.
Khích lệ bản thân
Quan trọng là phải bắt đầu làm một cách có chiến lược. Bạn có thể chọn việc mình thích, hay những việc nhỏ và dễ trước vì cảm giác thành công khi hoàn thành những công việc đó sẽ giúp tạo tự tin và động lực để tiếp tục.
Joseph Ferrari, giáo sư tâm lý học tại Đại học DePaul (Mỹ) cho lời khuyên: "Hãy dùng việc bạn thích để thưởng cho việc bạn không thích làm". Ví dụ: Nếu có một email quan trọng mà bạn cứ trì hoãn việc gửi, hãy tự thưởng cho mình mười phút thoải mái ngồi lướt báo sau khi bạn gửi xong.
Đừng trốn tránh
Trước tiên, hãy loại bỏ những yếu tố gây xao nhãng để giúp bạn tập trung vào công việc trước mắt, như cất điện thoại, dọn dẹp bàn làm việc và đặt hẹn giờ. Không nên để tình trạng tê liệt của bạn biến thành sự trì hoãn.
Piers Steel, giáo sư về hành vi tổ chức và nguồn nhân lực tại Đại học Calgary cho biết, sự phân tâm và trì hoãn thường đi đôi với nhau, và ở một môi trường nơi xung quanh đều là cám dỗ thì bạn sẽ ngày càng trì hoãn nhiều hơn.
Khi trốn tránh công việc, bạn sẽ có xu hướng tiếp tục làm vậy trong tương lai, đồng thời dần tin vào hai suy nghĩ sai lầm: rằng đây thực sự là một mối đe dọa và bạn không có khả năng làm được.
Chúng ta cần đối mặt với lo âu và học cách thuyết phục bản thân rằng mọi việc không tệ như mình lo lắng. Bằng cách thực hiện những điều trên, chúng ta có thể khắc phục tình trạng "đứng hình" trước áp lực công việc và quản lý ngày của mình hiệu quả hơn.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận