"Khai tử" dịch vụ đòi nợ thuê: Làm thế nào để đòi nợ đúng pháp luật?
Trong trường hợp phát sinh tranh chấp thì trước hết các bên có quyền tự giải quyết bằng cách thương lượng, hòa giải.
Tại Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIV vừa qua, dịch vụ đòi nợ thuê chính thức bị cấm đầu tư kinh doanh khi Quốc hội bấm nút thông qua Luật Đầu tư (sửa đổi). Quy định này có hiệu lực kể từ ngày 1/1/2021. Liên quan đến vấn đề này, nhiều ý kiến bày tỏ lo ngại về sự biến tướng của dịch vụ đòi nợ thuê bởi những câu chuyện đòi nợ kiểu khủng bố vẫn chưa bao giờ hết nóng và băn khoăn không biết làm sao để có thể đòi nợ hợp pháp nếu có tiền cho vay. Về vấn đề này, phóng viên VOV.VN trao đổi Luật sư Nguyễn Đức Hùng – Phó Giám đốc Công ty Luật TNHH TGS – Đoàn luật sư Thành phố Hà Nội.

Một gia đình tại huyện Hóc Môn, TP HCM bị nhân viên công ty đòi nợ thuê đập phá tài sản. Ảnh: Người Lao động
Luật đầu tư (sửa đổi) được Quốc hội thông qua ngày 17/6/2020 mới chỉ quy định “kinh doanh dịch vụ đòi nợ” là ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh. Luật chưa quy định rõ nội dung và phạm vi các hoạt động bị cấm. Các nội dung này còn cần phải có sự quy định chi tiết và cụ thể hơn tại các văn bản hướng dẫn (Nghị định hoặc Thông tư). Do đó, các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ thuê có thể lách luật bằng những hình thức, cách thức hoạt động như thế nào thì còn phụ thuộc rất lớn vào sự chặt chẽ và hợp lý của các quy định hướng dẫn về nội dung này.
Tuy nhiên, khả năng các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ thuê sẽ tìm cách “lách luật” để tiếp tục hoạt động là rất cao, vì nhu cầu thực tế đối với loại hình dịch vụ này là không nhỏ. Chẳng hạn như các hình thức: Mua lại các khoản nợ nhưng thực chất là để đòi nợ thuê cho bên bán nợ, hoặc thành lập doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực cho thuê lại lao động, để cung ứng lao động (mà thực chất là các nhân viên thực hiện việc đòi nợ) cho các tổ chức, cá nhân có nhu cầu, để thực hiện các công việc liên quan đến việc đòi nợ.v.v…
Vì vậy, để tránh việc “lách luật” có thể xảy ra thì Chính phủ và các Bộ có liên quan cần phải ban hành các quy định hướng dẫn chi tiết và rõ ràng hơn, tạo ra những căn cứ pháp lý chặt chẽ và phù hợp với thực tiễn, cũng như phải có những chế tài xử lý đối với các hành vi vi phạm.
Trước hết, các quan hệ nêu trên có bản chất pháp lý là quan hệ dân sự, chịu sự điều chỉnh của Luật dân sự, Luật Thương mại, Luật các tổ chức tín dụng và các văn bản pháp quy có liên quan khác. Do đó, trong trường hợp phát sinh tranh chấp thì trước hết các bên có quyền tự giải quyết bằng cách thương lượng, hòa giải. Nếu các bên không thể tự thảo thuận được với nhau thì có quyền khởi kiện vụ án dân sự tại Tòa án có thẩm quyền, đề nghị Tòa án bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho mình theo thủ tục của Luật tố tụng dân sự.

Luật sư Nguyễn Đức Hùng – Phó Giám đốc Công ty Luật TNHH TGS
Trong trường hợp, vụ việc có dấu hiệu của tội phạm hình sự (lừa đảo hoặc lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, hoặc các tội phạm khác) thì người bị hại, hoặc các cá nhân, tổ chức có liên quan có quyền làm đơn trình báo, tố giác tội phạm đó đến Cơ quan Cảnh sát điều tra, để được xem xét và giải quyết theo quy định của Luật tố tụng hình sự
Bạn có muốn trở thành chuyên gia trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi để cùng chia sẻ và lan tỏa.
Ban nội dung SĐT/Zalo: 0981.935.283
Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Bình luận