24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Lê Thị Liên
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Khai thác tiềm năng phát triển kinh tế ban đêm ở Việt Nam

Việt Nam được đánh giá là quốc gia có nhiều tiềm năng phát triển hoạt động kinh tế ban đêm nhờ có nguồn tài nguyên du lịch phong phú, đa dạng, có đặc trưng văn hóa độc đáo, ẩm thực đặc sắc, hấp dẫn theo mỗi vùng miền, có mức độ hội nhập cao nhưng trên thực tế mới chỉ khai thác ở quy mô nhỏ, hoạt động mang tính tự phát riêng lẻ, manh mún...

Do đó, trong thời gian tới cần nhận diện những điều kiện thuận lợi và những tồn tại, khó khăn trong phát triển kinh tế ban đêm, từ đó có giải pháp thúc đẩy kinh tế ban đêm phát triển, tạo ra những đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kinh tế đất nước.

Đặt vấn đề

Nhận thức sự cần thiết và tầm quan trọng của kinh tế đêm, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1129/QĐ-TTg ngày 27/7/2020, phê duyệt “Đề án phát triển kinh tế ban đêm ở Việt Nam”. Đề án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt với mục tiêu khai thác tiềm năng phát triển kinh tế ban đêm nhằm tận dụng tối đa cơ hội phát triển kinh tế mới, nâng cao thu nhập và đời sống của người dân; đồng thời hạn chế những rủi ro, tác động tiêu cực đối với công tác đảm bảo an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội. Hướng tới tăng trưởng kinh tế, tạo công ăn việc làm và đồng thời gắn kết cộng đồng, giao lưu xã hội cho người dân Việt Nam, giữa người Việt Nam và người nước ngoài, đặc biệt là khách du lịch.

Đề án xác định quan điểm chủ động phát triển kinh tế ban đêm là phù hợp với xu hướng phát triển của quốc tế. Kinh tế ban đêm không phải là một bộ phận tách rời của nền kinh tế. Trước mắt, phát triển kinh tế ban đêm nhằm thúc đẩy tiêu dùng trong nước và phát triển du lịch, thông qua tập trung phát triển lĩnh vực dịch vụ, văn hóa, vui chơi, giải trí, dịch vụ ăn uống, dịch vụ mua sắm và du lịch diễn ra từ 06 giờ tối hôm trước đến 06 giờ sáng hôm sau...

Với vai trò quan trọng hoạt động kinh tế ban đêm, bài viết tập trung đánh giá những yếu tố thuận lợi cũng như các hạn chế, khó khăn trong phát triển kinh tế ban đêm ở Việt Nam, qua đó đề xuất giải pháp để thúc đẩy hoạt động này.

Thuận lợi và thách thức đặt ra trong phát triển kinh tế ban đêm ở Việt Nam

Việt Nam được đánh giá là quốc gia có nhiều lợi thế để phát triển kinh tế ban đêm. Cụ thể:

Thứ nhất, Việt Nam hội tụ nhiều điều kiện để phát triển KTBĐ, nhất là du lịch. Tài nguyên du lịch của Việt Nam khá đa dạng, phong phú. Theo thống kê, Việt Nam hiện có 28 di sản được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp Quốc (UNESCO) công nhận và là điểm đến ưa thích của nhiều du khách quốc tế. Việt Nam cũng có nhiều tiềm năng văn hóa nghệ thuật và ẩm thực đặc sắc.

Khảo sát mới đây của Chương trình truyền hình độc quyền Insider Exclusive, du lịch di sản được coi là phân khúc phát triển nhanh nhất trong ngành Du lịch. Khách du lịch di sản thường tiêu dùng nhiều hơn 60% so với thông thường (khoảng 1.319 USD/chuyến, so với trung bình 820 USD đối với các hình thức du lịch nói chung). Khách du lịch di sản cũng thực hiện nhiều lượt du lịch hơn so với trung bình các hình thức du lịch khác (3,6 chuyến/năm so với 3,4 chuyến/năm). Thống kê của UNESCO cho thấy, ở những nơi có di sản thế giới được công nhận thì thường thu hút đông đảo du khách và ở lại lâu hơn 2,5 lần so với các nơi khác có đặc điểm tương đương.

Thứ hai, những năm gần đây, số lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam ngày càng tăng. Năm 2020, du lịch Việt Nam phấn đấu đón khoảng 20,5 triệu lượt khách quốc tế, song mục tiêu này chưa đạt do ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, xu hướng gia tăng khách du lịch đến châu Á - Thái Bình Dương nói chung và Việt Nam nói riêng sẽ còn tiếp tục duy trì, khi đại dịch Covid-19 được khống chế. Ghi nhận số lượng du khách toàn thế giới, Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO) cho biết, đến hết năm 2019, châu Âu tiếp nhận 50,8% lượng khách du lịch toàn cầu, châu Á - Thái Bình Dương tiếp nhận 24,9%, châu Mỹ tiếp nhận 15%, châu Phi tiếp nhận 4,9% và Trung Đông tiếp nhận 4,4%.

Theo Báo cáo năng lực cạnh tranh ngành lữ hành và du lịch do Diễn đàn Kinh tế thế giới công bố năm 2019, du lịch Việt Nam xếp hạng thứ 6/10 quốc gia có tốc độ tăng trưởng khách du lịch cao nhất. Việt Nam Tổ chức Giải thưởng du lịch thế giới trao giải thưởng “Điểm đến du lịch hàng đầu châu Á” năm 2018.

Thứ ba, GDP bình quân đầu người của Việt Nam có sự cải thiện đáng kể, với tốc độ tăng bình quân 8,22%/năm giai đoạn 2008-2019 (IMF, 2020). So với năm 2008, GDP bình quân đầu người (theo giá thực tế) đã tăng 2,36 lần (đạt 3.416 USD/người năm 2019). Bên cạnh đó, thu nhập từ tầng lớp trung lưu liên tục tăng. Trung bình 1,5 triệu người Việt Nam gia nhập tầng lớp trung lưu toàn cầu mỗi năm kể từ năm 2014. Năm 2016, tầng lớp trung lưu ở Việt Nam chiếm tỷ trọng khoảng 13,3% tổng dân số và dự báo nhiều khả năng sẽ đạt tỷ trọng 25,7% tổng dân số vào năm 2025 và đạt 32,1% vào năm 2030 (WB, 2018). Theo WB, tầng lớp trung lưu theo chuẩn mực quốc tế là những người có mức sống hay chi tiêu trên 15 USD/ngày. Với mức sống từ 15 USD/ngày trở lên, tầng lớp trung lưu đang dành nhiều tiền và thời gian để tận hưởng cuộc sống.
Thứ năm, các nhà đầu tư nước ngoài ngày càng quan tâm tới Việt Nam và mong muốn thiết lập/gia tăng sự hiện diện tại Việt Nam. Vì thế, trong những năm qua, Việt Nam thu hút được lượng lớn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Các nhà đầu tư nước ngoài được xem là nhóm khách hàng quan trọng của KTBĐ, do có nhu cầu giao lưu, tiêu dùng sau giờ làm và có khả năng chi tiêu.

Mặc dù có tiềm năng để phát triển, tuy nhiên chất lượng hoạt động kinh tế ban đêm vẫn đang được nhận định ở mức trung bình và còn một số hạn chế. Cụ thể:

Về mức độ hài lòng với chất lượng dịch vụ kinh tế ban đêm, theo kết quả khảo sát chất lượng của nhóm nghiên cứu Đại học Quốc gia Hà Nội khi khảo sát về chất lượng dịch vụ của Hà Nội tại 3 quận Hoàn Kiếm, Ba Đình và Tây Hồ. Kết quả khảo sát có 62,5% người đánh giá chất lượng bình thường, số người đánh giá chất lượng dịch vụ ở mức tốt chiếm 31,2% trong khi ở mức rất tốt chỉ chiếm 0,5%, ở mức kém chiếm 3,8% và còn lại là rất kém. Hơn 5% số người được hỏi cảm thấy chất lượng dịch vụ kém và rất kém, thực tế này cho thấy, tình trạng dịch vụ cần được cải thiện nhiều, không chỉ về cơ cấu mà còn về chất lượng (Nguyễn Ngọc Sơn và Cộng sự, 2019).

Theo thống kê, gần 23% số người tham gia khảo sát của Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết, họ cảm thấy không an toàn vào ban đêm, chỉ 14,5% cho rằng mức độ an ninh tốt và rất tốt, 62% còn lại cho rằng mức độ an ninh là bình thường.

Tỷ lệ hài lòng về an ninh thấp và tỷ lệ khiếu nại cao phản ánh thực trạng của các khu kinh tế về đêm ở Hà Nội khi ngân sách cho an ninh quá thấp và nhân lực cho an ninh không đủ. Bộ phận an ninh của thành phố không hoạt động liên tục sau 24h00 đêm, dẫn đến các tình huống trộm cắp, cướp giật, bạo lực… bất ngờ (Nguyễn Ngọc Sơn và Cộng sự, 2019).

Chất lượng không khí đang bị ô nhiễm nặng, do khói bụi (đặc biệt ở Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh), vấn đề rác thải nhựa tại các khu du lịch là vấn đề chưa được giải quyết, nguồn nước bị ô nhiễm nghiêm trọng. Theo Eurocham, 2020, do thiếu giải pháp xử lý nước, quản lý chất thải và tái chế thích hợp, các sông, hồ và bãi biển Việt Nam đều đang bị ô nhiễm.

Ngoài những tác động môi trường, việc xả hóa chất độc hại ra biển có ảnh hưởng tiêu cực đến hình ảnh Việt Nam với vị thế là một điểm đến du lịch. Bên cạnh đó, những quan ngại về vấn đề môi trường tự nhiên ở Vịnh Hạ Long ngày càng trở nên cấp bách, vì vậy cần được bảo tồn để giữ sức hút với du khách quốc tế.

Giải pháp thúc đẩy kinh tế ban đêm ở Việt Nam

Để phát triển KTBĐ hiệu quả, Đề án Phát triển KTBĐ cũng đã đề xuất một số giải pháp quan trọng. Một trong những giải pháp hàng đầu là đổi mới phương thức quản lý nhà nước, trong đó chú trọng nâng cao trình độ, năng lực quản lý của bộ máy nhà nước đáp ứng yêu cầu quản lý. Đặc biệt, vai trò của chính quyền địa phương được coi là yếu tố then chốt quyết định sự thành công của KTBĐ.

Theo đó, cần tiếp tục xây dựng trên nguyên tắc đảm bảo giải quyết tốt mối quan hệ: (i) Giữa bảo tồn giá trị truyền thống (gìn giữ giá trị di sản, văn hóa, di tích, cảnh quan thiên nhiên,...) và tạo cho thành phố/trung tâm du lịch sôi động, nhộn nhịp, hấp dẫn về đêm; (ii) Cân bằng lợi ích giữa các chủ thể có liên quan (giữa nhu cầu vui chơi của khách du lịch và nhu cầu nghỉ ngơi của người dân); (iii) Giữa đa dạng hóa hoạt động KTBĐ, cung cấp nhiều dịch vụ về đêm; (iv) Giữa phát triển KTBĐ, khuyến khích người dân địa phương tham gia hoạt động về đêm và đảm bảo điều kiện sức khỏe cho người dân địa phương tham gia hoạt động ban ngày.

Cùng với đó, cần nâng cao nhận thức về phạm vi và vai trò quan trọng của KTBĐ bắt đầu từ việc xóa bỏ định kiến về những tiêu cực của KTBĐ, định kiến về hoạt động của các vũ trường, nhà hàng, các quán karaoke, cũng như các điểm vui chơi giải trí về đêm. Tư duy “mở” hơn về một số hoạt động giải trí trước nay được coi là “nhạy cảm”. Tư duy “mở” ở đây là cần nhìn nhận dựa trên thực tiễn và xu hướng phát triển.

Ngoài ra, cần rà soát, hoàn thiện chính sách và tạo hành lang pháp lý thống nhất về phát triển KTBĐ. Khung pháp lý về KTBĐ cần có những quy định về: loại hình kinh doanh; khu vực kinh doanh, khu vực hạn chế; thời gian hoạt động; giấy phép hoạt động; tiêu chuẩn hoạt động (tiếng ồn, ánh sáng,…); chính sách về giao thông; cơ sở hạ tầng công công tạo thuận lợi cho phát triển KTBĐ; chính sách về an ninh, trật tự; chính sách khuyến khích, hỗ trợ thương nhân, người tiêu dùng, khách du lịch tham gia hoạt động KTBĐ. Khung pháp lý cần có những quy định về chế tài cụ thể, rõ ràng trong việc thực hiện các quy định và phân định rõ trách nhiệm, thẩm quyền giữa các cơ quan quản lý nhà nước trong quản lý hoạt động KTBĐ trên cơ sở tăng cường phân cấp, phân quyền cho địa phương trong việc quản lý và phát triển nền KTBĐ.

Ở cấp địa phương, căn cứ tình hình, đặc thù và nhu cầu phát triển, các địa phương chủ động rà soát chính sách liên quan đến phát triển KTBĐ, đồng thời chủ động tháo gỡ, hoặc kiến nghị các cấp có thẩm quyền xem xét, tháo gỡ khó khăn để thúc đẩy phát triển KTBĐ ở địa phương. Đặc biệt, trong giai đoạn thí điểm phát triển KTBĐ ở một số địa phương/khu vực, các địa phương cần phối hợp chặt chẽ với các cơ quan có liên quan để xây dựng các chính sách về tài chính, chính sách ưu đãi miễn, giảm tiền điện, nước, dịch vụ môi trường, tiếp cận tín dụng... phù hợp với nhu cầu của các doanh nghiệp, tổ chức, hộ gia đình tham gia hoạt động KTBĐ trên cơ sở tạo môi trường đủ hấp dẫn để hiện thực hóa các ý tưởng sáng tạo của doanh nghiệp, tổ chức và hộ gia đình.

Hiện nay, ưu tiên hàng đầu của khách du lịch (cả trong và ngoài nước) là vấn đề an toàn, nhất là vấn đề đảm bảo sức khỏe, do vậy, cần tạo môi trường du lịch và dịch vụ bền vững, có trách nhiệm với môi trường và xã hội. Bên cạnh đó, xu hướng tiêu dùng du lịch và dịch vụ cũng có thay đổi, đó là chuyển từ hình thức chi trả tiền mặt sang thanh toán thẻ, sử dụng các ứng dụng thanh toán trên điện thoại thông minh. Theo đó, các thành phố/khu du lịch cần chuẩn bị tốt cả các cơ sở hạ tầng dịch vụ tài chính để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng mới.

Các địa phương có tiềm năng phát triển KTBĐ cũng cần nghiên cứu thành lập cơ quan/tổ chức có đầy đủ thẩm quyền và trách nhiệm để thực hiện nhiệm vụ phát triển KTBĐ. Những người làm việc trong cơ quan/tổ chức cũng cần phải có kinh nghiệm để thực hiện quản lý các doanh nghiệp hoạt động về đêm.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả