Khách sạn nhỏ chưa thể lớn vì… chủ đầu tư
Nhiều khách sạn 1-3 sao tại thành phố Đà Nẵng chưa thể lớn mạnh và phát triển bền vững vì vẫn còn làm ăn manh mún và không có sự ổn định trong kinh doanh do áp lực từ chủ đầu tư.
Nhiều khách sạn 1-3 sao tại thành phố Đà Nẵng chưa thể lớn mạnh và phát triển bền vững vì vẫn còn làm ăn manh mún và không có sự ổn định trong kinh doanh do áp lực từ chủ đầu tư.
Bà Trương Thị Hồng Hạnh (thứ 2 từ phải qua), Phó giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng, và bà Hồ Nguyễn Phương Chi (thứ 2 từ trái qua), Chủ tịch Hội Khách sạn Đà Nẵng, tại sự kiện chiều 27-5. Ảnh: Nhân Tâm. |
Ý kiến này được ghi nhận tại buổi họp phổ biến thông tin hoạt động kinh doanh lưu trú du lịch tại thành phố Đà Nẵng năm 2019 diễn ra chiều 27-5.
Tính đến tháng 5-2019, Đà Nẵng có 813 cơ sở lưu trú, tăng 100 cơ sở so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó bao gồm 81 khách sạn 4-5 sao và 669 khách sạn 1-3 sao, còn lại là nhà nghỉ và biệt thự du lịch.
Theo bà Hồ Nguyễn Phương Chi, Chủ tịch Hội Khách sạn Đà Nẵng, số lượng khách sạn ngày càng tăng nhưng hoạt động của các phân khúc khách sạn chưa vì sự phát triển của một thị trường chung. Các khách sạn, khu nghỉ dưỡng (resort) 4-5 sao mang thương hiệu quốc tế có sự phát triển ổn định trong khi khách sạn từ 1-3 sao đang gặp khó khăn.
“Các khách sạn nhỏ thay đổi tổng quản lý hay giám đốc kinh doanh với mật độ quá thường xuyên, thậm chí là 2-3 tháng khi không đảm bảo doanh thu hay công suất phòng”, bà Chi nêu lí do. Bà Chi cho biết thêm việc thay đổi ban quản trị nhanh và thường xuyên như vậy vì áp lực kinh doanh từ chủ đầu tư. Việc thay đổi nhanh như vậy thì các cấp quản lý không có thời gian tìm hiểu và nâng chất dịch vụ, dẫn đến kinh doanh giảm sút.
Bên cạnh đó, các khách sạn, resort 1-5 sao tại Đà Nẵng đang “thiên” về cạnh tranh về giá để thu hút khách. Điều này rất nguy hiểm vì sẽ dẫn đến chất lượng dịch vụ không được coi trọng. “Thay vì cạnh tranh về giá hiện nay, các khách sạn 1-3 sao giữ giá và cạnh tranh chất lượng dịch vụ với 4-5 sao. Khách sạn 4 và 5 sao cạnh tranh với nhau về chất lượng dịch vụ chứ không giảm giá”, bà Chi gợi ý và nói thêm ở các khách sạn mới, các chủ đầu tư nên có số vốn dự trữ ít nhất trong vòng 6 tháng sau khi mở cửa để chống lỗ chứ không nên gây áp lực về doanh số trong thời gian đầu.
Trong khi đó, bà Trương Thị Hồng Hạnh, Phó giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng, đưa ra con số cụ thể hơn, trong 5 tháng đầu năm, có sự biến động trong doanh thu của các cơ sở lưu trú trên địa bàn thành phố. Đặc biệt, các khách sạn 1-3 có sự giảm sút 10-15% vì nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó có thái độ làm ăn manh mún.
Khu vực tập trung nhiều khách sạn nhỏ ven biển Đà Nẵng. Ảnh: Nhân Tâm. |
“Trong các kỳ nghỉ lễ cao điểm du lịch vừa qua, Sở Du lịch đã tiếp nhận một số trường hợp phản ánh của khách về việc khách đặt phòng trước trên các trang bán phòng OTA [bán dịch vụ du lịch qua đại lý trên mạng] nhưng khi đến nhận phòng khách sạn không bố trí phòng hoặc khách sạn có khách lẻ đến đặt phòng với giá cao hơn đã tự động hủy phòng khách đặt trước”, bà Hạnh nói và chia sẻ đây là dấu hiệu hành vi kinh doanh thiếu đạo đức, ảnh hưởng trực tiếp đến thương hiệu của khách sạn; vì khách hàng sẽ để lại các lời đánh giá, bình luận tại các trang bán phòng và các trang đánh giá về du lịch.
Theo đó các lời đánh giá bình luận không tốt của một đơn vị sẽ gây ảnh hưởng chung đến môi trường du lịch của thành phố Đà Nẵng và trực tiếp ảnh hưởng mạnh mẽ đến hình ảnh điểm đến du lịch của thành phố.
Hai kịch bản dự báo tốc độ tăng trưởng khách năm 2019 của Đà Nẵng Theo kịch bản 1, Đà Nẵng vẫn đảm bảo thực hiện kế hoạch đón 8,19 triệu lượt khách, tăng 6,9% so với năm 2018; trong đó 3,19 triệu lượt khách quốc tế, tăng 11% và 5 triệu lượt khách nội địa, tăng 4,5% so với năm 2018. Trong khi đó, theo kịch bản 2, Đà Nẵng sẽ thu hút khoảng từ 8,2-8,3 triệu lượt khách, tăng 7-8,3% so với năm 2018. Theo lãnh đạo Sở Du lịch Đà Nẵng thì 2 kịch bản này được đưa ra vì hiện nay có hiện tượng sụt giảm các số liệu thống kê. |
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận