Khách hàng bị lừa mất tiền sau khi tham gia Lắc xì MoMo?
“Thả” bình luận trên Fanpage của Ví MoMo, tiền trong tài khoản của một khách hàng sau đó đã “bốc hơi” vì bị kẻ gian tiếp cận.
Phản ánh tới báo chí, chị Nguyễn Thị Thùy Thảo, chủ sở hữu ví MoMo cho hay, ngày 14/3/2021, chị có để lại bình luận về chủ đề lắc xì trên Fanpage của Ví MoMo.
Hai ngày sau đó, vào 23h ngày 16/3, chị nhận được một đường link trúng thưởng của MoMo gửi qua tin nhắn Facebook.
Tin mình trúng thưởng, chị đã đăng nhập theo yêu cầu. Ngay lập tức số điện thoại xưng tổng đài MoMo lại gọi đến yêu cầu chị cung cấp mã OTP và chị không mảy may nghi ngờ, cung cấp mã số này.
"Mặc dù thời điểm đó, tài khoản ví MoMo của tôi có số dư bằng 0, nhưng kẻ gian đã thực hiện nạp tiền từ tài khoản ngân hàng liên kết sang ví và đồng thời sang ví khác. Kết quả là tài khoản của tôi nạp thành công 7 lần, với số tiền 499.000 đồng. Tổng số tiền tài khoản bị đánh cắp là 3.493.000 đồng", chị Thảo cho hay.
Khách hàng bị mất sạch tiền trong tài khoản vì tham gia chương trình Lắc xì MoMo (Ảnh minh họa)
Điều chị Thảo bức xúc nhất là khi liên hệ tổng đài hỗ trợ của MoMo để đề nghị hỗ trợ truy thu số tiền trên thì lại nhận được thái độ của nhân viên báo không hỗ trợ truy thu được vì chỉ nhận được thông tin một chiều từ khách hàng Thảo, không xác định được đây là khách hàng bị trộm tiền trong tài khoản hay giao dịch tự nguyện. Và đề nghị đến cơ quan chức năng để trình báo.
"Tôi thật sự bất ngờ và thất vọng trước thái độ không bảo vệ khách hàng của MoMo", chị Thảo bức xúc.
Ở trường hợp này, phần lỗi sơ suất chính thuộc về khách hàng khi không cảnh giác để dính vào bẫy lừa đảo. Bởi thực tế, lâu nay, các ví điện tử, các ngân hàng luôn khuyến cáo khách hàng bảo mật thông tin, không truy cập đường link lạ, không bao giờ cung cấp mật khẩu và mã OTP cho bất kỳ ai, kể cả người tự xưng là nhân viên của Ví hay của ngân hàng. Bất kỳ ai yêu cầu cung cấp 2 thông tin này đều có thể là lừa đảo. Tuy nhiên, nhiều khách hàng do thiếu tìm hiểu thông tin vẫn bị lừa.
Hơn nữa, trên Fanpage của Ví MoMo tổ chức các Lắc xì MoMo, khách hàng tham gia đều để lại số điện thoại của mình hiện thị trên Fanpage, điều này biến khách hàng thành mục tiêu dễ bị tấn công.
Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, việc không ẩn các tin nhắn hiển thị thông tin khách hàng của MoMo cũng cho thấy, Ví điện tử này còn sơ hở trong bảo mật thông tin khách hàng.
Đây cũng không phải là trường hợp cá biệt. Năm ngoái, khách hàng L.N (Nghệ An) sau khi bị cướp điện thoại cũng bị kẻ gian chuyển gần 50 triệu đồng trong tài khoản sang ví MoMo để tẩu tán sang ví khác.
Theo thông tin chị N. phản ánh, ngay khi sự cố xảy ra, chị đã gọi tổng đài MoMo, nhưng không được hỗ trợ xử lý kịp thời. Quá bức xúc, chị N. đành báo công an và đăng tải thông tin lên mạng xã hội để cảnh báo. Khi đó, đại diện MoMo mới vào cuộc tích cực để xử lý.
Sau khi MoMo tích cực vào cuộc, chị N. đã giữ lại được phần lớn số tiền trong ví, chỉ mất gần 5 triệu đồng. Tuy nhiên, sự cố của chị N. khiến nhiều khách hàng sử dụng ví điện tử rất lo lắng, vì tài khoản ngân hàng rất dễ "bốc hơi" khi được liên kết với ví điện tử.
Thực tế này không chỉ xảy ra ở Việt Nam. Ông Robert Trọng Trân, Trưởng bộ phận Dịch vụ tư vấn an ninh mạng của Ernst &Young Vietnam (EY Vietnam) cho hay, khảo sát của EY tại 100 fintech lớn trên thế giới thì có tới 98 fintech có lỗ hổng an ninh. Khi ngân hàng bắt tay với fintech, thì nguy cơ bị tấn công cũng tăng lên.
Cho đến nay, các nhà cung cấp ví điện tử cũng đã chú trọng hơn cho vấn đề bảo mật nhưng do lỗ hổng phần mềm được phát hiện ngày càng nhiều nên hacker có thể lợi dụng các lỗ hổng này để khai thác thông tin người dùng. Việc, cân bằng giữa bảo mật và tính thuận tiện đang là thách thức với nhiều ví điện tử.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận