Khánh Hoà sẽ trở thành trung tâm kinh tế biển, du lịch, dịch vụ của cả nước
Khánh Hoà đưa ra chỉ tiêu kinh tế đến năm 2025, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) bình quân hàng năm đạt 7,5% trở lên, GRDP bình quân đầu người năm 2025 đạt 5.685 USD. Đến năm 2025, Khánh Hòa trở thành trung tâm kinh tế biển, trung tâm du lịch, dịch vụ lớn của cả nước.
Sáng 13/10, Đại hội Đảng bộ tỉnh Khánh Hòa lần thứ XVIII đã chính thức khai mạc với 349 đại biểu chính thức, đại diện cho 44.216 đảng viên của Đảng bộ tỉnh.
Chủ đề Đại hội là: “Xây dựng Đảng bộ trong sạch, vững mạnh; phát huy dân chủ, đoàn kết, đổi mới, sáng tạo; phát triển nhanh, bền vững; không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân; phấn đấu xây dựng tỉnh Khánh Hòa phát triển toàn diện, trở thành một trong những trung tâm kinh tế của cả nước”.
Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Khánh Hòa lần thứ XVII, mặc dù phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức, Khánh Hòa thực hiện đạt và vượt 16/20 chỉ tiêu kinh tế - xã hội đề ra. Về quy mô GRDP, Khánh Hòa xếp thứ 24/63 tỉnh, thành phố; quy mô ngành dịch vụ xếp thứ 12/63 tỉnh, thành phố, thứ 2/8 tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ. Khánh Hòa tiếp tục là 1 trong 16 tỉnh, thành phố có đóng góp vào ngân sách Trung ương.
Theo báo cáo chính trị, giai đoạn 2016-2019, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) bình quân 7,7%/năm; tuy nhiên, từ đầu năm 2020, do ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19, kinh tế của tỉnh đã giảm sút đáng kể, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) bình quân giai đoạn 2016-2020 là 6,1%/năm (mục tiêu Nghị quyết đề ra từ 7,5-8%/năm). GRDP bình quân đầu người năm 2020 đạt 73,31 triệu đồng, đạt mục tiêu Nghị quyết đề ra.
Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội trong 5 năm 2016-2020 đạt 206,87 nghìn tỷ đồng, tăng bình quân 12,6%/năm. Tỷ lệ huy động vốn đầu tư phát triển toàn xã hội trên GRDP bình quân đạt 53,5%/năm, đạt mục tiêu Nghị quyết đề ra (50-60%/năm). Nguồn vốn ngân sách, đầu tư theo hình thức BT và sử dụng vốn ODA để triển khai các dự án xây dựng hạ tầng có tác dụng lan tỏa, có tính liên kết vùng, góp phần đẩy mạnh quá trình đô thị hóa của tỉnh.
Bên cạnh đó, cơ cấu kinh tế tỉnh Khánh Hoà chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng khu vực dịch vụ-du lịch và công nghiệp - xây dựng, giảm tỷ trọng khu vực nông - lâm - thủy sản.
Đặc biệt, tỉnh Khánh Hòa tiếp tục tập trung, huy động các nguồn lực để phát triển kinh tế biển theo hướng cơ cấu ngành, nghề phong phú, từng bước hiện đại; khai thác hiệu quả các ngành, nghề có tiềm năng, lợi thế, như: Dịch vụ hàng hải, du lịch biển đảo, phát triển công nghiệp, kinh tế thủy sản. Đến nay, giá trị các ngành kinh tế biển và ven biển của Khánh Hòa chiếm khoảng 80% tổng sản phẩm (GRDP) trên địa bàn.
Ngoài ra, tổng thu ngân sách trong 5 năm (2016-2020) đạt 91.541 tỷ đồng, trong đó năm cao nhất (2018) đạt 21.868 tỷ đồng. Thu nội địa bình quân giai đoạn 2016-2020 tăng 1,55%/năm (giai đoạn 2016-2019 tăng 11,76%/năm). Trong cơ cấu nguồn thu nội địa, doanh nghiệp nhà nước chiếm 27,8%, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chiếm 4,2%, doanh nghiệp ngoài quốc doanh chiếm 26,7%.
Giai đoạn 2015-2020, tỉnh Khánh Hoà đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, ưu tiên thu hút đầu tư, phát triển đồng bộ để phát huy tiềm năng, thế mạnh của TP. Nha Trang, khu vực vịnh Cam Ranh và Khu kinh tế Vân Phong. Việc tiếp tục phát triển 3 vùng kinh tếtrọng điểm đã tạo động lực phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh và từng địa phương, đóng góp lớn vào tăng trưởng kinh tế của tỉnh.
Khánh Hòa sẽ trở thành trung tâm kinh tế của cả nước
Mục tiêu tỉnh Khánh Hoà đến năm 2025, Khánh Hòa trở thành trung tâm kinh tế biển, trung tâm du lịch, dịch vụ lớn của cả nước. Đến năm 2030, Khánh Hòa phát triển toàn diện trên các lĩnh vực, trở thành đô thị trực thuộc Trung ương. Đến năm 2045, Khánh Hòa trở thành địa phương phát triển hiện đại; thu nhập bình quân của người dân Khánh Hòa thuộc nhóm các tỉnh, thành phố cao nhất cả nước.
Theo đó, các chỉ tiêu chủ yếu về kinh tế đến năm 2025, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) bình quân hàng năm đạt 7,5% trở lên. GRDP bình quân đầu người năm 2025 đạt 5.685 USD. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tiếp tục tăng tỷ trọng các ngành dịch vụ (chiếm 52,6%), công nghiệp, xây dựng (chiếm 31,1%) và giảm tỷtrọng các ngành nông, lâm, thủy sản (chiếm 7,8%).
Bên cạnh đó, đối với kim ngạch xuất khẩu hàng hóa năm 2025 đạt 2 tỷ USD; thu ngân sách nội địa năm 2025 gấp 2,2 lần so với năm 2020; tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội 5 năm 2021-2025 đạt trên 360 nghìn tỷ đồng, tốc độ tăng bình quân hàng năm trên 12%...
Để đạt được những mục tiêu, chỉ tiêu nêu trên, Khánh Hoà đưa ra 4 chương trình kinh tế-xã hội, tập trung phát triển 3 vùng động lực và đẩy mạnh kinh tế biển là nhiệm vụ ưu tiên chiến lược, mang tính đột phá.
Trong đó, tập trung xây dựng, ban hành các cơ chế, chính sách, bố trí nguồn lực và thu hút đầu tư để đẩy mạnh phát triển 3 vùng động lực của tỉnh, góp phần đưa tỉnh trở thành một trong những trung tâm kinh tế của khu vực và cả nước.
Cụ thể, khu vực vịnh Vân Phong là vùng kinh tế trọng điểm, động lực của tỉnh và khu vực Nam Trung bộ; TP. Nha Trang là vùng trọng điểm về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, khoa học, đào tạo nguồn nhân lực; khu vực vịnh Cam Ranh là vùng trọng điểm về kinh tế, xã hội gắn với quốc phòng, an ninh; đẩy mạnh liên kết vùng, nhất là khu vực duyên hải Nam Trung bộ và Tây Nguyên.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận