Khẩu vị của nhà đầu tư châu Âu
Năm 2018, tổ chức xếp hạng FTSE Russell (Anh) đưa Việt Nam vào danh sách theo dõi để nâng hạng lên thị trường mới nổi. Theo dự kiến, tháng 9/2019 là thời điểm FTSE Russell công bố đánh giá “hạng” của TTCK Việt Nam.
Ông Alderman William Russell, Thành viên Hội đồng khu tài chính Luân Đôn (Anh quốc) chia sẻ, ông tin tưởng rằng có nhiều cơ hội lớn cho các doanh nghiệp Anh nói riêng, doanh nghiệp châu Âu nói chung đang có kế hoạch đầu tư vào Việt Nam.
Tại Anh, Chính phủ đang tham gia chương trình Quỹ Thịnh vượng tại Việt Nam, theo đó, có thể trợ giúp sự phát triển trong các lĩnh vực như sức khoẻ số, thành phố thông minh, tài chính xanh, tài chính số (Fintech), thị trường vốn và năng lượng sạch…
Tại sao Việt Nam?
Gần 150 nhà đầu tư Anh quốc và châu Âu đã đến dự Hội nghị xúc tiến đầu tư vào Việt Nam do Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng dẫn đầu, tổ chức tại Luân Đôn tuần qua.
Phát biểu của ông William Russell mở đầu sự kiện Hội nghị, chào đón Đoàn Việt Nam và thể hiện sự trọng thị của mình bằng việc chia sẻ nhiều con số có liên quan đến 2 nền kinh tế. Cụ thể, xuất khẩu của Anh vào Việt Nam tăng 9% vào năm ngoái nhờ sự phát triển mạnh mẽ của kinh tế Việt Nam, thúc đẩy sự tăng trưởng của tầng lớp trung lưu.
Số lượng người Anh đến Việt Nam ghi nhận sự tăng vọt, lên 310.000 lượt người vào năm 2018 và nước Anh cũng cấp gần 20.000 visa cho Việt Nam vào năm ngoái. Trong năm 2019, dự kiến nhu cầu visa sẽ tăng khoảng 25%. Quan hệ song phương Việt Nam và Anh đã được củng cố mạnh mẽ kể từ khi hai nước trở thành đối tác chiến lược vào năm 2010.
Nhiều doanh nghiệp hàng đầu của Anh về dịch vụ tài chính đang hoạt động rất có hiệu quả tại Việt Nam. Chẳng hạn, HSBC, Standard Chartered Bank, Aviva và Prudential đã hiện diện quanh mốc 20 năm tại Việt Nam và đang đóng góp cho sự phát triển của nền kinh tế. Harvey Nash là một trong những nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất trong lĩnh vực IT - sử dụng 2.000 sinh viên tốt nghiệp có tay nghề cao hay Jardines có đầu tư quan trọng vào nhiều lĩnh vực khác nhau cũng đã có mặt ở Việt Nam, tham gia vào quá trình cổ phần hoá một số doanh nghiệp.
Trong con mắt của đại diện Hội đồng khu tài chính Luân Đôn, Việt Nam là một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất toàn cầu với mức tăng trưởng 7,1% năm 2018 và gần 7% trong 6 tháng đầu năm 2019. Sức tăng trưởng này được hỗ trợ bởi sự mở cửa thương mại toàn cầu khi kim ngạch xuất nhập khẩu đạt tỷ lệ 200% so với GDP và Việt Nam đã tham gia 13 hiệp định thương mại tự do với quốc tế.
Điều đặc biệt được đánh giá cao là Việt Nam có 100 triệu dân với lực lượng tương đối trẻ, sự tăng nhanh tầng lớp trung lưu và môi trường chính trị ổn định được kỳ vọng sẽ tiếp tục giúp Việt Nam vượt trội trong khu vực.
Cùng với đó, người Anh đánh giá cao những cam kết của Chính phủ Việt Nam về cải thiện môi trường kinh doanh, được phản ánh bằng sự tăng trưởng xếp hạng doanh nghiệp quốc tế, nâng hạng các tổ chức tín dụng và thu hút đầu tư nhiều hơn các quốc gia trong khối ASEAN (trừ Singapore).
Liên quan đến TTCK Việt Nam, năm 2018, tổ chức xếp hạng FTSE Russell (Anh) đưa Việt Nam vào danh sách theo dõi để nâng hạng lên thị trường mới nổi. Theo dự kiến, tháng 9/2019 là thời điểm FTSE Russell công bố đánh giá “hạng” của TTCK Việt Nam.
Nếu Việt Nam được nâng hạng trong thời gian tới sẽ có ý nghĩa rất lớn đối với sự phát triển thị trường vốn trong tương lai.
Làm thế nào để thúc đẩy sự hợp tác?
Do Việt Nam đang hướng tới cách mạng công nghiệp 4.0 và Anh đang thực hiện chiến lược công nghiệp, nên ông William Russell đánh giá các chính sách của Anh và Việt Nam về đổi mới và kỹ thuật số tương thích với nhau, có nhiều lĩnh vực để các doanh nghiệp Anh và Việt Nam hợp tác.
Nhà đầu tư châu Âu đánh giá cao việc Việt Nam làm Chủ tịch luân phiên ASEAN và trở thành thành viên Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc trong thời gian tới.
Chiến lược công nghiệp của Anh nhấn mạnh 4 thách thức lớn. Thách thức thứ nhất là trí tuệ nhân tạo (AI) và nền kinh tế số. Hiện tại, nước Anh thu hút hơn 1,3 tỷ USD đầu tư vào AI năm 2018, bằng tất cả phần còn lại của EU cộng lại. Trong khi đó, Việt Nam có tỷ lệ kinh tế số trên GDP cao nhất tại khu vực Đông Nam Á và có lĩnh vực thương mại điện tử phát triển nhanh nhất, nên cơ hội hợp tác rộng mở cho hai bên.
Thách thức thứ hai là phát triển sạch, trong đó Quỹ Dragon Capital xuất phát từ Anh được đánh giá rất tích cực trong phát triển sạch và đầu tư tài chính cho các dự án xanh tại Việt Nam. Thách thức thứ ba là xã hội đang già hoá, nơi ảnh hưởng của gánh nặng chăm sóc bệnh tật và phúc lợi xã hội đã có thay đổi lớn tại Anh. Trong khi đó, Việt Nam đang có dân số trẻ, nhưng cũng sẽ già nhanh trong vòng hai thập niên tới.
Trong chia sẻ với Bộ trưởng Bộ Tài chính cùng các doanh nghiệp đến từ Việt Nam, ông William Russell nhắc tới Prudential như một sự hiện diện của doanh nghiệp xứ sở sương mù đang phối hợp với các đối tác Việt Nam để tư vấn về quỹ hưu trí và cung cấp các giải pháp cho một xã hội đang già hoá.
Mảng cuối cùng là cơ sở hạ tầng thông minh. Ông William Russell cho rằng, phát triển mảng này sẽ cải thiện sự an toàn, chất lượng không khí và hiệu quả. Việt Nam cần có một hạ tầng lớn để phục vụ cho sự phát triển nhanh. Đó chính là nơi mà các doanh nghiệp đầu tư tài chính quốc tế của Anh đóng một vai trò quan trọng và có thể cùng có lợi.
Thành viên Hội đồng khu tài chính Luân Đôn chia sẻ, nước Anh đang tham dự vào chương trình Quỹ Thịnh vượng của Chính phủ Việt Nam và ủng hộ các doanh nghiệp Anh hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam về các lĩnh vực như sức khoẻ số, thành phố thông minh, tài chính xanh, tài chính số, thị trường vốn và năng lượng sạch. Cùng với đó, họ sẵn sàng hợp tác để cải thiện sự minh bạch và giảm bớt các rào cản thương mại, hỗ trợ các công ty nước ngoài đầu tư và hoạt động tại Việt Nam.
Mảng tài chính còn nhiều dư địa mới cho hợp tác (*)
Chính phủ Việt Nam đang hướng tới một chính phủ hiện đại qua việc cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành. Việt Nam ghi nhận và đánh giá rất cao sự tin tưởng và sự hiện diện của các tập đoàn tài chính, các nhà đầu tư Anh tại Việt Nam.
Giá trị đầu tư trực tiếp gần 4 tỷ USD của nhà đầu tư Anh vào Việt Nam chưa phản ánh đúng tiềm năng khi Anh là một trong 5 nước đầu tư ra nước ngoài lớn nhất thế giới (khoảng 300 tỷ USD), đồng thời cũng là nước thu hút đầu tư từ bên ngoài lớn nhất.
Ngoài ra, đầu tư gián tiếp của Anh vào Việt Nam hiện nay còn khá khiêm tốn xấp xỉ 1 tỷ USD so với tiềm năng của nhà đầu tư Anh và so với khả năng hấp thụ vốn đầu tư của thị trường Việt Nam. Như vậy, mảng thị trường tài chính vẫn còn nhiều dư địa mới cho hợp tác giữa hai nước và còn nhiều tiềm năng cho các nhà đầu tư Anh.
Với mục tiêu cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước mạnh mẽ của Chính phủ sẽ có 140 doanh nghiệp phải thực hiện cổ phần hóa trong giai đoạn 2017-2020, trong đó giai đoạn 2017-2018 mới thực hiện cổ phần hóa được 37 doanh nghiệp; giai đoạn 2019-2020, số lượng các doanh nghiệp nhà nước cần hoàn thành cổ phần hóa là rất lớn. Việt Nam đánh giá cao vai trò của các nhà đầu tư nước ngoài và hoan nghênh các nhà đầu tư châu Âu, nhà đầu tư Anh tham gia tiến trình cổ phần hóa doanh nghiệp Việt Nam.
Trên thực tế, ngoài lượng vốn đầu tư, các thông lệ quản trị doanh nghiệp tốt, công nghệ cập nhật đi cùng sẽ giúp các doanh nghiệp Việt Nam cải thiện chất lượng hoạt động.
(*) Trích phát biểu của Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng tại Hội nghị xúc tiến đầu tư vào Việt Nam, ngày 4/7/2019.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận