Khách sạn TP. HCM gượng dậy bằng 'staycation'
Nhu cầu du lịch tại chỗ (staycation) sau 4 tháng ở nhà của nhiều người là động lực đầu tiên giúp ngành khách sạn ở TP HCM vực dậy.
Gọi đặt phòng nghỉ cho nhóm bạn 5 người tại Khu du lịch sinh thái Dần Xây (Cần Giờ) cuối tuần này, anh Xuân Đông cho biết chỗ ở bên này đang bán khá chạy. "Nhân viên tư vấn nhắn tôi chốt sớm vì phòng dạng nhà nổi của khu du lịch đang gần kín. Tôi cũng vừa định đặt tour đi thuyền và chèo sup của một công ty khác thì họ báo đã kín chỗ thứ Bảy tới", anh Đông nói.
Sau khi ở nhà 4 tháng, nhóm bạn của anh Đông bắt đầu lên kế hoạch cho một chuyến du lịch cuối tuần này. Tuy nhiên, ngay trong 3 cuối tuần trước của tháng 10, nhiều người sinh sống tại TP HCM đã kéo nhau đi Cần Giờ, Củ Chi hoặc nghỉ dưỡng trong các khách sạn cao cấp ở trung tâm thành phố để thư giãn.
Chị Mỹ Đức (quận Bình Thạnh) đi Cần Giờ hôm 8/10. Do quyết định trễ nên phòng loại cao cấp nhất giá 380.000 mỗi đêm ở một khách sạn 5 tầng gần biển 30/4 không còn. "Tôi đặt sáng 7/10 nhưng nhân viên báo hết phòng loại đẹp nhất, chỉ còn phòng có cửa sổ và tầm nhìn bé hơn", chị cho hay.
Theo quy định của TP HCM, kể từ 1/10, các cơ sở lưu trú, cơ sở nghỉ dưỡng, tham quan du lịch, các dịch vụ khác phục vụ cho khách tham quan được hoạt động tối đa 50% công suất với điều kiện đáp ứng Bộ Tiêu chí đánh giá an toàn phòng, chống dịch. Không chỉ Cần Giờ đã nhộn nhịp khách trở lại, nhiều khách sạn nội đô cũng đã mở cửa đón khách.
Những ngày cuối tuần của tháng này, khách hàng thậm chí có thể săn được phòng đôi ở khách sạn 5 sao với giá một đêm chỉ từ 1,1 đến 1,5 triệu đồng. Khi các quy định giãn cách được nới lỏng từ ngày 1/10, Traveloka bắt đầu ghi nhận lượng đặt phòng khách sạn tăng lên đáng kể.
Theo bà Huỳnh Thị Mai Thy, Giám đốc Traveloka Việt Nam, đây là tín hiệu tích cực cho thấy sự phục hồi của ngành du lịch và lữ hành trong thời gian tới. Trong khi việc du lịch đến những nơi xa còn khó khăn, lựa chọn nghỉ dưỡng ngay tại thành phố mình đang sống (staycation) trở nên hấp dẫn với nhiều người.
"Chúng tôi dự đoán xu hướng ‘staycation’ sẽ tiếp tục phát triển, đặc biệt tại các thành phố lớn, khi khách hàng có xu hướng tìm kiếm sự an toàn cũng như những lựa chọn kỳ nghỉ ngay tại thành phố hoặc gần nhà trong giai đoạn nhiều biến động như hiện nay", bà Thy nói.
Ông Nguyễn Trung Công, Giám đốc công ty iVIVU.com cũng cho biết, các khách sạn ở HCM đã bắt đầu mở cửa, quay trở lại kinh doanh từ sau 1/10. Đặc biệt là sau ngày 15/10, số khách sạn mở cửa đã tăng lên đáng kể.
"Nhu cầu của khách hàng đi nghỉ cuối tuần ngay tại các khu nghỉ, khách sạn cùng thành phố hoặc ở các tỉnh lân cận như Bình Dương, Đồng Nai có tăng lên", ông cho biết.
Theo kế hoạch phục hồi ngành du lịch, UBND TP HCM xác định lộ trình với 3 giai đoạn theo nguyên tắc "an toàn tới đâu thì mở cửa tới đó và mở cửa thì phải an toàn". Giai đoạn 1 đến 31/10, mở lại hoạt động du lịch nội vùng. Giai đoạn 2, từ 1/11 đến 31/12, mở các hoạt động du lịch nội vùng và liên tỉnh. Giai đoạn 3, năm 2022, mở hoạt động du lịch nội vùng, liên tỉnh và quốc tế. Thực tế triển khai các giai đoạn phụ thuộc tiến trình kiểm soát dịch bệnh của nội vùng, các địa phương và các quốc gia.
Như vậy, trong giai đoạn 1 và cả 2, du lịch tại chỗ (staycation) là điểm tựa quan trọng để các khách sạn gượng dậy. "Tôi nghĩ ‘staycation’ là một hình thức để khởi động các hoạt động kinh doanh du lịch khá hay và hiệu quả. Thực tế cho thấy, sau một thời gian dài ở nhà do quy định giãn cách xã hội nghiêm ngặt, người dân sẽ có nhu cầu rất lớn cho việc du lịch, đặc biệt là với mục đích giải trí - thư giãn", đại diện một khách sạn đối tác của Traveloka nói.
Nhiều khách sạn dự báo, trong ngắn hạn sẽ có nhiều người chọn du lịch tại chỗ với các gói staycation mức giá hấp dẫn kèm nhiều tiện ích bổ sung như nâng cấp hạng phòng miễn phí hoặc nhận phòng sớm. Bên cạnh đó, khách hàng sẽ cảm thấy an toàn hơn khi họ nắm được thông tin khu vực nào trong thành phố nằm trong vùng xanh, qua đó giúp họ đưa ra lựa chọn đặt phòng khách sạn phù hợp.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Trung Công cho biết, để phục hồi lâu dài, ngành khách sạn và du lịch nói chung cần nhiều hơn staycation vì đây vẫn là trào lưu ngắn hạn, không đáp ứng trọn vẹn cho một kỳ du lịch đúng nghĩa.
Khách hàng muốn đi du lịch là muốn có một trải nghiệm ở một không gian hoàn toàn mới, khí hậu khác biệt, trải nghiệm những điều mới mẻ. Do đó, staycation có thể giải tỏa cho mong muốn đi du lịch đang bị kìm nén hiện tại, nhưng khi thị trường du lịch quay lại, người dân sẽ tiếp tục chọn những chuyến du lịch xa hơn.
Theo số liệu của Cục Thống kê TP HCM, doanh thu dịch vụ lưu trú tháng 9 trên địa bàn chỉ có 35 tỷ đồng, giảm 20,5% so với tháng 8 và giảm 93,2% so với tháng cùng kỳ 2020. Phần lớn phục vụ đội ngũ cán bộ y bác sĩ và tình nguyện viên từ các tỉnh về thành phố để chống dịch. Ngoài ra, một số khách là chuyên gia của các doanh nghiệp thực hiện cách ly y tế.
Trong khi đó, hoạt động du lịch lữ hành không phát sinh doanh thu trong suốt 4 giãn cách vừa qua. Tính chung 9 tháng đầu 2021, doanh thu dịch vụ lưu trú ở TP HCM đạt 3.166 tỷ đồng, giảm 25,7% so với cùng kỳ 2020. Du lịch, lữ hành ước đạt 2.490 tỷ đồng, giảm 56,2%.
"Sau một thời gian dài chống chọi với đại dịch, các doanh nghiệp trong ngành đều đang rất khó khăn, đặc biệt là về nguồn vốn để có thể phục hồi, tiếp tục phục vụ khách hàng", ông Công cho biết.
iVIVU cho hay không chỉ đơn vị kinh doanh dịch vụ như họ gặp khó mà các doanh nghiệp đối tác từ lưu trú đến vận chuyển, đã có thời gian chịu ảnh hưởng lớn vì đại dịch.
"Tôi nghĩ điều doanh nghiệp đang rất cần chính là các chính sách hỗ trợ của nhà nước liên quan đến dòng tiền/ vốn vay ưu đãi để có thực lực có thể khôi phục kinh doanh, tạo tiền đề cho việc phục hồi ngành du lịch nội địa cũng như thu hút được khách du lịch quốc tế đến Việt Nam sau này", ông nói.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận