menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Nguyễn Thành Dũng

Khách các con tàu du lịch là ai?

Những tin tức về các con tàu du lịch ngày càng bi đát hơn. Trong mùa dịch này, bỗng dưng khách của các con tàu ấy trở thành nạn nhân không chỉ của nỗi ám ảnh dịch bệnh mà còn bị xua đuổi từ chứng sợ hãi, trong khi họ chỉ là những người thích một chuyến du hành nghỉ dưỡng trong an nhàn tối đa, khác với những tour du lịch bằng máy bay, rồi sáng lên xe tham quan, tối về khách sạn nghỉ, hay các chuyến phượt trẻ trung, phiêu lưu...

Đùng một cái tai họa đổ ập xuống họ cùng các con tàu và hãng tàu. Một tai họa bao trùm chớ không chỉ cá lẻ như vụ con tàu Titanic bị chìm ngay chuyến khai trương vào rạng sáng 15-4-1912 hay vụ tàu du lịch Costa Concordia đúng một trăm năm sau bị mắc cạn và lật nghiêng sát đảo Isola del Giglio (Ý) vào ngày thứ Sáu 13-1-2012!

Sau hai tai nạn của thế kỷ đó, các con tàu du lịch vẫn đông khách, tất nhiên theo mùa, song chưa từng bị xua đuổi như hiện nay.

Sợ tàu như... sợ dịch

Chuyện Chính phủ Campuchia phản ứng việc Bộ Y tế Malaysia công bố tin một du khách người Mỹ trên du thuyền Westerdam, vừa được cho cập cảng Sihanoukville của nước này sáng 13-2, đã bị bệnh do nhiễm virus corona chủng mới (Covid-19) là một thí dụ của sự chuyển trạng thái nhanh như “điện” từ chưa nhiễm sang nhiễm bệnh, ít nhất cũng trên thông cáo của các nước.

Được biết trước đó, Bộ Y tế Campuchia đã thông báo tất cả hơn 2.200 người trên du thuyền Westerdam cập cảng sáng 13-2 không ai bị Covid-19. Con tàu này đã từng bị Thái Lan, Nhật Bản, Đài Loan, đảo Guam (Mỹ) và Philippines từ chối cho cập cảng dù tàu ấy tuyên bố không có bệnh nhân nào bị nhiễm bệnh.

Song, đến 15-2, Bộ Y tế Malaysia cho biết một hành khách từng có mặt trên du thuyền Westerdam đã dương tính với virus corona sau khi được xét nghiệm. Bên nào đúng, bên nào sai thì chưa biết. Nhiều con tàu khác nay đang bị đuổi như đuổi tà trong bầu không khí có thể gọi là hoảng thần (psychose).

Song, đó mới chỉ là nỗi hằn tinh thần bị xua đuổi, chớ khách của con tàu Diamond Princess mới là “xấu số” vô cùng - đến 10 giờ sáng Chủ nhật 16-2 đã có tới 355 người nhiễm bệnh trên tàu. “Chúng tôi đã xét nghiệm 1.219 cá nhân. Trong đó, 355 người dương tính với virus corona chủng mới. Trong số này, 73 ca không có triệu chứng”, Bộ trưởng Y tế Nhật Katsunobu Kato công bố trong một chương trình của NHK sáng Chủ nhật đó.

Những người thích được chăm chút

Nói tới các con tàu này, không ít người xem đó là những tàu siêu sang trọng. Quả là các hãng tàu hay nhấn mạnh điều này trong quảng cáo về mình. Như hãng tàu Princess của con tàu Diamond Princess nêu trên: “Với một điểm đến tự thân đã là sang trọng, quý vị hãy hình dung trước sự phấn khích của sự khám phá trên viên chân trâu của biển này”.

Con tàu nào cũng có những đặc tính riêng của mình, song tựu trung tất cả đều cùng một điệp khúc như “Tàu du lịch... là một kho báu của những thú vui đặc biệt đang chờ được khám phá. Dùng bữa với món... vừa được cất công nấu ở nhà hàng..., hoặc tham gia một chương trình biểu diễn xa hoa trong nhà hát hiện đại... của chúng tôi”...

Trong thực tế, mỗi con tàu đều là một “vùng đất xa lạ” để mà khám phá. Có khi đó là món pizza Ý “hơn cả 100%” mà các con tàu gốc Ý cùng hãng Costa đều tự hào. Có khi đó là con tôm hùm đặc sản mà khách lên tàu Carnival tuyến Baja Mexico đều mong đợi.

Sang trọng tới đâu, hãy thử làm một phép tính: trọng tải con tàu/số phòng và số khách cùng với tỷ lệ nhân viên/khách. Như tàu Diamond Princess, mớn nước là 115,875 tấn, số phòng nhận khách là 1.337, số khách là 2.670 người, số nhân viên là 1.170 người. Tỷ lệ khách/nhân viên phục vụ là 1.170/2.670, tức cứ 2,28 khách thì có một nhân viên phục vụ trực tiếp hay gián tiếp.

Thử so với tàu Mariners of the Seas có dạo chạy tuyến Singapore mà tỷ lệ là 2,79 khách được một nhân viên phục vụ, thì có thể nói tàu Diamond Princess có những điều kiện để phục vụ chăm chút hơn.

Định nghĩa sự chăm chút tùy mỗi người, nhưng nếu hiểu theo kiểu người Pháp gọi là “aux petits soins”, chăm sóc từng li, từng tí, thì có thể lấy một ví dụ chung cho các con tàu Pullmantur và Mariner of the Seas, khác hãng, khác hành trình, khác vùng biển, song nhân viên house keeping cùng có thói quen là khách ra khỏi phòng, bước vô dọn ngay ra giường thẳng tắp, khách đi ăn về sẽ càng hài lòng hơn khi thấy trên đầu giường một cái khăn mặt nhỏ được xếp hình con thú cưng này con thú cưng kia... Khách là phụ nữ vô cùng thích thú sự ngăn nắp từng li, từng tí đó!

Hay như con tàu Costa Smeralda mà tôi đã đi và kẹt trên đó hôm 30-1 ở cảng Civitavecchia, cửa ngõ vào Rome, sự chăm chút dành cho các phụ huynh có thêm một khoản cực kỳ hay ho: một nhà trẻ giữ các cháu bé cho các phụ huynh nào muốn có chút riêng tư ở nhà hàng, nhà hát, sàn khiêu vũ hay “mệt quá cho nghỉ chút!”.

Các cô nuôi, trong đó có một cô người Việt, quê gốc miền Tây, sẽ trông nom tận tình - bằng không sau tám tháng hết hợp đồng đừng trách sao không được gia hạn, khăn gói về xứ luôn!

Sự chăm chút có khi còn là một chai sâm banh cùng giỏ hoa kỷ niệm ngày cưới trên chiếc tàu Horizon, hay ổ bánh mừng lễ Valentine trên chiếc Costa Victoria. Khi sự chăm sóc từng li, từng chút mỗi cá nhân khách hàng đã là một thuộc tính hệ thống, thì khách chỉ có nhớ hãng tàu, ít khi bỏ, trừ phi đi tuyến mới không có hãng đó. Một thí dụ của sự chăm chút cá nhân song mang tính hệ thống là cái nhà nguyện nhỏ trên tàu Horizon, sáng sáng có linh mục tuyên úy dâng lễ cho khách mộ đạo dự trước khi xuống đất liền tham quan.

Ngoài nhà nguyện, hãng tàu này của Pháp (mà giáo hội Pháp đươc xem là “trưởng nữ” của giáo hội La Mã) này còn có một chăm chút kiểu Pháp tiêu biểu khác là phục vụ rượu vang miễn phí, muốn thưởng thức rượu ngon hơn chỉ cần chọn và trả thêm 2 euro một chai, không phải mua gói cả 200 euro cho 6 chai như hãng tàu Ý Costa - sau này bán cho hãng Carnival.

Nhàn hạ tối đa

Mẫu số chung của khách đi tàu du lịch là muốn nhàn hạ tối đa mà vẫn đi từ nước này sang nước khác, không phải thức khuya dậy sớm như đi tour đất liền hay tour máy bay. Mấy tour đất liền 2 đêm 3 ngày ở Mỹ, chạy bờ Tây hay bờ Đông cũng vậy, là những thí dụ sống cho cuộc “cưỡi” xe buýt chạy mấy trăm dặm mỗi ngày, cứ hai tiếng ghé một địa điểm mới, xuống xe “giải lao”, chụp hình thoáng cái rồi lại lên xe; tới trưa ghé ăn tự túc, tối cũng thế trước khi tới khách sạn, thường là tên tuổi song tuốt ngoại ô xa lắc, để lăn ra trên cái “king bed” to đùng mà không được ngủ thẳng cẳng, 5-6 giờ sáng hôm sau bị đánh thức lại vác va li xuống xe mà chạy tiếp.

Chọn tàu du lịch chính là chọn sự nhàn hạ cho tới giờ phút muốn về phòng đánh một giấc, quẳng mọi gánh lo của những tour đất liền kia: ngày mai tới đâu, đi đâu, làm gì, tối mai ăn đâu, chơi đâu, mà lắm khi mới ba giờ chiều đã tự nhủ sẽ bảo cả nhà “mệt quá rồi, thôi tối nay ở nhà, ai đi ăn, đi đi nhe!”.

Chỉ cần đọc tờ chương trình rồi đăng ký mai đi đâu, ăn sáng xong, giải lao tí rồi xuống tàu, lên xe mươi hay vài mươi phút là vô tới Barcelona, Mallorca, Rome, Monaco..., muốn đi tự túc thì tự đáp xe buýt mà đi! Tối thiểu cũng có thì giờ ngắm nghía đó đây, kiếm quán cà phê hay nhà hàng tiêu biểu thưởng thức, mua sắm ở tiệm đó, chợ đó mà mấy tháng trước đã nghiên cứu đường đi, nước bước cùng cả góc chụp hình trên YouTube.

Gần cuối buổi chiều, thong thả về lại tàu, về phòng thay đồ tắm xuống hồ bơi nước nóng, có mái che, độ ẩm và nhiệt độ ấm áp, lại có mùi chlore tẩy trùng, kiếm cái ghế bố nằm cho giãn lưng hay xuống đạp nước chút ít cho giãn xương cốt, rồi lên kiếm một quán bar nào đó uống một ly cocktail khai vị chờ cơm tối. Ăn xong, đi chơi đâu tối nay? - Thôi mệt quá, về ngủ! Không, các con tàu không để cho khách đi ngủ “suông” như thế.

Ra nhà hát Colosseo xem Sandy Sims nhập vai nữ ca sĩ Dalida hát lại “Coupable”, “Bambino”, “Besame Mucho” ngày nào. Làm gì thì làm, hãng tàu cũng bắt đi bộ vài trăm mét từ phòng ra nhà hàng ở tận đầu kia con tàu, rồi cũng chừng đó từ nhà hàng về phòng, ngày ba bữa cũng được khoảng hai cây số tối thiểu, cũng có chút rèn luyện thân thể.

Chẳng phải ai cũng là nhà giàu. Có không ít người mua phòng bên trong, kín như bưng. May mà kỳ này, do là khách quen cũ lại mua vé từ tháng 6 năm ngoái, coi như trung kiên “đầu tư” cho con tàu du lịch đầu tiên chạy bằng khí hóa lỏng, nên được nâng cấp phòng lên balcony, với cái giá hai người (cộng thêm vé máy bay) chỉ bằng một vé tour mua ở Sài Gòn hay Hà Nội. Khách các tàu khác cũng thế, đâu phải ai cũng giàu sụ.

Chẳng qua, chỉ muốn một kỳ nghỉ an nhàn, ăn ra ăn, uống ra uống, có cụng ly cũng không phải “dzô” mới được! Còn chuyện dịch tễ, ách trời trăm năm có một! Đừng ai nghe tin thoát nạn, từ xa cật vấn cho bằng được: “Bộ không phải cách ly 14 ngày sao?!”.

Hai khách nhiễm Covid-19 trên tàu đậu ngoài khơi Nhật Bản thiệt mạng

Ngày 20-2, hãng tin NHK cho biết 2 khách trên tàu du lịch Diamond Princess đang neo đậu ngoài khơi Nhật Bản vừa thiệt mạng. Được biết hai người thiệt mạng gồm một nam, một nữ trong độ tuổi 80.

Diamond Princess ban đầu chở theo khoảng 3700 người. Hơn 620 người trên con tàu sau đó được xác định nhiễm bệnh viêm phổi cấp do chủng mới virus corona (Covid-19). Con tàu đã bị cách ly kể từ ngày 3-2.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại