Khai thông bế tắc, tạo sức bật về kinh tế cho Thành phố Hồ Chí Minh
Việc đầu tư hạ tầng giao thông, hình thành những dự án đột phá cùng cơ chế tự chủ tài chính mạnh hơn sẽ đóng vai trò rất quan trọng cho sự bứt phá kinh tế của Thành phố Hồ Chí Minh.
Ngày 18/6, dự án xây dựng đường Vành đai 3, đoạn qua Thành phố Hồ Chí Minh sẽ chính thức được khởi công xây dựng sau nhiều năm lên kế hoạch chuẩn bị.
Đây là tuyến đường cao tốc vành đai liên vùng, vừa là đường cao tốc đô thị, do đó có vai trò rất quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của các địa phương tuyến đi qua.
Cùng với dự án đường Vành đai 3, đoạn qua Thành phố Hồ Chí Minh, hàng loạt dự án giao thông trọng điểm sắp khởi công. Đây được xem là tiền đề để thành phố kêu gọi đầu tư, phát triển khu đô thị, công nghiệp, thương mại, dịch vụ của các khu vực, cũng như nâng cao khả năng kết nối giữa các đô thị vệ tinh, góp phần giảm ách tắc giao thông ở Thành phố Hồ Chí Minh, qua đó tạo không gian phát triển mới để Thành phố Hồ Chí Minh khai thác tiềm năng sử dụng quỹ đất; tăng hiệu quả đầu tư đối với các dự án khác đang được thực hiện.
Đầu tư hạ tầng giao thông
Dự án xây dựng đường Vành đai 3, đoạn qua Thành phố Hồ Chí Minh là một trong 33 dự án giao thông trọng điểm được Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh xác định cần phải tập trung thực hiện trong giai đoạn hiện nay và trung hạn, nhằm tạo sức bật cho phát triển kinh tế xã hội của thành phố và khu vực lận cận.
Việc hoàn thành vượt chỉ tiêu kế hoạch bồi thường giải phóng mặt bằng giai đoạn 1 Dự án đường Vành đai 3 cho thấy sự đồng thuận của người dân trong việc xây dựng công trình trọng điểm này.
Bên cạnh dự án đường Vành đai 3, một loạt công trình giao thông trọng điểm khác mang tính chất liên kết vùng cũng nằm trong danh sách 33 dự án trên. Trong số đó, có thể kể đến các dự án như Cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Mộc Bài; Xây dựng, mở rộng Quốc lộ 50, huyện Bình Chánh; Dự án đường Vành đai 4; Dự án nâng tĩnh không cầu Bình Triệu 1; nâng cấp mở rộng Quốc lộ 13…
Ở trong khu vực nội đô thành phố, một loạt dự án trọng điểm, cấp bách để giải quyết ùn tắc giao thông cũng đang được Thành phố Hồ Chí Minh gấp rút chuẩn bị các thủ tục cần thiết để thực hiện.
Theo Phó Giáo sư-tiến sỹ Nguyễn Văn Trình, chuyên gia cao cấp Viện Nghiên cứu vùng và đô thị, với hiện trạng phát triển hiện nay của Thành phố Hồ Chí Minh thì các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng cần phải được đẩy nhanh tiến độ thực hiện và thực thi một cách có hệ thống.
Đặc biệt là dự án đường Vành đai 3, hay tuyến đường Cao tốc Bến Lức-Long Thành, dự án chống ngập… bị đình trệ nhiều năm cũng cần đẩy nhanh triển khai trở lại bởi việc thúc đẩy hoàn thiện cơ sở hạ tầng có vai trò rất quan trọng trong việc thu hút các doanh nghiệp lớn đến đầu tư.
Theo Phó Giáo sư-tiến sỹ Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, thực tế trong suốt 15-20 năm qua, Thành phố Hồ Chí Minh chưa có được sự thay đổi căn bản. Thành phố đề xuất nhiều mô hình, giải pháp hay nhưng ít được áp dụng.
ĐBQH: Chính sách mới phải "cởi trói" cho các dự án PPP tại TP.HCM
Trong khi đó, kinh tế thành phố có dấu hiệu suy yếu về vị thế, dù nội lực vẫn dồi dào. Những nút thắt, điểm nghẽn tăng trưởng như giao thông, ngập nước... không được tháo gỡ triệt để mà còn tăng lên; những động lực mới không được đưa ra. Do đó, để củng cố vị thế đầu tàu kinh tế của cả nước, Thành phố Hồ Chí Minh phải tạo ra đột phá, động lực mới.
Phó giáo sư-tiến sỹ Trần Đình Thiên cho rằng Thành phố Hồ Chí Minh phải có những dự án đột phá, biến mình thành trung tâm hội nhập quốc tế của đất nước này. Thành phố có thể có những dự án đột phá như Cảng trung chuyển Cần Giờ, Trung tâm tài chính quốc tế, Trung tâm hội chợ thương mại quốc tế. Các dự án này cộng hưởng được với nhau, cùng với vùng Đông Nam Bộ, Thành phố Hồ Chí Minh sẽ kéo được các nhà đầu tư lớn, thu hút được các tập đoàn lớn.
Gỡ điểm nghẽn trong thu hút đầu tư
Việc đầu tư hạ tầng giao thông, hình thành những dự án đột phá cùng cơ chế tự chủ tài chính mạnh hơn khi Nghị quyết mới thay thế Nghị quyết số 54/2017/QH14 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh được thông qua sẽ đóng vai trò rất quan trọng cho sự bứt phá kinh tế cũng như củng cố vị thế đầu tàu của Thành phố Hồ Chí Minh trong thời gian tới.
Tiến sỹ Trần Du Lịch cho rằng Thành phố Hồ Chí Minh phải là nơi thu hút để có những "đại bàng" trong từng lĩnh vực. Vì vậy, trong dự thảo Nghị quyết thay Nghị quyết 54 có đề cập nội dung sẽ thu hút những doanh nghiệp hàng đầu thế giới ở từng lĩnh vực tham gia; trong đó, có Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ. Bởi lẽ, nếu không thu hút được những nhà đầu tư đủ tầm quốc tế sẽ khó bứt phá.
Riêng Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ, gắn với dự án này có thể sẽ là một trung tâm phi thuế quan gắn với cảng… để tạo sức bật cho Thành phố Hồ Chí Minh trong thời gian tới.
Cảng Tân Cảng-Cát Lái, Thành phố Hồ Chí Minh.
Việc lên kế hoạch triển khai một loạt dự án rõ ràng sẽ giúp thay đổi bộ mặt đô thị, góp phần thúc đẩy kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh bứt phá, tuy nhiên áp lực vốn đầu tư công giai đoạn trung hạn theo đó cũng sẽ rất lớn.
Trên thực tế, Thành phố Hồ Chí Minh đã có rất nhiều dự án hạ tầng giao thông nằm trong quy hoạch nhưng nhiều năm vẫn chưa thể thực hiện được do thiếu vốn. Trong bối cảnh nguồn vốn ngân sách còn hạn chế, việc thu hút vốn đầu tư sẽ khó có sự bứt phá nếu không có cơ chế đặc thù cho Thành phố Hồ Chí Minh.
Dự thảo Nghị quyết mới thay thế Nghị quyết số 54/2017/QH14 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh đang được Quốc hội thảo luận, xem xét thông qua tới đây được kỳ vọng sẽ tháo gỡ nút thắt này cho sự phát triển của Thành phố Hồ Chí Minh trong thời gian tới.
Chia sẻ về dự thảo Nghị quyết thay thế Nghị quyết số 54/2017/QH14 tại buổi họp báo tổ chức tháng 5/2023, ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố cho biết điểm khác nhau cơ bản giữa dự thảo Nghị quyết mới và Nghị quyết số 54/2017/QH14 ở chỗ Nghị quyết số 54/2017/QH14 tập trung cơ chế, chính sách tạo nguồn thu cho thành phố, còn Nghị quyết mới cho các cơ chế, chính sách để thu hút nguồn lực đầu tư xã hội, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thủ tục, dự án để dòng đầu tư đi nhanh hơn.
Để thu hút đầu tư xã hội, thành phố đề xuất thí điểm các cơ chế TOD, PPP, ưu đãi nhà đầu tư chiến lược, áp dụng khoa học đổi mới sáng tạo. Nếu làm tốt nguồn thu này sẽ thu được hàng trăm ngàn tỷ đồng cho đầu tư phát triển.
Tiến sỹ Trần Du Lịch cũng cho rằng dự thảo Nghị quyết thay thế Nghị quyết số 54/2017/QH14 được thông qua và áp dụng ngay thì lần đầu tiên Thành phố Hồ Chí Minh có quyền tự chủ rất lớn. Hàng chục dự án, chương trình dự án sẽ được Hội đồng nhân dân thành phố phê duyệt để triển khai ngay… Nếu gỡ được được điểm nghẽn cơ chế này, sức hấp thụ vốn của Thành phố Hồ Chí Minh sẽ tăng lên./.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận