Khắc phục hậu quả của dịch Covid-19, EU đề xuất gói kích thích tài chính mới
EC sẽ đề xuất gói kích thích tài chính mới nhằm giúp phục hồi kinh tế của EU sau những thiệt hại mà dịch Covid-19 gây ra.
Theo bà Ursula von der Leyen, EC sẽ đề xuất một số điều chỉnh trong dự thảo khung tài chính dài hạn (MFF, ngân sách dài hạn của EU) nhằm cho phép giải quyết những thiệt hại mà cuộc khủng hoảng do dịch bệnh gây ra. Các thay đổi sẽ bao gồm một gói kích thích tài chính nhằm đảm bảo sự gắn kết trong Liên minh được duy trì thông qua sự đoàn kết và trách nhiệm.
Tháng trước, các nhà lãnh đạo EU đã không đạt được thỏa thuận về ngân sách chung cho giai đoạn 2021-2027. Mâu thuẫn lần này xoay quanh vấn đề điều chỉnh chi ngân sách cho các lĩnh vực ưu tiên như thế nào. Mặc dù các cuộc thảo luận vẫn tiếp tục kể từ cuộc họp tháng 2, dịch Covid-19 đã lan rộng ra khắp châu Âu. Dịch bệnh đã thay đổi quan điểm của nhiều nhà lãnh đạo chính trị trong bối cảnh kinh tế toàn bộ khối EU phải đối mặt với nguy cơ rơi vào suy thoái vào cuối năm nay.
Mặc dù vậy, 27 nhà lãnh đạo EU vẫn chưa thể thống nhất về các hành động ứng phó tốt nhất đối với thiệt hại kinh tế do dịch Covid-19 gây ra trong cuộc hội nghị trực tuyến hôm 26/3. Hội nghị đã yêu cầu Nhóm các bộ trưởng tài chính Eurozone (Eurogroup) sớm trình bày các đề xuất về kế hoạch phản ứng chung để đối phó với khủng hoảng vào tháng tới.
Italy, Tây Ban Nha và Pháp - những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất - đang thúc đẩy EU chia sẻ gánh nặng tài chính. Trong khi đó, Hà Lan và Đức lo ngại các khoản chi tiêu lớn của những nước láng giềng sẽ làm gia tăng nợ công của khu vực Eurozone.
Sau Hội nghị trực tuyến ngày 26/3, các nhà lãnh đạo EU kêu gọi EC đẩy nhanh các nỗ lực giúp đảm bảo cung ứng khẩn cấp và đầy đủ các thiết bị y tế trên toàn EU và coi đây là ưu tiên cấp thiết nhất. Hội nghị kêu gọi các quốc gia thành viên hợp tác chặt chẽ cùng nhau và cung cấp cho EC các dữ liệu đáng tin cậy nhất một cách kịp thời.
Lãnh đạo các nước EU cũng tuyên bố ủng hộ hành động của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) nhằm đảm bảo các điều kiện về tài chính để hỗ trợ các nước Khu vực đồng Euro (Eurozone). EC đã đề xuất sáng kiến đầu tư ứng phó với Covid-19 với gói 37 tỷ Euro đầu tư theo chính sách gắn kết để giải quyết hậu quả của cuộc khủng hoảng.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận