Khẩu trang vải chậm đi Nhật, Mỹ vì chờ hải quan phân biệt với khẩu trang y tế
Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương vừa có văn bản đề nghị Tổng cục Hải quan tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp dệt may xuất khẩu khẩu trang vải sang Nhật Bản, Châu Âu, Mỹ.
Bộ Công Thương cho biết vừa qua nhận được các văn bản của Hiệp hội Dệt may Việt Nam, Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam và một số doanh nghiệp phản ánh những khó khăn trong việc xuất khẩu khẩu trang vải. Nguyên nhân là do các cán bộ hải quan tại cửa khẩu khó phân biệt giữa khẩu trang y tế với khẩu trang vải, đặc biệt là khẩu trang vải kháng khuẩn nên phải lấy mẫu gửi đi giám định nhiều nơi.
Theo Nghị quyết 20 năm 2020 của Chính phủ về cấp phép xuất khẩu đối với khẩu trang y tế trong giai đoạn chống dịch COVID-2019 thì Bộ Y tế là cơ quan cấp phép xuất khẩu và chỉ cho phép xuất khẩu vì mục đích viện trợ, hỗ trợ khẩu trang y tế do Chính phủ thực hiện, số lượng không quá 25% tổng số lượng khẩu trang y tế sản xuất trong nước.
Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết sau khi Chính phủ có Nghị quyết 20 về cấp phép xuất khẩu khẩu trang y tế, số đơn hàng đặt mua khẩu trang vải đã tăng lên. Nhưng hiện nay một số doanh nghiệp dệt may gặp khó khăn trong xuất khẩu khẩu trang vải khi hải quan cửa khẩu chưa tạo điều kiện thuận lợi cho việc xuất khẩu khẩu, khiến doanh nghiệp phải chờ đợi nhiều ngày.
Vì vậy, Bộ Công Thương đề nghị Tổng cục Hải quan chỉ đạo hải quan các địa phương tạo thuận lợi cho doanh nghiệp xuất khẩu khẩu trang vải trong thời gian tới.
Cũng theo Bộ Công Thương, mỗi tháng ngành dệt may Việt Nam có thể sản xuất 150-200 triệu khẩu trang vải, trong khi nguyên liệu sản xuất khẩu trang vải không có khó khăn về nguồn cung. Với sản phẩm khẩu trang vải kháng khuẩn, các doanh nghiệp trong nước chỉ phải nhập nguyên liệu kháng khuẩn từ Nhật Bản, Hàn Quốc, nhưng việc nhập khẩu thời gian qua không có vướng mắc gì.
Nhiều doanh nghiệp dệt may cho biết trong bối cảnh dịch COVID-19 bùng phát ở Châu Âu và Hoa Kỳ, nhiều khách hàng từ các nước này đã đề nghị doanh nghiệp dệt may Việt Nam giãn, hoãn tiến độ giao hàng, thậm chí hủy hợp đồng.
Do vậy, nhiều doanh nghiệp phải quay sang sản xuất khẩu trang vải để cầm cự, giữ chân công nhân và giảm bớt thiệt hại. Về lâu dài, đây cũng có thể là hướng xuất khẩu mới, đặc biệt cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Nên việc tạo điều kiện cho doanh nghiệp xuất khẩu khẩu trang vải hiện nay sẽ góp phần hỗ trợ doanh nghiệp chống đỡ với dịch bệnh.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận