menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Gia Huy

Khách sạn Daewoo Hanoi bậc nhất Hà Nội: Số phận 'chìm nổi' 4 lần đổi chủ, nguy cơ bị rao bán

Mới đây, rộ lên thông tin khách sạn Daewoo Hanoi và loạt khách sạn vị trí đắc địa tại TP.HCM của Bông Sen Corp nhiều khả năng sẽ phải rao bán để xử lý lô trái phiếu 4.800 tỷ đồng có sai phạm liên quan Vạn Thịnh Phát.

Khách sạn Daewoo Hanoi từng là biểu tượng của Thủ đô một thời. Nhưng trong 27 năm qua, khách sạn này phải trải qua nhiều phen lao đao vì khủng hoảng kinh tế và long đong chủ sở hữu. Daewoo Hanoi đã 4 lần đổi chủ và sắp bị rao bán để xử lý lô trái phiếu 4.800 tỷ đồng có sai phạm liên quan Vạn Thịnh Phát.

Nhiều phen đổi chủ

Daewoo Hà Nội là khách sạn 5 sao nổi tiếng ở Hà Nội. Khách sạn này được xây dựng vào năm 1996, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của cựu Chủ tịch Daewoo Kim Woo-choong. Sau khi hoàn thành, khách sạn Dewoo Hanoi đã trở thành một biểu tượng của Thủ đô bởi quy mô hoành tráng bậc nhất thời bấy giờ.

Tọa lạc tại "đất vàng" nơi trung tâm cửa ngõ phía tây TP.Hà Nội với 411 phòng, Dewoo Hanoi không chỉ là khách sạn lớn nhất tại Thủ đô mà còn thu hút giới doanh nhân và chính khách bởi một lối kiến trúc cổ điển mang nét đẹp sang trọng, tinh tế. Khách sạn Daewoo từng đón tiếp các chính trị gia lớn như cựu Tổng thống Mỹ Clinton, Tổng thống Nga Putin.

Daewoo Hà Nội nằm trong tổ hợp Daeha (gồm khách sạn và tòa nhà văn phòng). Ông chủ của khách sạn 5 sao này là Công ty TNHH Daeha, có vốn điều lệ 43,61 triệu USD. Đây là công ty liên doanh được thành lập dựa trên sự hợp tác giữa phía Việt Nam (đại diện là Hanel - tên ngày nay là Công ty cổ phần Hanel) và Hàn Quốc (Daewoo).

Trong đó, Hanel nắm giữ 30% vốn (tương đương 13,083 triệu USD), còn Daewoo góp 30,527 triệu USD (chiếm 70% vốn điều lệ). Hanel góp vốn bằng quyền sử dụng đất, Daewoo góp tiền cho dự án.

Tuy nhiên, do Daewoo gặp khó khăn nên khách sạn phải mất rất nhiều thời gian mới đi vào hoạt động. Nhưng sau đó lại thua lỗ triền miên. Tới năm 2009, Công ty TNHH Daeha lỗ lũy kế hơn 3,167 triệu USD.

Căng thẳng hơn, đúng vào thời điểm khủng hoảng toàn cầu nổ ra, Daewoo gánh chịu khoản nợ khổng lồ. Ngân hàng Phát triển Hàn Quốc (KDB) yêu cầu Daewoo bán bớt tài sản ngoài cốt lõi của mình để giảm tỷ lệ nợ.

Lúc đầu, Hanel đã từ bỏ quyền mua của mình nên Daewoo muốn chuyển nhượng cho “đồng hương” Hàn Quốc là Lotte. Daewoo thông báo sẽ bán toàn bộ 70% vốn tại liên doanh Daeha cho Lotte với giá 111 triệu USD. Nhưng sau đó, Hanel lại quyết thực hiện “quyền ưu tiên” trong liên doanh nên Hanel mua lại 70% vốn từ Tập đoàn Daewoo.

Đầu tháng 3/2012, lãnh đạo Daewoo Hàn Quốc chính thức thông báo: "Hanel, hiện nắm giữ 30% cổ phần tại Khách sạn Daewoo Hà Nội, đã đồng ý mua lại 70% cổ phần còn lại từ Daeha, chủ sở hữu và nhà điều hành khách sạn và công ty con địa phương của Daewoo E&C có trụ sở tại Việt Nam".

Giá trị thương vụ không được tiết lộ nhưng nhiều nguồn tin trong nước cho rằng Hanel phải chi 100 triệu USD để trở thành chủ nhân duy nhất của Daewoo. Còn một tờ báo Hàn Quốc khẳng định, giá trị sổ sách của Daewoo là 17,1 tỷ won. Số tiền Daewoo thu được từ việc bán khách sạn để cơ cấu lại nợ theo yêu cầu của KDB là khoảng 60 triệu USD (tương đương 1.250 tỷ đồng).

Câu chuyện trở nên ly kỳ hơn khi Hanel giành quyền mua 70% vốn nhưng lại nhanh tay chuyển nhượng tất cả cho 2 công ty trong nước nhưng sau đó 2 công ty này đều không thanh toán một lần cho thượng vụ trên.

Cụ thể, thương vụ Hanel thâu tóm 100% vốn khách sạn Daewoo Hà Nội được thực hiện trong năm 2012 nhưng Hanel không công bố báo cáo tài chính năm 2012 của mình mà chỉ công khai các báo cáo từ năm 2013 đến nay.

Năm 2013, chỉ một năm sau khi mua lại vốn khách sạn Daewoo Hà Nội từ tay Daewoo Hàn Quốc, 70% vốn này không được ghi nhận tại Hanel. Hanel vẫn chỉ sở hữu 30% vốn công ty như ngày mới thành lập. Điều đó có nghĩa không lâu sau khi mua, Hanel đã nhanh tay bán lại toàn bộ 70% vốn mới.

Hai ông chủ mới của Daewoo Hà Nội được hé lộ là Công ty cổ phần Đầu tư và Khoáng sản Hợp Thành và Công ty cổ phần Đầu tư Hợp Thành 1. Giá trị thương vụ không được tiết lộ nhưng tại thời điểm cuối năm 2012, Hợp Thành 1 và Hợp Thành lần lượt nợ Hanel 331 tỷ đồng và 181 tỷ đồng. Phải mất tới 2 năm, hai chủ Hợp Thành mới thanh toán hết thương vụ.

Đến năm 2015, khi Công ty cổ phần Đầu tư và Khoáng sản Hợp Thành và Công ty cổ phần Đầu tư Hợp Thành 1 vừa hoàn thành nghĩa vụ tài chính cho thương vụ thâu tóm khách sạn Daewoo Hà Nội, một "chủ nhân mới" lại bất ngờ xuất hiện. Công ty cổ phần Bông Sen (Bông Sen Corp) công bố có kế hoạch đầu tư 3.650 tỷ đồng để sở hữu 51% vốn khách sạn Daewoo Hà Nội. Tới năm 2016, Bông Sen Corp cho biết công ty mới mua được 34,83% vốn.

Từ đó tới nay, Bông Sen Corp không công khai tiến độ thương vụ này. Nhưng tại ngày 30/6/2019, Bông Sen Corp đang sở hữu 73,04% cổ phần của Hợp Thành 1, từ đó gián tiếp sở hữu 51,05% cổ phần của CTCP Daeha - chủ đầu tư khu phức hợp Trung tâm thương mại Daeha (bao gồm cả khách sạn Daewoo).

Sắp bị rao bán

Mới đây, rộ lên thông tin khách sạn Daewoo Hanoi và loạt khách sạn vị trí đắc địa tại TP.HCM của Bông Sen Corp nhiều khả năng sẽ phải rao bán để xử lý lô trái phiếu 4.800 tỷ đồng có sai phạm liên quan Vạn Thịnh Phát.

Công ty cổ phần Bông Sen đang nằm trong danh sách một trong 762 doanh nghiệp liên quan Vạn Thịnh Phát của cơ quan điều tra. Đây vốn là doanh nghiệp thành viên của Tổng công ty Du lịch Sài Gòn (Saigontourist).

Ngày 27/12/2004, doanh nghiệp này chính thức chuyển đổi sang mô hình công ty cổ phần với vốn điều lệ ban đầu 130 tỷ đồng. Bông Sen sở hữu một loạt khách sạn ở vị trí đắc địa bậc nhất TP.HCM như Palace Saigon (55-56 Nguyễn Huệ), khách sạn Bông Sen 2 (61-63 Hai Bà Trưng) hay nhà hàng Vietnam House (93-95-97 Đồng Khởi).

Bông Sen đang có kế hoạch bán hơn 63,4 triệu cổ phần Daeha thuộc sở hữu của Công ty Hợp Thành 1 để thực hiện nghĩa vụ trái phiếu. Bông Sen thông tin hiện cũng có cổ phần chi phối tại Hợp Thành 1.

Ngoài cổ phần tại công ty sở hữu khách sạn Daewoo, Bông Sen cũng tính chuyển nhượng hai khách sạn Saigon Place, Bông Sen và 3 bất động sản trên đất vàng tại TP.HCM.

Song lãnh đạo Bông Sen cho biết công ty chỉ thanh lý các tài sản này sau khi có kết luận và phương án xử lý của cơ quan điều tra Bộ Công an. Hiện Bông Sen không được phép thực hiện việc thay đổi dịch chuyển tài sản, nên việc tẩu tán hoàn toàn không có khả năng xảy ra.

Báo cáo tình hình thanh toán gốc và lãi trái phiếu trong nửa đầu năm 2023 của Bông Sen cho thấy, doanh nghiệp phải tất toán toàn bộ gốc, lãi của lô trái phiếu này cho các trái chủ vào 30/6/2023. Nhưng đến thời điểm 30/6/2023, công ty chưa thanh toán 4.800 tỷ đồng tiền gốc và hơn 668 tỷ đồng lãi của lô trái phiếu. Lý do mà công ty đưa ra là do “tài khoản bị phong tỏa”.

6 tháng đầu năm nay, Bông Sen lỗ sau thuế 280 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái lỗ 82 tỷ đồng. Trước đó, trong hai năm 2021 và 2022, công ty này cũng lỗ lần lượt là 186 tỷ đồng và 443 tỷ đồng.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
1 Yêu thích
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại