“Khe cửa hẹp” giúp Trump chiến thắng bứt phá trong bầu cử Mỹ 2020
Tổng thống Trump đang tranh thủ mọi cánh cửa cơ hội để tìm kiếm nhiệm kỳ thứ 2 ở Nhà Trắng dù phải đối mặt với các cuộc khủng hoảng làm nước Mỹ sục sôi.
“Khe cửa hẹp” giành chiến thắng của ông Trump
Với việc tuyên bố là "Tổng thống của Pháp luật và Trật tự", cũng như cứng rắn với những người biểu tình, Donald Trump cũng đang tranh thủ mọi cánh cửa cơ hội để tìm kiếm một nhiệm kỳ thứ 2 ở Nhà Trắng.
Những vùng ngoại ô - không phải các bang đỏ (bang ủng hộ đảng Cộng hòa) với dân cư thưa thớt hơn thường dành nhiều sự ủng hộ nhất cho ông Trump và là những nơi mà ông Trump nhận được đa số phiếu bầu vào năm 2016. Tuy nhiên, cũng chính những vùng ngoại ô này đã giúp đảng Dân chủ giành được đa số ghế tại Hạ viện cách đây 2 năm trong cuộc bầu cử giữa kỳ.
Hiện nay, hướng giải quyết của Tổng thống Trump với những vụ bạo lực và tình trạng bất ổn tại những thành phố lớn của nước Mỹ cho thấy ông đang nhằm tìm cách giành lại sự ủng hộ ở các khu vực ngoại ô này. Tổng thống Trump muốn thể hiện những điều mà các cử tri vùng ngoại ô muốn thấy ở ông, đó là một Tổng thống hành động mạnh mẽ chống lại những kẻ vô trật tự, biểu tình bạo lực và làm rối loạn xã hội.
Ông Trump đã viết trên Twitter hôm 2/6 rằng: "Bây giờ Biden giả vờ rằng ông ta đã có câu trả lời. Ông ta thậm chí còn chẳng biết câu hỏi. Sự yếu đuối không bao giờ có thể đánh bại được những kẻ vô chính phủ, hôi của, du côn và Joe vẫn yếu kém về chính trị trong suốt cuộc đời ông ấy. LUẬT PHÁP VÀ TRẬT TỰ!"
Tổng thống Trump và chiến dịch truyền thông của ông cũng cáo buộc đảng Dân chủ không quyết liệt với tội phạm và tình trạng mất trật tự xã hội với mục đích khôi phục sự ủng hộ các cử tri từng đứng về phía ông Trump nhưng sau đó đã quay lưng lại với ông trong cuộc bầu cử giữa kỳ năm 2018.
Thành phần “đa số im lặng”
5 tháng trước khi cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2020 diễn ra, theo các cuộc khảo sát toàn quốc, bức tranh chính trị của Tổng thống Trump dường như khá ảm đạm. Nhưng rõ ràng, vẫn có một cánh cửa cơ hội để giành chiến thắng bởi Tổng thống Trump vẫn duy trì được sự ủng hộ ở những vùng nông thôn nước Mỹ, những nơi ông từng giành chiến thắng phần lớn nhờ vào sự ủng hộ của các cử tri da trắng chưa tốt nghiệp đại học với cách biệt 4 điểm vào năm 2016.
Có hàng triệu cử tri tiềm năng, những người có quan điểm tương đồng với Tổng thống Trump nhưng không đi bỏ phiếu. Họ sống ở những khu vực nông thôn và ngoại ô. Họ được đảng Cộng hòa gọi là thành phần "đa số im lặng", tức là những cử tri bất mãn với hành vi bạo lực của cảnh sát nhưng không tham gia biểu tình.
Riêng tại bang Minnesota, bang có đa số là thành viên đảng Dân chủ - nơi ông Floyd bị cảnh sát ghì chết và làm dấy lên những cuộc biểu tình lan rộng khắp nước Mỹ, ước tính có khoảng 250.000 cử tri da trắng chưa tốt nghiệp đại học đủ điều kiện bỏ phiếu nhưng không đăng ký - nhiều hơn gấp 5 lần số phiếu ông Trump cần có để bằng số phiếu của bà Hillary Clinton tại bang này vào năm 2016.
"Đây là điều khiến tôi trăn trở. Tôi cho rằng trong cuộc bầu cử trước đây, những người ủng hộ Tổng thống nhưng đã không đi bỏ phiếu nhiều hơn những người phản đối ông ấy không đi bỏ phiếu. Đó là cách ông ấy sẽ chiến thắng lần này", Pete Giangreco, một chiến lược gia đảng Dân chủ làm việc trong 9 chiến dịch tranh cử Tổng thống nhận định.
Nhà chiến lược này cũng cho rằng Tổng thống Trump đang "tranh thủ họ" và thổi bùng lên ngọn lửa chia rẽ để giành được một nhiệm kỳ nữa ở Nhà Trắng. Hiện vẫn chưa rõ ông Trump có thể mở rộng cơ sở cử tri bằng cách nào bởi các khu vực nông thôn hầu như có rất ít cử tri đi bỏ phiếu.
Dù vậy, nhiều thành viên đảng Dân chủ vẫn tin rằng ông Joe Biden đang và sẽ làm tốt hơn bà Hillary Clinton. Cựu Phó Tổng thống Mỹ đã giành được sự ủng hộ của các cử tri lao động da trắng tại những bang chủ yếu là thành viên đảng Dân chủ. Các cuộc khảo sát cũng cho thấy ông thể hiện phong độ tốt hơn so với bà Clinton năm 2016.
Kết quả khó đoán định
Các cuộc nghiên cứu về tác động của tình trạng bất ổn hiện nay với cuộc bầu cử Mỹ sắp tới rất phức tạp khi cho thấy một số khu vực ủng hộ đảng Dân chủ và số khác thì quay sang ủng hộ đảng Cộng hòa. Do cuộc bầu cử Tổng thống vào tháng 11 tới được nhìn qua lăng kính hiện nay có sự phân mảnh sâu sắc nên cái chết của ông Floyd và những cuộc biểu tình trên khắp nước Mỹ có thể trở thành nhân tố thúc đẩy với cả 2 đảng. Nói cách khác, chúng ta không thể đoán trước bất kỳ điều gì trong cuộc bầu cử sắp tới kể cả khi nhìn vào các cuộc khảo sát hay thăm dò dư luận.
Theo Politico, trong những cuộc bầu cử sơ bộ được tổ chức sớm trong năm nay, mặc dù chưa bước vào giai đoạn cạnh tranh nghiêm túc, Tổng thống Trump đã thu hút được các cử tri đảng Cộng hòa đi bỏ phiếu ở mức kỷ lục tại Iowa và New Hampshire.
Trong một khảo sát tại Minnesota được tiến hành vào tháng 10/2019, trước khi các cuộc biểu tình vụ Floyd diễn ra, ông Trump đã bị ông Biden dẫn trước 12 điểm. Tuy nhiên, sau phiên tòa luận tội, đại dịch Covid-19 và sau khi đảng Dân chủ chọn được 1 ứng viên tranh cử, gần đây, Tổng thống Trump đã thu hẹp cách biệt này xuống chỉ còn 5 điểm. Trong một bang không phải là địa hạt của đảng Cộng hòa trong gần nửa thế kỷ, ông Trump đã thu hẹp được khoảng cách hơn một nửa với đối thủ.
"Ông ấy đã kéo các cử tri lại với nhau. Điều này không chỉ diễn ra ở Minnesota mà có lẽ còn ở một vài nơi khác", Brad Coker, người chuyên phụ trách các cuộc thăm dò dư luận nhận định.
Bill McCoshen - chiến lược gia đảng Cộng hòa ở Madison, bang Wisconsin đánh giá "những nữ cử tri ở ngoại ô có quan điểm rất mạnh mẽ về vấn đề luật pháp và trật tự. Điều này có thể thay đổi các ưu tiên của họ".
"Những khu vực nông thôn dành sự ủng hộ mạnh mẽ cho Tổng thống, cả ở bang Minnesota và Wisconsin. Nơi mà ông ấy sẽ làm tốt hơn là ở các khu vực ngoại ô. Ông ấy đã nhắm vào những giá trị tiêu chuẩn truyền thống ở các khu vực này để thu hút sự ủng hộ của họ với đảng Cộng hòa"./.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận