menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Hoàng Mai Anh

Khách Hàn Quốc "bỏ" Việt Nam: Không đợi nước đến chân mới nhảy

Những động thái trong thời gian qua cho thấy ngành du lịch Đà Nẵng đang chủ động đa dạng hóa thị trường khách du lịch quốc tế để không quá lo khi khách Hàn Quốc - chiếm đến 60% lượng khách - có dấu hiệu sụt giảm.

Vì sao đáng lo?

Trong những năm qua, lượng khách du lịch Hàn Quốc đến miền Trung, bao gồm ba địa phương nằm sát cạnh nhau là Huế, Đà Nẵng và Quảng Nam, tăng trưởng mạnh. Thậm chí, năm 2018, lượng khách Hàn Quốc chiếm gần 60% trong tổng số gần 3 triệu lượt khách quốc tế đến Đà Nẵng, trong khi năm 2017 và 2016 lần lượt là 40% và 35%.

Những người trong ngành du lịch đã tỏ ra quan ngại với tình hình tăng trưởng nóng nói trên. Ông Cao Trí Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng, từng cảnh báo Đà Nẵng phải nhanh chóng đa dạng hóa thị trường để khi khách Hàn Quốc chọn điểm đến khác thì không bị hụt hẫng.

Thực tế hiện nay đã có những dấu hiệu như lời ông Dũng cảnh báo: lượng khách Hàn bắt đầu giảm, thậm chí có thời điểm giảm đến 30%. Các khách sạn lớn từ 3 đến 5 sao tại Đà Nẵng lâu nay chuyên đón khách Hàn Quốc tiết lộ số lượng đặt phòng giảm từ 20% đến 30% từ đầu năm đến nay. Ông Nguyễn Đức Quỳnh, Phó chủ tịch Hội Khách sạn Đà Nẵng, cũng xác nhận sự sụt giảm này.

Ông Nguyễn Ngọc Anh, Giám đốc Công ty Omega Tours - một trong những công ty lớn về thị trường khách Hàn Quốc, cho rằng sau khoảng 7-8 năm tăng trưởng, thị trường khách Hàn Quốc tại Đà Nẵng và miền Trung có lẽ đang rơi vào chu kỳ giảm. Đây là một hiện tượng thường thấy của các thị trường quốc tế. Ông phân tích thêm, các công ty du lịch tại Hàn Quốc đang trong bị áp lực phải tìm kiếm thị trường mới sau thời gian đưa khách đến Đà Nẵng vì thị trường này không còn hấp dẫn.

Theo ông Nguyễn Xuân Bình, Phó giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng, việc phụ thuộc vào hai thị trường Trung Quốc và Hàn Quốc có thể dẫn đến những rủi ro nhất định. Vì vậy việc xúc tiến các thị trường khác là rất cần thiết.

Những thị trường khác đang tăng

Theo ông Nguyễn Sơn Thủy, Giám đốc Công ty Indochina Unique Tourist, hiện du khách từ Thái Lan cũng như một số nước Đông Nam Á khác đến Đà Nẵng ngày càng nhiều hơn. “Đây là thị trường đầy tiềm năng cần khai thác. Quan trọng là mở thêm chuyến bay”, ông Thủy nói.

Nhận định của ông Thủy cũng khá khớp với số liệu thống kê thị trường khách quốc tế trong nửa đầu năm nay do Sở Du lịch Đà Nẵng công bố. Tuy Hàn Quốc và Trung Quốc vẫn dẫn đầu, nhưng đang sụt giảm. Trong khi đó, du khách đến từ Nhật, Thái Lan, Indonesia, Malaysia... đang tăng trưởng đáng kể.

Theo thống kê, năm 2017, lượng khách Thái Lan đến Đà Nẵng chỉ khoảng 20.000, đứng thứ 8 trong các thị trường khách quốc tế đến đây. Nhưng sang năm 2018 con số đó tăng gấp ba lần, đạt gần 60.000, đưa thị trường này lọt vào top 5. Dự kiến, năm 2019, lượng khách Thái Lan đến Đà Nẵng sẽ vượt 100.000.

Một thị trường khác cũng tăng trưởng đáng kể là Indonesia. Từ cuối tháng 3 đến đầu tháng 4-2019, lần đầu tiên Đà Nẵng đón 3.500 khách MICE (du lịch kết hợp tham gia sự kiện) từ Indonesia. Sau đó, từ tháng 6 cho đến hết năm 2019, mỗi tuần sẽ có hai chuyến bay thuê bao đưa khách du lịch từ Indonesia đến Đà Nẵng. Ước tính, sẽ có từ 7.000 đến gần 9.000 du khách Indonesia đến bằng máy bay thuê bao trong giai đoạn này.

Bên cạnh đó, từ năm 2017 đến nay, Đà Nẵng đang nổi lên là một trong những điểm đến thu hút du khách Nhật Bản, xếp thứ ba trong các thị trường khách quốc tế đến Đà Nẵng, sau Hàn Quốc và Trung Quốc. Theo thống kê, năm 2014, lượng khách Nhật Bản đến Đà Nẵng khoảng 53.000 lượt, đến năm 2018 khoảng 132.000 lượt và dự báo sẽ khoảng 200.000 lượt trong năm nay. Các công ty du lịch Nhật Bản đã phối hợp với nhiều hãng hàng không của Việt Nam và Nhật Bản để khai thác các chuyến bay thuê chuyến và bán chỗ.

Theo bà Huỳnh Thị Hương Lan, Phó giám đốc Trung tâm Xúc tiến du lịch Đà Nẵng, các thị trường Trung Đông, châu Âu, Mỹ... cũng là những thị trường rất tiềm năng, đặc biệt là kể từ khi đường bay thẳng từ Doha đến Đà Nẵng được mở 4 chuyến/tuần vào cuối năm ngoái.

Trong 6 tháng đầu năm nay, Đà Nẵng ghi nhận lượng khách từ thị trường châu Âu, Mỹ tăng đột biến, khoảng 122%. Theo ông Nguyễn Xuân Bình, Phó giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng, các doanh nghiệp đã chú trọng khai thác nhiều thị trường khác nhau, đặc biệt là châu Âu và Mỹ có chi tiêu cao.

Cần đầu tư sản phẩm phù hợp thị trường

Ông Nguyễn Xuân Bình cho biết, bên cạnh việc xúc tiến các thị trường mới, Đà Nẵng cũng có sự chủ động trong việc phát triển các sản phẩm, dịch vụ phù hợp với các thị trường này.

“Các sản phẩm du lịch sinh thái gắn với cộng đồng địa phương, điều mà khách du lịch tàu biển rất quan tâm, sẽ được đầu tư như bán đảo Sơn Trà, làng nghề nước mắm Nam Ô hay làng rau La Hường...”, ông Bình nói. Ngoài ra, theo ông, ngành du lịch thành phố sẽ kêu gọi đầu tư các cụm mua sắm - ẩm thực - vui chơi giải trí quy mô lớn và phù hợp với khách tàu biển và du lịch cộng đồng.

UBND thành phố Đà Nẵng cũng vừa phê duyệt kế hoạch phát triển điểm đến, sản phẩm dịch vụ trên tuyến du lịch đường thủy nội địa thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2019-2021. Theo đó, sẽ có 8 tuyến du lịch tàu thủy với sông Hàn và Sơn Trà cùng các hòn đảo làm điểm chính.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Bạn có muốn trở thành chuyên gia trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải App Tài chính - Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại