'Khe cửa hẹp' của chính sách tiền tệ
Ông Phạm Chí Quang, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, NHNN đánh giá khó khăn của năm 2022 tiếp tục kéo dài sang năm 2023, trong bối cảnh điều hành chính sách tiền tệ không còn nhiều dư địa.
Ngày 11/1, Tạp chí Kinh tế Việt Nam đã tổ chức Diễn đàn thường niên lần thứ 15 với chủ đề Tối ưu nguồn lực, vượt qua thách thức.
Phát biểu tại diễn đàn, ông Phạm Chí Quang, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, NHNN cho biết, khái quát về điều hành chính sách tiền tệ năm 2022 là rất khó khăn, tình trạng này có thể kéo dài tới năm 2023, khi không còn nhiều dư địa và có thể phải lách qua "khe cửa hẹp".
Đại diện NHNN cho biết, vào thời điểm cuối năm 2021 và đầu năm 2022, hầu hết các nhà hoạch định chính sách trên thế giới, đặc biệt là các định chế lớn đã sai lầm khi nhận định lạm phát chỉ mang tính thời điểm, trong khi thực tế đã lên mức cao nhất 40 năm. Sau đó, các ngân hàng trung ương đã nhanh chóng chuyển hướng từ nới lỏng tiền tệ không giới hạn sang thắt chặt cực đoan. Ví dụ như Fed đã tăng 4 lần lãi suất với mức tăng 0,75 điểm phần trăm (mỗi lần) - là mức cao bất thường so với lịch sử.
Trong bối cảnh đó, giá USD đã tăng lên mức cao nhất 20 năm. Riêng trong năm 2021, chỉ số DXY đo sức mạnh đồng USD tăng tới 21%. "Điều này tạo áp lực khủng khiếp lên chính sách tiền tệ của các nước đang phát triển và mới nổi. Dòng tiền trên thế giới, dự trữ ngoại hối các nước sụt giảm nghiêm trọng, đã mất khoảng 9% trên tổng dữ trự ngoại hối thế giới", ông Quang nói.
Riêng với Việt Nam, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ nhấn mạnh, với độ mở nền kinh tế lớn thì khả năng chống chọi với cú sốc khủng khiếp đó là cực kỳ căng thẳng.
Theo đó, năm 2022, nổi lên một số thách thức lớn. Một là làm thế nào để điều hành tín dụng hỗ trợ tăng trưởng kinh tế mà vẫn phải đảm bảo an toàn hệ thống, trong khi một số chỉ tiêu tiền tệ như tỷ lệ tín dụng/huy động vốn và dư nợ tín dụng/GDP của Việt Nam đã và đang ở ngưỡng cảnh báo.
Cụ thể, hiện tỷ lệ dư nợ tín dụng/GDP đã lên tới 124% - mức cao nhất đối với các nước có thu nhập trung bình thấp. Dư nợ tín dụng của toàn nền kinh đã lên tới 12 triệu tỷ đồng.
Ông Quang nhấn mạnh, đặc thù của nền kinh tế việt nam là phụ thuộc chủ yếu vào tín dụng ngân hàng, cho nên áp lực đối với tín dụng trong bối cảnh biến động của năm 2022 lại càng khó khăn, gây sức ép lên chính sách tiền tệ.
Thứ hai là làm thế nào ổn định được thị trường ngoại hối khi nền kinh tế của ta có độ mở lớn, sản xuất trong nước phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu, đồng USD tăng giá mạnh, Việt Nam đang trong giai đoạn giám sát nâng cao về thao túng tiền tệ của phía Hoa kỳ...
Thứ ba là làm thế nào ổn định được an toàn hệ thống khi thanh khoản hệ thống và niềm tin của thị trường chịu tác động mạnh bởi sự cố SCB chưa từng có tiền lệ.
Bước sang năm 2023, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ cho biết, mục tiêu xuyên suốt của điều hành chính sách tiền tệ là giữ được sự ổn định của đồng tiền, kiểm soát lạm phát.
"Rất may cuộc khủng hoảng lần này rất khác hồi năm 2008. Đến nay, ngành ngân hàng đã vững vàng, nợ xấu thấp, chất lượng bảng cân đối tài sản tốt hơn nhiều", ông Quang chia sẻ.
Ông Quang nhấn mạnh rằng, năm 2023, Ngân hàng Nhà nước sẽ hành động theo phương châm "dĩ bất biến, ứng vạn biến". Trong đó, yếu tố bất biến là kiểm soát lạm phát, còn cách thức điều hành thì rất linh hoạt. Một mặt Ngân hàng Nhà nước hỗ trợ nền kinh tế nhưng mặt khác không chủ quan với lạm phát.
TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV đồng tình với Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, NHNN. Ông cho rằng, để giữ cân bằng giữa lạm phát và lãi suất là rất khó khăn trong năm 2022 và cả năm 2023.
Tuy nhiên, ông Lực cũng lưu ý rằng, thận trọng với lạm phát là đúng nhưng không nên thái quá, như Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ đạo, chính sách tiền tệ cần chắc chắn, linh hoạt, hiệu quả nhưng không quá thắt chặt. Vì chính sách tiền tệ liên quan tới rất nhiều vấn đề, đặc biệt trong bối cảnh doanh nghiệp đang rất khó khăn.
TS. Cấn Văn Lực khuyến nghị: Chạy mô hình tính toán cho thấy, trong năm 2023, linh hoạt tỷ giá sẽ tốt hơn tăng lãi suất. Vì vậy, cơ quan điều hành chính sách có thể chấp nhận linh hoạt tỷ giá hơn nữa thay vì tăng lãi suất. Tăng lãi suất hiện nay là bài toán rất lớn với doanh nghiệp.
Về phần mình, ông Nguyễn Xuân Thành, Đại học FulBright Việt Nam khuyến nghị, năm 2023 NHNN nên chủ động trong chính sách tiền tệ, có thể hạ mặt bằng lãi suất khi Fed dừng tăng lãi suất khoảng giữa năm 2023.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận