24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Lê Kiều Trang
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Khách sạn TPHCM giảm giá 40% vẫn ế phòng

Tại TPHCM, lượng khách nội địa ít ỏi trong thời gian vừa qua không đủ để vực dậy đà giảm sút của của thị trường khách sạn. Nhiều khách sạn đã giảm giá phòng 30-40% thậm chí hơn mà vẫn không có khách.

Thu gọn chuỗi, "đua" giá vẫn vắng khách

Tình hình kinh doanh của các khách sạn ở thành phố đang ngày khó khăn hơn vì lượng khách chính chủ yếu dựa vào thị trường quốc tế. Hiện tại, dịch bệnh trong nước đã tạm ổn nhưng nhiều khách sạn vẫn chưa thể mở cửa.

Với những nơi còn có thể cầm cự để sáng đèn, lượng khách lưu trú và sử dụng các dịch vụ vẫn chưa đủ để giúp khách sạn hòa vốn.

Bà Trần Thị Thanh Tâm, chủ của chuỗi khách sạn nhỏ Chez Mimosa, cho biết chuỗi có năm khách sạn nhưng đã phải trả mặt bằng một cơ sở. Bốn khách sạn còn lại cũng chỉ hoạt động được một vì khách quốc tế không còn, du khách trong nước cũng chỉ lác đác.

"Doanh thu chỉ đủ để trả tiền thuê mặt bằng, lương nhân viên và tiền điện nước. Nhiều chi phí khác không thể kham nổi", bà nói.

Một chuỗi khách sạn khác cũng đang ở trong tình trạng tương tự. Cả chuỗi có 7 khách sạn nhưng nay chỉ mở được hai cái ở quận 1 và dù đã tập trung sang hướng mới là khách trong nước nhưng cũng không mấy khi đạt điểm hòa vốn.

"Phần lớn nhân viên đã phải nghỉ việc. Phải chờ đến khi khách quốc tế quay lại thì chúng tôi mới có thể hoạt động như trước", giám đốc tiếp thị của chuỗi khách sạn này nói.

Nhiều khách sạn lớn khác cũng không nằm ngoài khó khăn này. Một số chuỗi 4 sao cũng gom khách về một chỗ để có thể mở cửa; có khách sạn 5 sao - căn hộ vì quá vắng khách cũng đã phải đóng cửa khu khách sạn, đưa khách về khu căn hộ...

Tình trạng khách sạn 5 sao ở ngay quận 1 nhưng công suất phòng chỉ đạt dưới 10% trong nhiều ngày hiện không còn lạ lẫm với giới kinh doanh. Trên thị trường đã có tình trạnh "đua" nhau hạ giá để thu hút khách hàng, nhiều nơi giảm giá 30 - 40% thậm chí hơn nhưng vẫn không có khách.

Giám đốc Kinh doanh của một khách sạn 5 sao cho biết, hiện giá phòng ở đây chỉ còn 90 đô la Mỹ so với mức hơn 120 đô la trước đây.

"Dịp bình thường, giá phòng 4 sao đã là 100 đô la Mỹ. Các khách sạn giờ đua nhau hạ giá, cố lấy cho bằng được nhóm khách nội địa, chủ yếu đi hội họp, công vụ tại thành phố", ông nói và cho rằng dù đã giảm giá mạnh và sắp tới có thể giảm nữa nhưng lượng khách vẫn sẽ không tăng trưởng bao nhiêu vì dung lượng thị trường quá nhỏ trong khi nguồn cung phòng lại lớn.

Theo số liệu từ Sở Du lịch TPHCM tính đến năm ngoái, thành phố có 1.533 cơ sở lưu trú đã được phân loại, xếp hạng với 44.232 phòng. Thêm vào đó, còn có một số lượng phòng khá lớn khác chưa được xếp hạng.

Theo thông tin từ Công ty CBRE Việt Nam, trong quí 1-2020, với phân khúc 4-5 sao, doanh thu trên mỗi phòng (RevPAR) chỉ đạt 46,3 đô la Mỹ, giảm 47,9% so với cùng kỳ năm ngoái. RevPAR sẽ tiếp tục bị ảnh hưởng nặng nề trong quí này vì các chuyến bay quốc tế vẫn chưa thể nối lại và nhu cầu du lịch từ khách nội địa chưa thể tăng cao.

Tiếp tục trông chờ mở cửa

CBRE Việt Nam từng nhận định, sự hồi phục của thị trường khách sạn TPHCM sẽ diễn ra tương đối chậm và phụ thuộc nhiều vào những diễn biến trên thế giới. Nếu dịch bệnh được kiểm soát vào tháng 6 này, giá phòng bình quân cho năm 2020 sẽ giảm 10-15%, công suất phòng bình quân giảm 40-45 điểm phần trăm so với năm ngoái.

Trong trường hợp xấu hơn, đến tháng 9 dịch bệnh mới được kiểm soát, giá phòng bình quân cho năm 2020 sẽ giảm 17- 22% so với 2019, công suất phòng giảm từ 44 - 49 điểm phần trăm.

Trao đổi với TBKTSG Online, một số doanh nhân cho rằng, thực tế đang khó hơn rất nhiều. Do lượng khách chính của khách sạn ở thành phố là khách quốc tế, khách thương mại, công vụ... nên không thể phục hồi nhanh bằng những khách sạn ở những vùng du lịch khác.

Những xoay xở lúc này như cắt giảm chi phí, chuyển sang một số phân khúc khách hàng mới, dịch vụ mới... vẫn không thể bù đắp nổi phần mất đi của thị trường quốc tế.

Theo bà Tâm, chủ của chuỗi Chez Mimosa, thị trường khách sạn ở TPHCM chỉ có thể ấm lên khi khách quốc tế quay lại nhưng để phục hồi thì cần rất nhiều gian.

"Dù Việt Nam có mở cửa quý tới thì khách cũng không thể quay lại nhiều ngay lập tức. Chúng tôi nghĩ rằng còn phải đương đầu với khó khăn cho đến tháng 12 tới", bà nói.

Trong khi đó, nhiều khách sạn cao cấp đã chuẩn bị kế hoạch đối mặt với tình trạng khó khăn trong vòng 16-18 tháng. Do phải vận hành nhiều tháng trong tình trạng không có doanh thu hoặc doanh thu rất thấp nên nhà điều hành cần rất nhiều thời gian để bù đắp cho phần thiếu hụt cũng như phải bù vào quỹ dự phòng đã dùng trong dịch.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả