Khách ùn ùn đi du lịch, doanh nghiệp lữ hành vẫn kêu lỗ
COVID-19 được kiểm soát, lại sắp đến kỳ nghỉ 30/4 - 1/5 khiến nhiều du khách ồ ạt đặt mua tour du lịch, nhưng các hãng lữ hành vẫn chưa có lãi sau khi khởi động lại.
Phục hồi dần doanh thu sau 3 đợt COVID-19 nhưng đến nay các doanh nghiệp du lịch Việt hầu hết chưa có lợi nhuận và chưa thể bù đắp khoản thua lỗ do đóng cửa dài ngày. Nhiều hãng dự đoán tuy không cần dùng đến quỹ dự phòng do lượng khách tăng đột biến dịp nghỉ lễ 30/4 – 1/5 nhưng may mắn thì cũng chỉ hòa vốn.
Giảm giá kịch sàn, doanh nghiệp chưa thể lãi
Thừa nhận khách hàng tăng rõ rệt nhưng đại diện CTCP Interbusline (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) lại khá thận trọng khi nói về lời lãi vào thời điểm này. Vị này cho biết: “Với những doanh nghiệp có chiến lược, tầm nhìn dài hơi thì việc sử dụng quỹ dự phòng khi xảy ra dịch bệnh, thiên tai là đương nhiên. Sau 3 đợt COVID-19 bùng nổ ở Việt Nam, Interbusline đã sử dụng 7 tỷ đồng để duy trì hoạt động. Hiện nay, tuy du khách tăng trở lại nhưng chiến lược của hãng đang là làm phi lợi nhuận nhằm kích cầu thị trường. Chúng tôi chấp nhận hòa vốn, tạo cơ hội cho khách được du lịch giá rẻ. Nếu dịch bệnh được kiểm soát hiệu quả, có thể tháng 6 tới, nhiều công ty du lịch mới bắt đầu có lợi nhuận”.
Lãnh đạo một doanh nghiệp lữ hành khác cũng cho biết, thời điểm này, giành lại thị phần là mục tiêu quan trọng nhất. Để hoàn thành mục tiêu, các doanh nghiệp đang đồng loạt giảm giá tour kịch sàn để kích cầu. Giá tour nghỉ lễ năm nay ở nhiều công ty có xu hướng giảm từ 5-20% so với cùng kỳ năm ngoái, do các đơn vị cung cấp dịch vụ như hàng không, khách sạn, nhà hàng đang liên tục đưa ra giá kích cầu. “Chưa lúc nào đi du lịch lại rẻ thế, rẻ từ giá tour đến giá vé máy bay, giá phòng khách sạn hay resort. Các doanh nghiệp lữ hành phối hợp với doanh nghiệp dịch vụ để khuyến mãi rầm rộ, tạo mặt bằng chung siêu rẻ trên thị trường”, đại diện doanh nghiệp nói.
Các tour đông khách như: Phú Quốc, Sa Pa...đang có giá khá mềm. Tour Phú Quốc 3 ngày 2 đêm tầm 6 – 7 triệu/khách, bao gồm các dịch vụ: ăn uống, bay, vui chơi, trong khi các điểm gần hơn thì giá còn rẻ hơn nữa.
Chính việc giảm giá để kích cầu cũng là nguyên nhân khiến doanh nghiệp khó đạt doanh số “khủng”. Chưa kể, theo nhiều doanh nghiệp lữ hành, khách hàng vẫn đang e dè đối với việc đặt tour mà chủ yếu tự đi riêng lẻ để phòng COVID-19.
Nhiều doanh nghiệp khẳng định, dù dịch bệnh được kiểm soát tốt thì ngay lập tức hãng cũng chưa thể bù lỗ được số tiền đã dùng từ quỹ dự phòng trong thời gian đối phó với dịch bệnh. Nếu kích cầu hiệu quả, dịch bệnh có kiểm soát thì dự đoán hết năm 2021, doanh thu mới có thể bù khoản lỗ trước đó. “Khách hiện đi du lịch nhiều song chủ yếu là những khách lẻ. Doanh thu vì thế chỉ đủ chi phí vận hành”, đại diện CTCP truyền thông và du lịch Bluesky khẳng định.
Khách tăng đặt tour 30/4
Trong điều kiện COVID-19 đã được kiểm soát trong cộng đồng, nhiều du khách bắt đầu đăng ký tour tại các công ty lữ hành cho kỳ nghỉ lễ kéo dài 4 ngày sắp tới.
Trả lời PV VTC News, ông Lê Hồng Thái - Phó Giám đốc Công ty Lữ hành Hanoitourist cho biết, lượng khách đặt tour tại Hanoitourist đang rất nhộn nhịp, khắc hẳn vài tháng trước. Ở thời điểm hiện tại, khách du lịch quan tâm đến các tour đường bộ ngắn ngày nhiều hơn. Còn đối với đường bay, lượng khách có nhu cầu đến các khu resort cao cấp ở Côn Đảo, Phú Quốc chiếm phần lớn.
“Từ ngày 2/3, thời điểm mà học sinh quay trở lại trường học đánh dấu việc dịch bệnh cơ bản được kiểm soát. Điều này khiến người dân cảm thấy an toàn và lượng khách đặt tour tại Hanoitourist bắt đầu tăng. Phần lớn khách hàng gọi điện đặt tour thay vì đến trực tiếp. Điều đáng nói là khách khi chọn được tour ưng ý sẽ quyết định ngay mà không muốn phải chờ đợi thêm”, ông Thái nói.
Trong khi đó, đại diện Vietravel cũng thông tin, lượng khách du lịch đã bắt đầu tăng trở lại. Đơn vị này dự kiến phục vụ khoảng 12.000 du khách, tăng trưởng tới 169% so với cùng kỳ.
Tương tự, Đất Việt Tour đã nhận khoảng 2.500 lượt khách đăng ký tour kỳ nghỉ lễ, trong đó 1.600 khách lẻ theo nhóm gia đình, 1.500 khách đặt giữ chỗ. Dự kiến, công ty sẽ phục vụ 9.000 - 10.000 lượt khách trong kỳ nghỉ lễ, với khoảng 150-160 tour lớn nhỏ.
Dự kiến, khoảng đầu đến giữa tháng 4, nếu dịch bệnh tiếp tục được kiểm soát tốt, lượng khách đặt tour có thể tiếp tục tăng mạnh. Nói về chiến lược dài kỳ, đại diện Interbusline cho biết, khi nước ta có vaccine COVID-19, người dân yên tâm du lịch hơn. Các công ty vận hành tuân theo chủ trương 5K của Bộ Y tế và Chính phủ cũng tạo được niềm tin cho khách hàng.
Theo nhiều chuyên gia, tới đây, khi dịch bệnh được kiểm soát tốt hơn, du khách ngoại quốc tế bắt đầu trở lại. Doanh nghiệp Việt nên đẩy mạnh quảng bá du lịch online, gợi mở những tiềm năng sẵn có của thiên nhiên, dịch vụ vui chơi giải trí trong nước. Việt Nam vốn đã tỏ rõ sự an toàn trong kiểm soát dịch bệnh, nhân văn trong xử lý các ca bệnh nước ngoài nên việc thu hút lượng lớn du khách quốc tế đến sau COVID-19 là hoàn toàn tất yếu, việc giữ chân thành công du khách nội địa cũng là điều dễ hiểu.
Tổng cục Du lịch cho biết, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng về nghiên cứu mở lại thị trường du lịch quốc tế trong điều kiện chống dịch COVID-19, ngày 24/3 Tổng cục Du lịch chủ trì cuộc làm việc với đại diện một số bộ ngành liên quan bàn về đề xuất kế hoạch thí điểm đón khách quốc tế vào Việt Nam.
Thị trường quốc tế được nhắm tới là Nhật Bản, Hàn Quốc và có thể thêm vùng lãnh thổ Đài Loan. Quyết định thí điểm này đều dựa vào tiêu chí chống dịch tốt ở các quốc gia và vùng lãnh thổ, thỏa thuận song phương và chấp nhận kết quả chống dịch, tiêm vaccine từ hai phía.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận