24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Đinh Thị Ngân
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Khẩu trang “nóng” theo Covid-19: Bắt giữ cả triệu chiếc vi phạm mỗi ngày

Trong hai ngày 30 và 31/7, lượng lượng quản lý thị trường đã bắt giữ khoảng 2 triệu khẩu trang không có hóa đơn, chứng từ hoặc giả mạo nhãn hiệu...

Những ngày gần đây, khi dịch Covid-19 tại Việt Nam bùng phát trở lại, nhu cầu sử dụng khẩu trang của người dân cũng tăng cao. Nhiều đối tượng đã tranh thủ gom hàng khẩu trang với số lượng lớn để đẩy giá lên cao nhằm trục lợi.

Hoạt động buôn lậu khẩu trang sau một thời gian tạm lắng cũng vì thế mà "nóng" trở lại. Qua công tác tăng cường kiểm tra, lực lượng chức năng đã phát hiện và bắt giữ hàng loạt vụ vận chuyển, buôn bán khẩu trang không có hóa đơn, chứng từ, hoặc sản xuất khẩu trang giả mạo nhãn hiệu khẩu trang y tế...

Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT), Bộ Công Thương, những ngày qua liên tục thông tin về các vụ tạm giữ khẩu trang không hóa đơn, chứng từ với số lượng hàng triệu chiếc.

Điển hình, chiều ngày 31/7, Đội QLTT số 7, Cục QLTT Quảng Bình phối hợp với Phòng Cảnh sát giao thông - Công an tỉnh Quảng Bình đã tiến hành khám đối với xe ô tô tải mang BKS 29H-383.83 do ông Phan Xuân Thanh có địa chỉ tại xã Cẩm Dương, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh điều khiển khi đang lưu thông qua km 672 trên tuyến Quốc lộ 1A thuộc địa phận xã Võ Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình.

Tại thời điểm khám phương tiện, đoàn kiểm tra phát hiện 18.950 hộp (947.500 chiếc) khẩu trang y tế, gồm 12.450 hộp khẩu trang y tế 4 lớp TATSU và 6.500 hộp khẩu trang y tế 4 lớp DALA MASK do Việt Nam sản xuất. Toàn bộ số hàng hóa nêu trên không có hóa đơn chứng từ chứng minh tính hợp pháp.

Cùng ngày, tại Đà Nẵng, lực lượng QLTT thành phố này đã tiến hành kiểm tra đột xuất đối với địa điểm kinh doanh số 264/4 đường Tôn Đản, phường Hòa An, quận Cẩm Lệ, thành phố Đà Nẵng phát hiện tổng cộng 20.500 chiếc loại 4 lớp không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ hợp pháp.

Khẩu trang “nóng” theo Covid-19: Bắt giữ cả triệu chiếc vi phạm mỗi ngày
Lực lượng QLTT Hà Nội phát hiện, tạm giữ gần 800.000 chiếc khẩu trang không hóa đơn, chứng từ. Ảnh: Tổng cục QLTT

Trước đó, ngày 30/7, khi tiến hành khám xét tại điểm tập kết hàng hóa (địa chỉ số 9-11, phố Ngô Thì Sỹ, khối Đoàn Kết, Vạn Phúc, Hà Đông, Hà Nội) lực lượng chức năng TP.Hà Nội đã phát hiện 318 thùng tương đương 765.500 chiếc khẩu trang không có hóa đơn, chứng từ.

Cụ thể, khám phương tiện xe ô tô biển kiểm soát 24N-39xx do ông Trần Văn Chanh điều khiển, ông Dương Văn Cường là chủ hàng, đoàn kiểm tra phát 60 thùng khẩu trang không có nhãn mác (2.400 chiếc/thùng), 78 thùng khẩu trang có nhãn hiệu Green Life Face Mask (2.400 chiếc/thùng). Tổng số 138 thùng khẩu trang tương đương 331.200 chiếc khẩu trang, không có hóa đơn, chứng từ hợp pháp theo quy định.

Cùng thời điểm kiểm tra điểm tập kết hàng hóa do ông Dương Văn Cường làm chủ, đoàn kiểm tra phát hiện hai người đang thực hiện việc san khẩu trang từ các thùng khẩu trang không có nhãn mác để đóng vào các hộp khẩu trang mang nhãn hiệu Viva Face Mask.

Bên cạnh đó còn có 74 thùng khẩu trang không có nhãn mác (2.400 chiếc/thùng), 83 thùng khẩu trang có nhãn hiệu Green Life Face Mask (2.400 chiếc/thùng), 23 thùng khẩu trang có nhãn hiệu Viva Face Mask (một thùng 50 hộp, 50 chiếc/hộp) trên nhãn ghi do Công ty TNHH Đầu tư Công nghệ Việt Hàn, địa chỉ số 18 ngách 31, ngõ 342 đường Khương Đình, Thanh Xuân, Hà Nội sản xuất, nhà máy sản xuất Nông Trường An Khánh, Hoài Đức, Hà Nội. Tổng số 180 thùng tương đương 434.300 chiếc khẩu trang.

Ngoài ra, đoàn kiểm tra còn phát hiện điểm tập kết có 300 vỏ thùng cát tông và 715kg vỏ hộp đựng khẩu trang mang nhãn hiệu Viva Face Mask và ghi sản xuất bởi Công ty TNHH Đầu tư Công nghệ Việt Hàn.

Toàn bộ hàng hóa trên ông Cường không xuất trình được hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc của hàng hóa.

Đội QLTT số 26 đã ra quyết định tạm giữ tạm giữ toàn bộ số hàng hóa 318 thùng tương đương 765.500 chiếc khẩu trang để tiếp tục điều tra làm rõ sự việc và xử lý theo quy định.

Tại Quảng Bình, dù chưa phát hiện ca nhiễm Covid-19 nào mới trong cộng đồng nhưng hoạt động buôn bán, vận chuyển khẩu trang không rõ nguồn gốc cũng diễn ra khá mạnh.

Theo đó, ngày 27/7, lực lượng QLTT tỉnh Bình Định đã tiến hành khám xe ô tô tải BKS số 51C-655.XX do ông Huỳnh Trần M điều khiển và phát hiện trên phương tiện có vận chuyển 70.500 khẩu trang y tế không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc, vi phạm về ghi nhãn hàng hóa.

Phát hiện hàng trăm ngàn khẩu trang nhái tại các cơ sở sản xuất

Bên cạnh việc bắt giữ các vụ thu gom khẩu trang không có hóa đơn, chứng từ với số lượng lớn, lực lượng QLTT gần đây cũng phát hiện nhiều cơ sở sản xuất khẩu trang nhái nhãn hiệu hoặc tự gắn mác "khẩu trang kháng khuẩn",... để bán với giá cao.

Khẩu trang “nóng” theo Covid-19: Bắt giữ cả triệu chiếc vi phạm mỗi ngày
Bên trong xưởng sản xuất khẩu trang y tế giả nhãn hàng 3M của Công ty TNHH thương mại Nam Anh. Ảnh: Tổng cục QLTT

Tổng cục QLTT thông tin, sau hơn 10 ngày theo dõi, chiều 30/7, lực lượng QLTT TP.HCM đã kiểm tra đột xuất Công ty TNHH thương mại Nam Anh có trụ sở tại số 8-8A đường Lê Lăng, P. Phú Thọ Hòa, Q.Tân Phú, TP.HCM, phát hiện xưởng của công ty đang tổ chức sản xuất lượng lớn khẩu trang y tế giả nhãn hàng 3M của nước ngoài.

Trên website công ty này tự giới thiệu là “đơn vị hàng đầu Việt Nam chuyên sản xuất, phân phối khẩu trang y tế cho thị trường trong và ngoài nước”.

Cụ thể, với công nghệ nhập khẩu từ Nhật Bản, công ty đã được Trung tâm kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng 3 cấp chứng nhận tiêu chuẩn về sản phẩm, với hơn 8 loại sản phẩm khẩu trang cho cả người lớn và trẻ em. Tuy nhiên, khi Tổng cục QLTT kiểm tra đột xuất thì phát hiện và xác định được hàng trăm thùng hàng tại công ty này chứa các sản phẩm khẩu trang có nhãn hiệu 3M nhưng là sản phẩm giả mạo nhãn hiệu khẩu trang 3M Company của Mỹ.

Sau khi kiểm đếm, cơ quan QLTT đã niêm phong tổng số khẩu trang y tế giả lên đến 151.000 chiếc. Tổng cục QLTT đánh giá đây là vụ xâm phạm sở hữu trí tuệ lớn nhất từ đầu năm đến nay về mặt hàng khẩu trang đã được bảo hộ tại Việt Nam.

Cũng trong ngày 30/7, lực lượng QLTT tỉnh Gia Lai đã kiểm tra cơ sở sản xuất khẩu trang của Công ty TNHH MTV Phú Hào Mai Anh (địa chỉ 65/46 Lê Thị Riêng, P.Hội Phú, TP.Pleiku) và phát hiện, tạm giữ gần 5.000 khẩu trang y tế được đóng mác “kháng khuẩn”, chuẩn bị xuất ra thị trường nhưng không hề có chất kháng khuẩn, không được xử lý tiệt trùng.

Lực lượng chức năng tạm giữ toàn bộ số khẩu trang trên cùng 14.000 vỏ hộp khẩu trang để tiếp tục xác minh, làm rõ nhằm xử lý theo các quy định của pháp luật.

Theo Tổng cục QLTT, nguy cơ bùng phát dịch Covid-19 đã đẩy giá khẩu trang trên thị trường tăng cao. Do đó, Tổng cục QLTT sẽ liên tục kiểm tra và phạt nặng những cơ sở kinh doanh và sản xuất khẩu trang y tế giả, tăng giá, tạo khan hàng giả để trục lợi.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả