Khắc phục rủi ro gỗ nhập khẩu
Thời gian tới để đạt được mục tiêu xuất khẩu hơn 15 tỷ USD, ngành gỗ phải giải quyết tốt vấn đề về nguồn nguyên liệu, nhất là tránh những rủi ro về nguồn gỗ nhập khẩu phải có tính hợp pháp theo quy định.
Mới đây, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (VIFOREST) đã có thư gửi sang Bộ Lâm nghiệp Cameroon đề nghị cung cấp thông tin về bằng chứng gỗ nhập khẩu hợp pháp.
Trong thư, VIFOREST đề nghị Bộ Lâm nghiệp Cameroon phản hồi trong thời gian sớm nhất có thể các thông tin, tiêu chuẩn để xác định gỗ nhập khẩu từ Cameroon là hợp pháp; qua đó, các doanh nghiệp nhập khẩu của Việt Nam cần có những loại giấy tờ gì, được cấp bởi cơ quan chức năng nào của chính phủ Cameroon. Các thông tin này có vai trò quan trọng, góp phần loại bỏ các rủi ro về tính hợp pháp của gỗ nguyên liệu xuất khẩu từ Cameroon vào Việt Nam. Đây là một trong những vấn đề mà các doanh nghiệp gỗ trong nước gặp phải khi nhập khẩu gỗ từ các thị trường nước ngoài.
Trên thực tế, ngành chế biến, xuất khẩu gỗ và lâm sản đang cho thấy sự tăng trưởng mạnh mẽ khi kết thúc năm 2020 đầy khó khăn do ảnh hưởng của Covid-19 vẫn đạt con số 13,23 tỷ USD, tăng 19,7% so với năm trước. Trong quý I/2021, xuất khẩu gỗ và lâm sản ước đạt 3,944 tỷ USD, tăng 41,5% so với cùng kỳ; trong đó, gỗ và sản phẩm gỗ đạt 3,699 tỷ USD, tăng 41,5%; lâm sản ngoài gỗ đạt 243 triệu USD, tăng 38,4%. Đây được cho là sự bứt tốc ấn tượng của ngành gỗ. Tuy nhiên theo các chuyên gia, trong năm 2021 vẫn còn nhiều rủi ro khi dịch bệnh vẫn đang tác động tới nhiều thị trường trên thế giới, đặc biệt là các thị trường lớn quan tâm đến yêu cầu về bảo đảm chất lượng, truy xuất nguồn gốc, chống gian lận thương mại, từ đó, áp dụng các biện pháp thuế quan và các biện pháp thương mại khác vẫn luôn tiềm ẩn ở phía trước. Theo đó, vấn đề nhập khẩu nguồn gốc gỗ phải được tuân thủ nghiêm ngặt và phải kiểm soát rất chặt chẽ để bảo đảm nguồn gốc gỗ phải là hợp pháp.
Theo ông Hà Công Tuấn, Thứ trưởng Thường trực Bộ NN&PTNT, hiện nay nguồn nguyên liệu gỗ trong nước còn phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu, trong khi việc kiểm soát nguồn gốc gỗ hợp pháp chưa được chặt chẽ. Chính vì vậy trong thời gian tới để đạt được mục tiêu xuất khẩu hơn 15 tỷ USD, ngành gỗ phải giải quyết tốt vấn đề về nguồn nguyên liệu, nhất là tránh những rủi ro về nguồn gỗ nhập khẩu phải có tính hợp pháp theo quy định.
Chính phủ Việt Nam cam kết mạnh mẽ loại bỏ gỗ bất hợp pháp ra khỏi chuỗi cung đối với các sản phẩm xuất khẩu và sản phẩm tiêu thụ nội địa. Các cam kết này thể hiện rõ trong VPA/FLEGT được Việt Nam và EU ký năm 2019. Nhằm thực hiện các cam kết trong hiệp định, Chính phủ Việt Nam vừa ban hành Nghị định về Quy định Hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp (VNTLAS). Một trong những nội dung quan trọng của nghị định là xây dựng các cơ chế nhằm kiểm soát chặt chẽ tính hợp pháp của gỗ nguyên liệu nhập khẩu. Các cơ chế này được dựa trên các tiêu chí phân loại rủi ro theo vùng địa lý (quốc gia) và loại gỗ. Tập trung vào nguồn gỗ nguyên liệu nhập khẩu từ các quốc gia nhiệt đới, bao gồm các nước khu vực Châu Phi, Lào, Campuchia và Papua New Guine…
Theo các chuyên gia, rủi ro về nguồn gỗ hợp pháp đối với gỗ nhập khẩu là rất lớn, đặc biệt tính rủi ro về vùng địa lý. Các quốc gia cung cấp gỗ cho Việt Nam đang thiếu vắng các khung pháp lý bắt buộc về trách nhiệm giải trình về hệ thống chứng chỉ gỗ quốc gia, quản trị nhà nước tại các quốc gia này thường rất hạn chế. Theo VIFOREST, đang có rất nhiều doanh nghiệp Việt Nam nhập khẩu gỗ nguyên liệu từ các quốc gia châu Phi. Có một thực tế là các giấy tờ đảm bảo nguồn cung gỗ hợp pháp do bên xuất khẩu chịu trách nhiệm chứ không phải phía doanh nghiệp Việt Nam. Tuy nhiên, nếu chiếu theo Nghị định 102 thì điều này là không đủ. Cần có đủ bằng chứng để minh chứng gỗ đó là hợp pháp.
Hiện có trên 200 doanh nghiệp Việt đang nhập khẩu gỗ từ Cameroon. Theo Nghị định VNTLAS, nhằm đảm bảo gỗ từ Cameroon là gỗ được khai thác, vận chuyển và thương mại hợp pháp, các doanh nghiệp nhập khẩu gỗ từ Cameroon cần thực hiện trách nhiệm giải trình, theo đó, cần có các bằng chứng gỗ hợp pháp, được cấp bởi các cơ quan quản lý của Cameroon và/hoặc chứng chỉ gỗ bền vững được cung cấp bởi bên thứ ba. Tuy nhiên, hiện các DN đang gặp khó khăn trong việc thực hiện trách nhiệm giải trình theo Nghị định VNTLAS. Cụ thể, họ chưa biết chính xác bằng chứng/giấy tờ nào được cấp bởi cơ quan quản lý nào của Cameroon để xác nhận gỗ nhập khẩu từ Cameroon là hợp pháp. Điều này hiện đang gây khó khăn rất lớn cho cả doanh nghiệp nhập khẩu lẫn cơ quan kiểm soát gỗ nhập khẩu của Việt Nam trong việc đáp ứng các quy định của VNTLAS.
Với nhiều rủi ro về nguồn gốc gỗ nhập khẩu, theo VIFOREST, trong dài hạn Chính phủ Việt Nam và cộng đồng doanh nghiệp gỗ nên đa dạng nguồn cung gỗ nguyên liệu, giảm tỷ trọng nguồn cung nhập khẩu từ khu vực nhiệt đới, tăng tỷ trọng từ các nguồn cung rủi ro thấp. Phổ cập thông tin về tinh thần của Nghị định VNTLAS, đặc biệt về các yêu cầu mới đối với các doanh nghiệp trực tiếp tham gia nhập khẩu nguyên liệu từ nguồn này là cấp thiết. Việc này đòi hỏi nỗ lực không chỉ từ các cơ quan quản lý mà còn từ các Hiệp hội gỗ và các bên liên quan khác. Cập nhật thông tin kịp thời tới các DN sẽ giúp duy trì các chuỗi cung không bị đứt gãy, giảm tác động tiêu cực tới các bên tham gia vào các chuỗi cung này. Đây là những việc làm hết sức cần thiết nhằm duy trì và phát triển ngành, thực hiện các cam kết của Chính phủ với cộng đồng quốc tế.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận