"Khen" các ngân hàng có lợi nhuận tốt, Thủ tướng chỉ đạo "nóng"
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, một số ngân hàng đã thực hiện tốt công tác quản trị, hoạt động, kinh doanh hiệu quả nên có được lợi nhuận khả quan và kêu gọi các ngân hàng nỗ lực tiết giảm chi phí, phấn đấu giảm lãi suất cho vay để chia sẻ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp, khách hàng.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa có buổi làm việc với lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và lãnh đạo các ngân hàng thương mại (NHTM).
Tích cực hỗ trợ người dân, doanh nghiệp
Báo cáo tới Thủ tướng Phạm Minh Chính, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết, trong thời gian qua NHNN điều hành tín dụng hỗ trợ phục hồi tăng trưởng kinh tế nhưng không chủ quan với rủi ro lạm phát trên cơ sở điều hành hạn mức tín dụng đặt ra 14%.
Đến nay kết quả tín dụng tăng khá nhanh, đến hết tháng 6/2022 tăng 9,42% so với cùng kỳ (năm 2021 tăng 6,64%).
Đặc biệt, trước khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, trong suốt 2 năm qua, NHNN đã ban hành nhiều chính sách đồng hành cùng doanh nghiệp.
Có thể kể đến như việc thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi phí, giữ nguyên nhóm nợ cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch (theo Thông tư 01/2020/TT-NHNN và các Thông tư sửa đổi, bổ sung).
Lũy kế đến cuối tháng 6/2022, các TCTD đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ trên 722 nghìn tỷ đồng cho hơn 1 triệu khách hàng hưởng lợi chính sách này; miễn, giảm lãi, giữ nguyên nhóm nợ hơn 92 nghìn tỷ đồng cho gần 562 nghìn khách hàng.
Giảm lãi suất từ nguồn lực của các TCTD trong suốt 2 năm đến nay khoảng 50 nghìn tỷ đồng - là chính sách thiết thực đối với doanh nghiệp, người dân trong giai đoạn phòng chống dịch vừa qua.
Đối với dư nợ hiện hữu và các khoản cho vay mới, đến cuối tháng 6/2022, tổng số tiền lãi các TCTD đã giảm, hạ cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 là khoảng 50 nghìn tỷ đồng.
Tính đến hết tháng 6/2022, tổng số phí các TCTD đã miễn/giảm cho khách hàng là 8.630 tỷ đồng. Ngoài ra, còn dành nguồn lực tái cấp vốn để ngân hàng Chính sách Xã hội cho vay trả lương cho người lao động bị ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất…
Riêng đối với hoạt động tín dụng về nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, nhà ở cho người thu nhập thấp dư nợ đến nay là 24.302 tỷ đồng.
Xây dựng cơ chế, chính sách để các ngân hàng tự nguyện, tự giác tham gia, thực hiện những đề nghị và kêu gọi của Thủ tướng Chính phủ
Ghi nhận những đóng góp của ngành ngân hàng, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chúc mừng các NHTM tham dự cuộc làm việc đã hoạt động, kinh doanh hiệu quả trong bối cảnh vừa qua và có lợi nhuận tốt.
Thủ tướng cho rằng, trong môi trường điều kiện như nhau, một số ngân hàng đã thực hiện tốt công tác quản trị, hoạt động, kinh doanh hiệu quả nên đã có được được lợi nhuận khả quan.
Tuy nhiên, thời gian tới những khó khăn, thách thức là rất lớn do áp lực lạm phát, nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng, thu hẹp thị trường…
Trước bối cảnh đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính kêu gọi các NHTM nỗ lực tiết giảm chi phí, phấn đấu giảm lãi suất, chi phí cho vay, chia sẻ khó khăn, rủi ro, hỗ trợ doanh nghiệp, khách hàng và nền kinh tế trong bối cảnh rất khó khăn, thách thức hiện nay.
Thứ hai, các ngân hàng chủ động, tích cực hơn nữa trong tham gia các chính sách, chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của Đảng và Nhà nước, đặc biệt là tín dụng phát triển nhà ở cho công nhân, người thu nhập thấp.
Nhấn mạnh quan điểm "hài hòa lợi ích, chia sẻ rủi ro", cân bằng lợi ích giữa Nhà nước, người dân và doanh nghiệp, Thủ tướng nêu rõ, các ngân hàng hoạt động trong một hệ sinh thái chung của nền kinh tế. Vì vậy, đất nước có ổn định, phát triển, nhân dân có hạnh phúc, ấm no thì các ngân hàng mới phát triển bền vững. Người dân và doanh nghiệp là một phần quan trọng hệ sinh thái của ngành Ngân hàng.
"Chúng ta không thể sống một mình, đi một mình, người ta nói là muốn đi nhanh thì đi một mình, muốn đi xa thì đi cùng nhau. Các ngân hàng tồn tại và phát triển được như ngày nay nhờ nỗ lực nội tại là chính, nhưng cũng nhờ đất nước ta bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, giữ vững môi trường hòa bình, hợp tác, ổn định và phát triển, thực hiện đường lối hội nhập và đối ngoại đúng đắn, phù hợp, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ. Ngược lại, nếu nền kinh tế không ổn định, phát triển, đời sống người dân không được bảo đảm, thì các ngân hàng cũng không đang tâm, không yên tâm và khó có thể phát triển", Thủ tướng Phạm Minh Chính nói.
Thủ tưởng Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo tại Ngân hàng Nhà nước. (Ảnh: SBV)
Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng giao NHNN xây dựng cơ chế, chính sách để các ngân hàng tự nguyện, tự giác tham gia, thực hiện những đề nghị và kêu gọi của Thủ tướng Chính phủ, trên tinh thần phát huy đạo đức kinh doanh, trách nhiệm xã hội và tình cảm với quê hương, đất nước, nhân dân, bảo đảm thực hiện một cách bài bản, thống nhất, hiệu quả, người dân, doanh nghiệp và đất nước được thụ hưởng, không ảnh hưởng tới ổn định kinh tế vĩ mô, lan tỏa tinh thần nhân văn cao cả tới toàn xã hội.
Về phía các NHTM, ông Đỗ Minh Phú – Chủ tịch TPBank cho rằng, ngành Ngân hàng có vai trò là huyết mạch của nền kinh tế, nếu hoạt động ngân hàng không hiệu quả thì sẽ ảnh hưởng không tốt tới cả nền kinh tế.
Trong 6 tháng đầu năm 2022, một số NHTM đạt được kết quả kinh doanh tốt nhờ việc ngày càng quản lý tốt hơn hoạt động của mình, đặc biệt là các khoản nợ xấu nên giảm được việc trích lập dự phòng rủi ro.
Một số ngân hàng cũng xử lý được các khoản nợ ngoại bảng đã góp phần vào bảng cân đối và lợi nhuận ngân hàng.
Đặc biệt, các ngân hàng đi đầu trong chuyển đổi số nên đã tiết giảm được chi phí hoạt động. Đây là biểu hiện rất tích cực của ngành Ngân hàng thực hiện chủ trương chuyển đổi số của Đảng và Nhà nước.
Nhiều ngân hàng có kết quả kinh doanh tích cực trong 6 tháng đầu năm. (Ảnh: LT)
Ông Nguyễn Đức Vinh - Tổng giám đốc VPBank cũng cho rằng, một số ngân hàng đạt lợi nhuận tốt là nhờ chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và sự phục hồi nhanh chóng của nền kinh tế.
Hưởng ứng lời kêu gọi của Thủ tướng Chính phủ và Thống đốc NHNN, ông Nguyễn Đức Vinh cho biết, VPBank đã và đang thực hiện nhiều chương trình hỗ trợ an sinh xã hội và cam kết sẽ tích cực tham gia chương trình tín dụng về nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, nhà ở cho người thu nhập thấp đã được Thủ tướng Chính phủ phát động.
Trước chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết ngành Ngân hàng trong đó có Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam sẽ tiến hành họp bàn, mỗi ngân hàng có đặc thù khác nhau và cách thức hỗ trợ khác nhau nhưng sẽ có báo cáo của các ngân hàng đăng ký tham gia. Thống đốc cũng đề nghị lãnh đạo các ngân hàng tích cực triển khai, "nói đi đôi với làm" trong thời gian tới. |
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận